Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng

(PLVN) - Tội phạm tham nhũng, chức vụ phát hiện tăng 71,46% về số vụ, tăng 116,17% số đối tượng, đặc biệt, số vụ nhận hối lộ được phát hiện tăng 312,5%. Điều này cho thấy, nhờ quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước ta, công cuộc chống tham nhũng ngày càng hiệu quả nhưng kết quả trên cũng thể hiện công tác quản lý nhà nước, phòng ngừa tham nhũng còn hạn chế.
Toàn cảnh phiên họp.
Toàn cảnh phiên họp.

Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập

Sáng nay - 13/9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2023 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2023.

Trình bày báo cáo thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao năm 2023 tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh, năm 2023, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp, bảo đảm phát triển kinh tế, ổn định đời sống người dân và đấu tranh có hiệu quả đối với các vi phạm pháp luật và tội phạm.

Lực lượng Công an đã triển khai nhiều biện pháp để phát hiện, xử lý nhanh chóng những điểm nóng; kịp thời truy bắt các đối tượng khủng bố, chống chính quyền nhân dân; xử lý nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp; tổng số vụ án được phát hiện tăng so với cùng kỳ; một số loại tội phạm được kiềm chế và kéo giảm như số vụ phạm tội có tổ chức giảm 26,92%; số vụ dâm ô với người dưới 16 tuổi giảm 5,62%.

Bên cạnh đó, Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh, dù đã có nhiều cố gắng nhưng tổng thể chung, tội phạm gia tăng cả về số vụ, số người chết và thiệt hại tài sản do tội phạm gây ra, trong đó một số loại tội phạm tăng mạnh, như giết người; cướp tài sản; cướp giật; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; cho vay lãi nặng; gây rối trật tự công cộng...

Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn một số bất cập, dẫn đến các đối tượng lợi dụng để phạm tội, như đăng kiểm phương tiện giao thông, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép khai thác khoáng sản, cấp phiếu lý lịch tư pháp...

Tội phạm tham nhũng, chức vụ phát hiện tăng 71,46% về số vụ, tăng 116,17% số đối tượng, đặc biệt, số vụ nhận hối lộ được phát hiện tăng 312,5%.

Điều này cho thấy, nhờ quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước ta, công cuộc chống tham nhũng ngày càng hiệu quả. Bên cạnh đó, kết quả trên cũng thể hiện công tác quản lý nhà nước, phòng ngừa tham nhũng còn hạn chế…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng cho hay, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và chính quyền các cấp, công tác phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đã đạt được nhiều kết quả tích cực và đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Tuy nhiên, số vụ tội phạm ma túy phát hiện tăng 18,42%; số ma túy tổng hợp thu giữ tăng đặc biệt cao (1.484,19%), cho thấy diễn biến hết sức phức tạp của tội phạm ma túy.

Tình trạng sử dụng trái phép ma túy, nhất là ma túy tổng hợp diễn ra ở nhiều địa phương; xuất hiện một số loại ma túy núp bóng thuốc lá điện tử, đồ uống, thực phẩm,... gây tác hại nhiều mặt đến thanh, thiếu niên.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường trình bày báo cáo tại phiên họp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường trình bày báo cáo tại phiên họp.

Công tác điều tra, xử lý tội phạm tiếp tục có chuyển biến tích cực, chất lượng công tác điều tra đã được nâng lên, một số chỉ tiêu tại Nghị quyết số 96 của Quốc hội đã đạt và vượt.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước, kinh tế - xã hội để ngừa tham nhũng, tiêu cực

Trình bày báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN năm 2023, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường cho biết, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, trong năm 2023, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, công tác đấu tranh PCTN tiếp tục được đẩy mạnh, có nhiều chuyển biến tích cực.

Qua đó đã góp phần thay đổi, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành đối với công tác này, đồng thời tạo sự răn đe, cảnh báo, cảnh tỉnh chung cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, từng bước chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chặt chẽ hơn, nhất là đối với việc quản lý các dịch vụ công giao cho các doanh nghiệp ngoài nhà nước thực hiện.

Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp; tình trạng thông đồng, móc ngoặc, cấu kết, tiếp tay của cán bộ nhà nước đối với doanh nghiệp để tham nhũng, trục lợi, chiếm đoạt tài sản của nhà nước còn diễn ra nhiều ở một số lĩnh vực, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đăng kiểm, đất đai, y tế, giáo dục, quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá, trái phiếu, rửa tiền, gây bức xúc trong dư luận xã hội; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chậm được khắc phục.

Tham nhũng tiếp tục xảy ra ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ PCTN. Điều này đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục kiên trì, không dừng, không nghỉ, tăng cường công tác đấu tranh PCTN.

Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ các hạn chế và nguyên nhân để dự báo đúng tình hình tham nhũng; trên cơ sở đó xác định rõ nguyên nhân chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá để phòng, chống có hiệu quả.

Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC, Kiểm toán Nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, bảo đảm PCTN, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu...; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Đồng thời, siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.

Qua kết quả điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp (như vụ chuyến bay giải cứu, các vụ án liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm, AIC…), đề nghị các cơ quan hữu quan đánh giá rõ hơn về nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, rút ra các bài học kinh nghiệm, từ đó chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội để phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc tương tự trong thời gian tới.

Đọc thêm