Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp, cho ý kiến 6 dự án luật

Theo dự kiến tại phiên họp thứ 20 diễn ra từ 12/8 đến hết ngày 22/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào 6 dự án luật, gồm Dự án Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa; dự án Luật Hộ tịch; dự án Luật Hải quan (sửa đổi); dự án Luật Xây dựng (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật công chứng.

Theo dự kiến tại phiên họp thứ 20 diễn ra từ 12/8 đến hết ngày 22/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào 6 dự án luật, gồm Dự án Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa; dự án Luật Hộ tịch; dự án Luật Hải quan (sửa đổi); dự án Luật Xây dựng (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật công chứng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến vào dự thảo các Nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế; Nghị định về hoạt động kinh doanh casino; dự án Pháp lệnh cảnh sát cơ động; dự án Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân; Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 928/2010/UBTVQH10 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên.

Một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau của các dự án Luật Tiếp công dân; Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Luật Việc làm sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe Đoàn giám sát báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Tại phiên họp thứ 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn.Dự Phiên họp còn có các thành viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Ban Biên tập sửa đổi Hiến pháp và một số chuyên gia pháp lý.

Trước đó, sáng 10/8, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 họp phiên thứ 7 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban để tiếp tục cho ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII vừa qua.

Nghị quyết số 38/2012/QH13 của Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được triển khai sâu rộng, nghiêm túc; thu hút sự tham gia tích cực và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết của mọi tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam sinh sống và làm việc tại nước ngoài. Trên cơ sở đó, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tiếp tục được trình tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII vừa qua, để Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý chi tiết.

Các đại biểu Quốc hội đã đóng góp thêm nhiều ý kiến có chất lượng, phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân bổ sung vào nội dung của Dự thảo. Từ sau Kỳ họp thứ 5 đến nay, dưới sự chỉ đạo của Thường trực Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Thường trực Ban Biên tập đã làm việc nghiêm túc để nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 nhấn mạnh, quyết tâm cao nhất của Ủy ban là nỗ lực hoàn thiện, chỉnh lý để có thể trình Quốc hội thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 vào tháng 10 tới tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII theo đúng lịch trình đề ra.

Trên cơ sở đó, Quốc hội sẽ hoàn thiện, triển khai thực hiện chương trình xây dựng pháp luật thời gian tiếp theo với trọng tâm là sửa đổi, bổ sung các dự án luật phù hợp với nội dung của Hiến pháp 1992 sửa đổi.

Chủ tịch Quốc hội cho biết về cơ bản, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã được cho ý kiến, chỉnh lý, bổ sung một cách cụ thể về tất cả các chương, điều, các nội dung. Đến nay còn hai nhóm vấn đề lớn phải tiếp tục họp bàn, thảo luận thêm là vấn đề về chính quyền địa phương và Hội đồng bảo hiến.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị đối với hai nội dung này, cần tiếp tục tổ chức các hội thảo chuyên đề, với sự tham gia đóng góp ý kiến của các chuyên gia pháp lý để có các ý kiến phân tích xác đáng, chuyên sâu làm cơ sở để xem xét quyết định.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị tại Phiên họp thứ 7 lần này, các thành viên của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần dành nhiều thời gian nghiên cứu, tích cực cho ý kiến một cách chi tiết cả về mặt kỹ thuật, câu, chữ; tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, hoàn thiện thêm một bước Dự thảo sửa đổi Hiến pháp để trình Quốc hội tại kỳ họp tới với sự nhất trí cao.

Cần nỗ lực phấn đấu để có được bản Hiến pháp hoàn thiện, đúng tiến độ đề ra, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn mới, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Q.Vũ

Đọc thêm