Phần vì sợ bị phạt do ra ngoài không có giấy đi đường, phần vì sợ chẳng may mắc bệnh khi chưa tiêm vaccine COVID-19. Những người như bạn tôi khá nhiều, nhưng cũng không ít người không sợ cả hai điều trên.
Bằng chứng là những hình ảnh, video ghi cảnh đường phố Hà Nội và TP HCM vào giờ cao điểm mấy ngày gần đây. Nhìn những cảnh đó, có lẽ không ai nghĩ hai thành phố lớn này đang thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng chống dịch bệnh theo Chỉ thị 16.
Tinh thần của Chỉ thị 16 là mọi người dân phải ở nhà, chỉ ra đường khi thực sự cần thiết. Trong những ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16, ý thức chấp hành của xã hội ở mức cao nhất: đường phố Hà Nội, TP HCM vắng tanh như sáng mùng một Tết. Tuy nhiên, khi Hà Nội đã trải qua khoảng 3 tuần giãn cách xã hội (từ ngày 24/7) và TP HCM trải qua 5 tuần (từ ngày 9/7), dòng ô tô, xe máy lại nườm nượp trên đường, xếp hàng dài chờ đèn đỏ như chưa hề có giãn cách xã hội. Có ảnh chụp cả nhà kẹp ba trên xe máy, con nhỏ ngồi giữa; có ảnh chụp nhóm cả chục thanh niên, trai có, gái có, không mũ bảo hiểm kéo nhau diễu phố; có cả ảnh người bán hoa quả dạo dừng xe đẩy bán hàng giữa đường; có cụ ông vẫn ra ngoài tập thể dục…
Lý do là gì? Vì số người có công việc thực sự cần thiết, buộc phải ra ngoài nhiều hơn? Vì nỗi sợ dịch bệnh đã không còn như thời gian đầu? Vì thấy người khác ra đường được thì mình cũng bất chấp? Vì "cuồng chân", vì không thể ở nhà thêm được nữa? Dù vì nghìn lẻ một lý do gì thì có thể khẳng định tinh thần và ý thức chấp hành Chỉ thị 16 đã bị buông lỏng ở một bộ phận người dân.
Với số lượng người ra đường đông như vậy khi dịch COVID-19 vẫn còn đặc biệt phức tạp ở cả Hà Nội và TP HCM, việc kiểm soát và triển khai các biện pháp phòng chống dịch trở nên khó khăn hơn. Lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát trên đường phố vốn đã mỏng, nay lại phải căng mình để khẩn trương kiểm tra giấy tờ cho hàng dài người san sát nối đuôi nhau. Nguy cơ lây lan COVID-19 tại những nơi không đảm bảo giãn cách như vậy là điều không cần bàn cãi. Tại một số chốt kiểm soát cả ở Hà Nội và TP HCM, nhiều thời điểm lực lượng chức năng buộc phải “xả chốt” để tránh ùn ứ kéo dài, tránh tăng rủi ro lây nhiễm virus.
Tình trạng buông lỏng ý thức phòng dịch này đã khiến nhiều người phải lên tiếng. Khi chùm ảnh phố phường Hà Nội đông xe và người của báo Tin tức được đăng lên một trang Facebook, có cả 5.000 đến 6.000 lượt bình luận mà đa số là chỉ trích. Nhiều người cho rằng công sức của cả tập thể, cả xã hội lẫn chính quyền trong chống dịch có thể trở nên “bằng không” khi người thì cố gắng ở tại chỗ, kẻ lại tìm mọi cách để ra ngoài.
Trong số những người ở yên tại chỗ theo Chỉ thị 16, không phải họ không có việc thiết yếu như số người ra ngoài đường, không phải họ không có áp lực mưu sinh. Khác nhau là ở chỗ ý thức chấp hành và tinh thần vượt khó, hy sinh lợi ích ngắn hạn của bản thân vì cuộc chiến chống đại dịch. Hay ít nhất là số người này “biết sợ” dịch bệnh.
Khi người dân ra đường đông dần dù số ca mắc COVID-19 hàng ngày ở thành phố vẫn tính bằng đơn vị nghìn ca, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Phan Văn Mãi khẳng định cuộc chiến chống COVID-19 ở thành phố còn trường kỳ, ít nhất là đến ngày 15/9, và thành phố sẽ tiếp tục vận động người dân chịu đựng gian khổ để vượt qua khó khăn.
Còn tại Hà Nội, vẫn có hàng chục, thậm chí cả trăm ca mắc COVID-19 mỗi ngày, nhưng nhờ giãn cách xã hội mà thủ đô có thể giữ cho dịch bệnh nằm trong tầm kiểm soát. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định hành động kịp thời đã giúp tạo bức tường thành ngăn chặn đại dịch lây lan, tránh nguy cơ khủng hoảng dịch bệnh dẫn đến khủng hoảng kinh tế-xã hội.
Trong các đợt dịch COVID-19 trước đó, chỉ cần ý thức 1 hay 2 phần là đã đủ để dập tắt dịch bệnh. Nhưng trong bối cảnh mới hiện nay, khi mà chúng ta và cả thế giới phải đối phó với biến thể Delta dễ lây hơn, nguy hiểm hơn, khó lường hơn, thì ý thức cần phải tăng lên 10 phần, thậm chí trăm phần mới có thể khống chế dịch bệnh.
Số ca mắc mới ở TP HCM đang có xu hướng đi ngang. Trong thời gian tới, biểu đồ ca mắc sẽ đi lên hay đi xuống phần lớn phụ thuộc vào ý thức xã hội.
Còn tại Hà Nội, bức tường thành chắn sóng COVID-19 mà Chủ tịch nước nói tới có vững vàng hay không cũng trông chờ vào sức mạnh tập thể của xã hội. Nếu không thể góp gạch xây bức tường đó cao hơn, dày hơn thì cũng đừng có hành vi làm xói mòn, lung lay bức tường đó.
Nếu chưa được tiêm những liều vaccine có thể tạo kháng thể phòng ngừa COVID-19 thì mỗi người có thể tự tạo một vaccine cho bản thân, đó là vaccine tăng cường ý thức.