Tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (QH) Nguyễn Mạnh Cường khẳng định, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN); sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; sự giám sát của QH, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, công tác PCTN nói chung và công tác phòng, chống tình trạng nhũng nhiễn, gây phiền hà của cơ quan hành chính nhà nước trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp nói riêng đã đạt kết quả tích cực.
Tuy nhiên, trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, ở nhiều ngành, nhiều cấp vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức vì động cơ vụ lợi đã lợi dụng vị trí công tác, lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật… để sách nhiễu, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đúng quy trình, không công bằng, không khách quan khi giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi về những vấn đề đặt ra trong triển khai thi hành Luật nói chung và trong phòng, chống tình trạng nhũng nhiễu; gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp nói riêng; nhận diện hành vi “tham nhũng vặt” và kinh nghiệm một số quốc gia; thực trạng tình hình “tham nhũng vặt” trong các cơ quan có chức năng PCTN; công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi “tham nhũng vặt” của cán bộ, công chức trong các lĩnh vực trực tiếp tiếp xúc với người dân và doanh nghiệp….
Các ý kiến tại hội thảo sẽ góp phần giúp đánh giá đúng thực trạng tình hình, tìm ra nguyên nhân để đề xuất các giải pháp tăng cường công tác PCTN trong thời gian tới; đồng thời cung cấp thông tin giúp Ủy ban Tư pháp của QH trong việc thực hiện nhiệm vụ thẩm tra, kiến nghị và giám sát việc thực hiện pháp luật về PCTN.