"Ván cờ liều" vào “giờ vàng”

 Từ ngày 21/7, phim truyền hình dài 30 tập “Giải mã tình anh” của hãng phim Giải Phóng chính thức khởi chiếu lần đầu trên HTV7. Đây được coi là một “ván cờ liều” của hãng phim này khi chọn một vệt giờ khá xa lạ với phim truyền hình Việt Nam.

Từ ngày 21/7, phim truyền hình dài 30 tập “Giải mã tình anh” của hãng phim Giải Phóng chính thức khởi chiếu lần đầu trên HTV7. Đây được coi là một “ván cờ liều” của hãng phim này khi chọn một vệt giờ khá xa lạ với phim truyền hình Việt Nam.

Một cảnh trong phim “Giải mã tình anh”
Một cảnh trong phim “Giải mã tình anh”

Giờ vàng- bài toán khó!

Phim của hãng Giải Phóng đã bắt đầu phát sóng trên vệt giờ 11h từ tháng 6/2011 vừa qua. Từ năm 2010, HTV đã “thử” áp dụng vệt giờ này cho phim Việt, nhưng không mấy hiệu quả vì không thu hút được người xem lẫn quảng cáo, nhà đài luôn ở tình trạng “bù lỗ” 50%.

Ông Nguyễn Anh Xuân - Trưởng ban khai thác phim truyện (Đài Truyền hình TP.HCM) cho biết: “Trước đây, vệt giờ này từng được đài đặt hàng cho nhiều đơn vị làm phim phụ trách, nhưng chưa mang lại thành công. Những phim đầu tiên đầu bù lỗ, thường đến một nửa vì quảng cáo quá ít. Lý do là các đối tác không chú trọng vệt giờ này, ít quan tâm chăm chút và “bỏ rơi” khâu kịch bản. Lần này, chúng tôi xác định hẳn một hướng đi mới là giao cho một đối tác có khả năng về nguồn vốn, trang thiết bị, với hy vọng sẽ “gặt hái”, biến vệt giờ này thành “giờ vàng” đối với khán giả”.

Tuy nhiên, điều này là một bài toàn khá nan giải đối với Hãng phim Giải Phóng. Ông Nguyễn Thái Hòa, Giám đốc Hãng phim Giải Phóng chia sẻ: “Nếu so với các vệt giờ vàng truyền thống như 8h sáng, 18h, 20h, 22h30... thì tôi không biết gọi vệt giờ mà hãng phim đang đảm nhận là... giờ gì nữa!? Đây quả là một bước đi khá khó khăn mà bước vào, chúng tôi đã xác định là... có chơi có chịu”.

Vượt qua bốn đơn vị trúng thầu chính thức, Hãng Giải Phóng đã “mua” vệt giờ trên với giá 180 triệu đồng, bằng giá với các “giờ vàng” khác, bên cạnh đó là số tiền 5 triệu đồng cho chí phí phát sóng sẽ được khấu trừ về sau. Theo sự “tiết lộ” của phía HTV, tỉ lệ lợi nhuận quảng cáo ban đầu sẽ là hãng phim 7 phần, đài 3 phần. Sau khi “thu hồi vốn”, tỉ lệ này sẽ là đài 8 phần và hãng phim 2 phần. Tỉ lệ không phải là quá cao, và với vệt giờ khá hóc búa mà khán giả ít có thời gian rảnh rỗi để xem này, nhiều người, và ngay cả Giám đốc Hãng phim Giải Phóng cũng cho rằng mình đang “mạo hiểm”.

Điểm mạnh là khâu kịch bản

Về phía Hãng phim Giải Phóng, ông Hòa cho biết, chiến lược mà hãng phim đặt ra để biến vệt giờ trên thành “giờ vàng” là đầu tư tốt, đẩy mạnh khâu kịch bản, vì thành công của một bộ phim có đến trên 50% quyết định là ở khâu kịch bản. Đây cũng là một điểm mạnh trước nay của hãng phim này.

“Ban đầu, HTV có ý định khai thác phim trường của hãng phim Giải Phóng để thực hiện những bộ phim có thời lượng trên 100 tập, tuy nhiên, sau khi cân nhắc, chúng tôi thấy rằng hầu hết các phim Việt trên 100 tập hiện nay đều lấy kịch bản từ nước ngoài, vì Việt Nam chưa có công nghệ chế tác kịch bản dành cho phim dài tập như thế. Và hầu hết các phim Việt chế tác theo kịch bản nước ngoài thời gian qua đều không nhận được phản hồi tốt của khán giả. Sau khi cân nhắc Hãng phim Giải Phóng quyết định không theo cách làm này. Chúng tôi đã nhận luôn vệt giờ này và cố gắng biến thành giờ phim Việt chất lượng cao” - ông Hòa chia sẻ.

240 tập phim được Hãng phim Giải Phóng làm sẽ phát sóng trên vệt 11h là các phim với các yếu tố hoàn toàn Việt Nam. Sau “Giải mã tình anh” (biên kịch Đỗ Thị Thanh Hương, Nguyễn Thị Mộng Thu, đạo diễn Nguyễn Xuân Cường) sẽ là các phim “Nghịch lý”, “Bản lĩnh công tử bột”, “Trái tim bên lề”...

Đại diện HTV, ông Xuân cho rằng, với sự đầu tư kĩ lưỡng, hy vọng phim Việt chiếu ở vệt giờ này có thể thuyết phục và làm thay đổi thói quen xem phim của khán giả. Cũng theo ông Xuân, thời gian tới, HTV sẽ tập trung chăm chút khâu kịch bản. Cụ thể, trong năm 2012, HTV sẽ có nhiều đột phá ở khâu kịch bản, cơ chế duyệt kịch bản cũng có sự thay đổi: Duyệt kịch bản ở cấp độ chi tiết chứ không duyệt trên đề cương như trước đây.

Như vậy, cùng với câu chuyện biến một vệt “giờ khó” thành “giờ vàng” là câu chuyện một hãng phim và nhà đài đầu tư mạnh để nâng cao chất lượng phim Việt phát sóng truyền hình, tạo một vệt giờ có uy tín, thương hiệu với khán giả. Liệu họ có làm được điều mong muốn, hút khán giả Việt vốn đang khó tính và “cáu kỉnh” với chất lượng phim Việt rối ren hiện tại quan tâm đến vệt giờ này hay không, điều này cần có thời gian trả lời cho cách làm của hai bên.

Ngọc Mai