Ủy ban chống khủng bố và chống tội phạm có "va sân"?

"Nếu sau này chúng ta dự kiến thành lập Ủy ban Quốc gia về phòng, chống khủng bố thì tôi tưởng tượng thành phần của Ủy ban Quốc gia này cũng không khác mấy với thành phần của Ủy ban Quốc gia phòng, chống tội phạm. Về tính hiệu quả, tôi nghĩ nên là một Ủy ban Quốc gia về phòng, chống nhưng sẽ có những phân ban, những ban đủ tầm...", đại biểu Nguyễn Công Hồng, Đồng Nai nêu ý kiến khi thảo luận về Dự thảo Luật Phòng, chống khủng bố.

[links()]Trong phiên thảo luận sáng nay về Dự thảo Luật Phòng, chống khủng bố, phần lớn ý kiến của các đại biểu bàn luận xung quanh vấn đề mô hình thành lập của Ban chỉ đạo, và người giữ vai trò chỉ đạo trong công tác này.

Lực lượng công an giữ vai trò nòng  cốt trong công tác chống khủng bố
Lực lượng công an giữ vai trò nòng cốt trong công tác chống khủng bố.

Mô hình hai cấp

Đa số các đại biểu đều cho rằng cần phải thành  lập Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố ở hai cấp Trung ương và tỉnh.

Đại biểu Nguyễn Minh Kha, TP Cần Thơ, đưa ý kiến: "Tôi cho rằng dự thảo cần xác định Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố có 2 cấp: trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Ở trung ương, Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố do Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban, Bộ trưởng Bộ Công an làm phó trưởng ban thường trực, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm phó ban chỉ đạo và các ngành làm thành viên.

Tương tự như ở trung ương, cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch làm trưởng ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố, giám đốc công an làm phó ban thường trực và Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự thành phố tỉnh và các sở, ngành làm thành viên".

Thống nhất cao với quy định của Dự luật, đại biểu Nguyễn Anh Sơn, Nam Định, nói: "Tôi tán thành với nội dung cốt lõi của Điều 12, theo đó quy định thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố ở cấp quốc gia và cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và hoạt động thường xuyên, chứ không phải khi nào cần thiết thì mới thành lập và không nhất thiết phải thành lập ở tất cả các bộ, ngành của Trung ương".  

Ông cũng đưa ra ý kiến: Thành viên Ban chỉ đạo hoạt động kiêm nhiệm, Bộ trưởng Bộ Công an và Giám đốc công an tỉnh sẽ đóng vai trò thường trực của Ban chỉ đạo cấp Trung ương và cấp tỉnh. Đặc biệt, theo ý đại biểu tỉnh Nam Định, không nên quy định ở cấp tỉnh có cơ quan tham mưu giúp việc mà chỉ quy định bộ phận tham mưu giúp việc cho ban chỉ đạo và bộ phận này đặt tại một phòng nào đó của công an tỉnh.

“Nếu chúng ta quy định có cơ quan tham mưu giúp việc sau này có thể viện vào lý do đó để thành lập một đơn vị, cơ quan riêng thì cũng rất bất tiện và không đúng theo tinh thần của dự thảo luật này là chúng ta không "đẻ" thêm bộ máy”, ông giải thích.

Chỉ cần bổ sung chức năng cho Ủy ban phòng chống tội phạm?

Bên cạnh những ý kiến bày tỏ sự thống nhất cao độ về mô hình Ban chỉ đạo hai cấp, cũng có ý kiến cần phải lồng ghép lực lượng chỉ đạo công tác phòng, chống khủng bố.

Theo đại biểu Nguyễn Công Hồng, Đồng Nai, nên lồng ghép với Ủy ban Quốc gia về phòng, chống tội phạm. “Theo quan điểm cá nhân của tôi thì không nên có Ban chỉ đạo mà chỉ bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho Ủy ban Quốc gia Phòng, chống tội phạm. Vì về cơ bản thì khủng bố và tài trợ khủng bố cũng như là tội phạm ma túy, tội phạm mua bán người và thậm chí là tội phạm chiến tranh, tội phạm chống loài người cũng đều là tội phạm”.

“Nếu sau này chúng ta dự kiến thành lập Ủy ban Quốc gia về phòng, chống khủng bố thì tôi tưởng tượng thành phần của Ủy ban Quốc gia này cũng không khác mấy với thành phần của Ủy ban Quốc gia phòng, chống tội phạm. Về tính hiệu quả, tôi nghĩ nên là một Ủy ban Quốc gia về phòng, chống nhưng sẽ có những phân ban, những ban đủ tầm để tham mưu cho Ủy ban Quốc gia này quyết định những vấn đề sách lược và sẽ đầu tư có chế độ rõ ràng với bộ phận tham mưu này, có bộ máy để bộ phận tham mưu thì tốt hơn là thành lập một Ủy ban Quốc gia cũng là kiêm nhiệm thì nó kém hiệu quả hơn”, Đại biểu Công phân tích.

Đại biểu Hà Huy Thông, Thừa Thiên - Huế, thống nhất việc thành lập ban chỉ đạo của Trung ương, nhưng cho rằng không nên thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố của bộ, ngành.

“Trong khi chúng ta đã có Ban chỉ đạo của Trung ương, mà Ban chỉ đạo Trung ương này thì tất yếu sẽ có đại diện của các bộ, ngành, đặc biệt là bộ, ngành quan trọng, trong đó Bộ Công an là cơ quan thường trực, ở tỉnh cũng có ban chỉ đạo của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và chắc chắn cũng có đại diện các cơ quan. Hơn nữa tại Điểm 3 Khoản 2, Điều 7, chúng ta cũng đã quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong Phòng, chống tham nhũng”, ông Thông nói. “Vấn đề quan trọng là ban chỉ đạo nào tham mưu và chỉ đạo phối hợp làm thế nào để hoạt động phòng, chống khủng bố của chúng ta có hiệu quả”.

Nhật Thanh

Đọc thêm