Xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Túc: Công tác cán bộ phải dựa vào dân

(PLVN) - “Bác Hồ đã căn dặn, mọi việc phải tin ở dân thông qua các tổ chức của các đoàn thể chính trị. Bởi vậy, tôi đề nghị công tác cán bộ hiện nay ngoài trách nhiệm, vai trò của bộ phận tham mưu, của cấp ủy, còn là công việc của toàn dân, vì cán bộ là của Nhà nước, của nhân dân, do dân bầu ra”.
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Quan điểm trên được ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chia sẻ với Pháp luật Việt Nam khi đề cập đến những giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Cán bộ sai phạm, rất đau lòng

Ông Nguyễn Túc cho biết, trong nhiều năm qua, ông thường xuyên theo dõi rất kỹ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung và công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng. “Mỗi lần Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp là tôi đều chăm chú và rất buồn khi càng ngày số cán bộ, đảng viên của chúng ta bị xử lý kỷ luật càng nhiều, không chỉ ở cấp cơ sở mà cả ở cấp Trung ương. Nếu Đại hội VIII phần lớn cán bộ vi phạm là ở cấp cơ sở, quận, huyện thì đến Đại hội IX, Đại hội X, đã lên đến cấp tỉnh và Trung ương.

Thời điểm chuẩn bị cho Đại hội X, chúng ta có hai đồng chí Ủy viên Trung ương bị xử lý hình sự. Lúc bấy giờ, khi dự thảo văn kiện lần thứ 4 của Đại hội X, các thành viên của Tiểu ban văn kiện rất đau lòng (ông Nguyễn Túc trong Tiểu ban văn kiện - PV). Tôi nhớ mãi lúc ấy chúng ta bàn làm sao phải giảm đến mức tối đa những cán bộ thoái hóa, biến chất… Nhưng rồi đến Đại hội XI, XII và cho đến nay, số lượng cán bộ, đặc biệt là cán bộ có chức, có quyền vi phạm kỷ luật của Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước liên quan đến tham nhũng, thoái hóa, biến chất có chiều hướng gia tăng.

Tôi suy nghĩ rất nhiều, những yếu tố gì đã dẫn đến tình trạng đau lòng đó? Theo tôi có mấy nguyên nhân. Thứ nhất, bản thân các đồng chí vi phạm kỷ luật đã không tự rèn luyện, tự soi, tự sửa như những lớp cán bộ đi trước. Thứ hai, dân chủ trong Đảng - nhất là dân chủ tập trung có nơi chưa được phát huy. Hầu hết những vụ kỷ luật các tập thể, cán bộ, đảng viên vi phạm của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, tôi đều thấy ghi: “Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ”. Thứ ba, công tác cán bộ của chúng ta, nhất là bộ phận tham mưu, những bộ phận được tham gia làm công tác tổ chức cán bộ, có lúc có nơi, vì lý do này, lý do khác đã không sâu sát thực tiễn, không sâu sát những con người cụ thể và cũng có thể vì lợi ích cá nhân đã cho qua những thiếu sót lúc đầu chưa đến mức phải xử lý. Cuối cùng, giám sát của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, có lúc có nơi, chưa thực sự được coi trọng, mặc dù Đại hội X đã đưa vấn đề này ra, đó là quy định về vai trò của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm giám sát và phản biện xã hội”.

Không nhớ những điều đã tuyên thệ trước Đảng

- Như ông vừa nói, các chủ trương, nghị quyết đã được Đảng ta ban hành rất nhiều, nhưng vì sao vừa qua vẫn xảy ra nhiều sai phạm, nhất là sai phạm này liên quan đến nhiều cán bộ có chức, có quyền?

- Ngay từ Đại hội VI đổi mới, đến Đại hội VII đã đưa ra chủ trương xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Đại hội VIII, IX, X cũng thế. Nhưng tại sao kết quả không cao mà chỉ từ Đại hội XI, XII đến nay mới mạnh? Đó là câu hỏi mà chúng ta phải phân tích làm rõ để từ đó tìm ra nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Như Bác Hồ từng nói, chủ trương 1, biện pháp phải 10 và quyết tâm phải 20.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đối với các thế hệ đi trước, khi tuyên thệ vào Đảng thì phần lớn các đồng chí đó sẵn sàng hy sinh cuộc sống của mình để phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Khẩu hiệu “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, “khổ trước thiên hạ, sướng sau thiên hạ” hầu như thấm vào máu của các thế hệ đó, không có thế hệ đó thì làm sao có được ngày hôm nay. Nhưng thực tiễn thời gian vừa qua cho thấy, hầu hết những đồng chí đảng viên vi phạm kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự là do họ không nhớ điều mà họ đã tự tuyên thệ để trở thành người đảng viên cộng sản, quên mất những điều mình đã hứa với Đảng. Trong cơ chế thị trường, các đồng chí đó đã không vượt qua được cám dỗ tiền và tình… Thế hệ chúng tôi hầu như không có chuyện “chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp”..., nhưng hiện nay thì tình trạng này rất đáng phải lưu tâm.

Ngay từ năm 1954 khi giải phóng Hà Nội, Bác Hồ đã nhắc nhở mọi người phải tránh những “viên đạn bọc đường”. Đến năm 1975, sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng ta cũng đã tổ chức chỉnh đốn Đảng và nhắc nhở điều này. Thời ấy, các cán bộ đi công tác miền Nam chỉ mang ra một cái xe đạp hay cái radio đã vi phạm vào tội tham nhũng; làm nghiêm như thế cũng là để giữ gìn phẩm chất của người cộng sản, để dân quý, dân tin.

