Nghi phạm không có giấy tờ tùy thân, các định tuổi bằng cách nào?

(PLVN) - VKSND Tối cao, TAND Tối cao, Bộ Công an và một số cơ quan vừa ban hành thông tư liên tịch về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng với người dưới 18 tuổi.
Nghi phạm không có giấy tờ tùy thân, các định tuổi bằng cách nào?

Theo thông tư này, trường hợp các giấy tờ liên quan đến cá nhân có mâu thuẫn hoặc không có giấy tờ, cơ quan có thẩm quyền phải phối hợp với gia đình, người đại diện, nhà trường... trong việc hỏi, lấy lời khai để làm rõ mâu thuẫn; hoặc cơ quan có thẩm quyền phải tìm các giấy tờ, tài liệu khác có giá trị chứng minh về tuổi của người đó.

Nếu kết quả giám định tuổi chỉ xác định được khoảng độ tuổi của người bị buộc tội, bị hại, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng lấy tuổi thấp nhất trong độ tuổi đã giám định để xác định tuổi của họ.

Khi khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự có người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng dưới 18 tuổi, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thực hiện đúng quy định về thủ tục tố tụng thân thiện với người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Điều tra viên, cán bộ điều tra, kiểm sát viên, thẩm phán khi được phân công thụ lý vụ án có người tham gia tố tụng là dưới 18 tuổi phải có một trong các điều kiện sau: Có kinh nghiệm khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi; Được đào tạo, tập huấn về kỹ năng giải quyết các vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là dưới 18 tuổi;  Được đào tạo, tập huấn về tâm lý học, khoa học giáo dục với người dưới 18 tuổi.

Hội thẩm tham gia HĐXX sơ thẩm vụ án phải có giáo viên, cán bộ Đoàn thanh niên hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi. Người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi là người có thâm niên công tác trong lĩnh vực tư pháp, quản lý, đào tạo, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục người dưới 18 tuổi...

Đọc thêm