Vẫn bất bình đẳng giới trong việc làm và ngành nghề

Những vấn đề liên quan đến thành quả cũng như thách thức đang tồn tại trong bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ Việt Nam được thảo luận tại Diễn đàn Đối thoại chính sách về bình đẳng giới sáng nay.

“Chính phủ Việt Nam đã và đang quyết tâm hoàn thiện khung pháp luật, chính sách về bình đẳng giới, triển khai thực hiện những chương trình, dự án thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ” – Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thanh Hòa nhấn mạnh tại Diễn đàn Đối thoại chính sách về bình đẳng giới do Liên hợp quốc tại Việt Nam và Bộ LĐTB&XH tổ chức sáng nay tại Hà Nội.

Đánh giá cao những nỗ lực của TƯ Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong vận động chính sách tăng tỷ lệ nữ trong kỳ bầu cử năm 2011, ông John Hendra - Điều phối viên thường trú tại Việt Nam - cho rằng, vai trò của phụ nữ trong lãnh đạo và sự đại diện cấp cao trong những cơ quan dân cử là vấn đề quan trọng. Với những tiến bộ trong hệ thống pháp luật, tỷ lệ nữ 30% trong Quốc hội và HĐND các cấp là nhiệm vụ có thể đạt được. Nhưng  theo LHQ là chưa đủ, vì mong muốn phụ nữ Việt Nam được trao quyền nhiều hơn nữa.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa nhấn mạnh những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong thực hiện chính sách bình đẳng giới

Thời gian qua, Việt Nam có nhiều nỗ lực để thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ. Báo cáo phát triển con người năm 2010 được LHQ công bố đánh giá Việt Nam có chỉ số bất bình đẳng giới đứng thứ 58/138 quốc gia, cao hơn một số nước trong khu vực.

Theo bà Suzette Mitchell – Trưởng đại diện cơ quan phụ nữ LHQ tại Việt Nam (UN Women), đồng chủ trì nhóm Điều phối chương trình giới của LHQ, ở Việt Nam, sự mất cân bằng ngày càng tăng trong việc tiếp cận của phụ nữ với thị trường lao động. Tỷ lệ thất nghiệp của phụ nữ cao hơn, có sự bất bình đẳng giới trong việc làm và ngành nghề.

Từ 2007-2009, tỷ lệ lao động nữ trong gia đình không được trả tiền tăng đáng kể (từ 13,9 lên 22,2%). Thu nhập của phụ nữ di cư là rất thấp, chỉ khoảng 22 triệu đồng/năm so với 32 triệu đồng/năm của nam giới. Giá trị văn hóa và các cơ hội kinh tế cùng với du lịch đã tạo những vai trò mới cho phụ nữ nhưng những định kiến xã hội về quan hệ giới vẫn tiếp tục được duy trì…

Từ thực trạng đó, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa hy vọng có nhiều đề xuất về chính sách trong nhiều lĩnh vực nhằm đảm bảo sự thay đổi thực chất về bình đẳng giới tại Việt Nam.

Đặc biệt, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020. Bộ LĐTB&XH và LHQ cam kết cùng nỗ lực hợp tác và hỗ trợ nhằm triển hiệu quả Chiến lược này và Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015. 

H.Giang

Đọc thêm