Có câu chuyện tôi còn nhớ mãi, hôm đó đồng chí Lê Quang Đạo và tôi thay mặt Đảng đoàn Mặt trận đến chỗ đồng chí Phạm Văn Đồng - lúc đó là cố vấn Ban Chấp hành Trung ương - để trình bày việc chuẩn bị Nghị quyết của Bộ Chính trị về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận Dân tộc thống nhất (Nghị quyết 07-NQ/TW ngày 17/11/1993). Đồng chí Phạm Văn Đồng nói rằng: “Mình rất hoan nghênh, không đổi mới thì chết, nhưng đổi mới nếu không giáo dục đến nơi đến chốn thì cũng chết đấy”. Vì sao? Vì đội ngũ doanh nhân mà chúng ta cố gắng xây dựng và kỳ này đưa lên vị trí thứ 4 sau công - nông - trí là rất đáng hoan nghênh, có như thế thì kinh tế mới phát triển. Nhưng nếu đội ngũ doanh nhân đó không được giáo dục đến nơi đến chốn, khi họ đã có tiền và nghĩ rằng “có tiền mua tiên cũng được”, không còn chủ nghĩa yêu nước như trước kia, mà họ lại móc ngoặc với những cán bộ có chức, có quyền, thoái hóa biến chất thì hậu họa khôn lường.

Bây giờ mình ngẫm càng ngày càng đúng. Sự móc ngoặc giữa những doanh nhân phai nhạt tinh thần yêu nước, lấy lợi nhuận làm mục đích tối cao với một bộ phận cán bộ có chức, có quyền cấp cao thoái hóa biến chất thì rất nguy hiểm. Điển hình là những vụ án gần đây đã cho chúng ta thấy rõ điều đó, như vụ án liên quan đến Công ty Việt Á, vụ án liên quan đến Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), vụ Tân Hoàng Minh, FLC… Nhiều đêm tỉnh dậy tôi cứ suy nghĩ mãi về những đau đớn này.

Dựa vào dân để đánh giá cán bộ

- Vậy để khắc phục tình trạng này, theo ông đâu là giải pháp hữu hiệu, mang tính căn cốt nhất?

- Tôi đã có lần đề nghị với Ban Bí thư cần phải xem xét lại công tác tổ chức cán bộ, đánh giá cán bộ một cách thực chất hơn, không chỉ dựa vào cơ quan tham mưu mà quan trọng nhất là phải dựa vào nhân dân. Trước hết là thông qua Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội. Chẳng hạn, nhiều trường hợp khi bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, khi có ý kiến của Trung ương đưa sang thì Mặt trận (có chức năng hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp) lấy ý kiến nơi địa bàn dân cư và phát hiện nhiều trường hợp không đủ tiêu chuẩn, từ đó đề nghị Trung ương xem xét lại.

Vì vậy tôi đề nghị, công tác cán bộ hiện nay không thể chỉ dựa vào bộ phận tham mưu hoặc cấp ủy mà là công tác của toàn dân, vì cán bộ là của Nhà nước, của nhân dân, do nhân dân bầu ra. Bác Hồ đã nói nhiều rồi, rằng có dân là có tất cả, mất dân là mất hết; mọi việc chúng ta phải tin ở nơi dân thông qua các tổ chức của các đoàn thể chính trị.

Thứ hai, cần thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; vì hiện nay không ít nơi, đồng chí bí thư không tuân thủ nguyên tắc này, ngay cả người trong cấp ủy đó cũng “dĩ hòa vi quý”, “tát nước theo mưa”. Có đồng chí thường vụ, Chủ tịch Mặt trận tâm sự tôi rằng: bác ở Trung ương nói dễ, còn chúng em ở địa phương nếu nói không đúng với ý kiến của bí thư thì sẽ “được điều chuyển” sang công tác khác ngay. Như vậy, ở đấy có sự sợ hãi, nể nang, né tránh, không tập trung dân chủ; tự phê bình và phê bình kém. Thành ra đấu tranh trong nội bộ chúng ta rất kém, bằng mặt nhưng không bằng lòng.

Ngay cả chuyện thi đua, khen thưởng cũng thế, khen thưởng phải là những người trực tiếp, những người bám cuộc sống hàng ngày. Chứ thời gian vừa qua, chúng ta vẫn tổ chức thi đua, khen thưởng theo định kỳ, theo thâm niên, dẫn đến sức sống của nó chưa cao. Tôi rất mong chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kỳ này là Đảng ta cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phải có sự tham gia của nhân dân sẽ được chúng ta thực hiện quyết liệt, đem lại hiệu quả cao. Tất nhiên dân thì có người nói đúng, người không nói đúng, nhưng cấp ủy phải có trách nhiệm và có điều kiện để sàng lọc.

- Trân trọng cám ơn ông!

“Tôi rất mừng là vừa rồi chúng ta đã đưa pháp chế dân chủ vào Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Hy vọng rằng Luật này khi đi vào cuộc sống sẽ huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; sẽ “biến hàng vạn, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp” như lời dạy thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu”, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bày tỏ.

Đọc thêm