Vấn đề hệ trọng tách nhập tỉnh

(PLVN) - Tuần qua, bên cạnh thông tin diễn biến dịch bệnh COVID-19, một thông tin khác nhiều người rất quan tâm, chuyện “một số tỉnh trong tương lai có thể bị sáp nhập”.

Khởi nguồn thông tin này đến từ một bài viết trên một tờ báo, trong đó một cán bộ Bộ Nội vụ cho biết “trong giai đoạn 2022-2025, Bộ hoàn thiện khung thể chế để thực hiện sáp nhập các tỉnh, trình cơ quan thẩm quyền quyết định. Việc tổ chức sáp nhập các tỉnh sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2026-2030”.

Vẫn bài viết này cho rằng “theo Bộ Nội vụ, sẽ thí điểm sắp xếp các tỉnh chưa đạt 50% một trong hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Trước mắt, sẽ thí điểm sáp nhập một số tỉnh có diện tích tự nhiên nhỏ, mật độ dân số đông, có khó khăn về quỹ đất dành cho không gian phát triển”.

Và theo bài viết “xét theo hai tiêu chuẩn này, 10 tỉnh, thành có diện tích tự nhiên nhỏ, không đạt chuẩn diện tích tự nhiên, có thể bị sáp nhập gồm: Bắc Ninh 822,7km2, Hà Nam 860,5km2, Hưng Yên 926km2, Vĩnh Phúc 1.238,6km2, Đà Nẵng 1.285,4km2, Ninh Bình 1.378,1km2, Cần Thơ 1.409km2, Vĩnh Long 1.475km2, Thái Bình 1.570,5km2, Nam Định 1.652km2”. Thống kê của bài viết này như vậy là thiếu sót, khi bỏ quên một địa phương khác có diện tích nhỏ là Hải Phòng với 1.507,57 km2.

Bài viết cũng “điểm danh” “10 tỉnh, thành có dân số thấp nhất cả nước (số liệu 2019), không đạt tiêu chuẩn có thể thuộc diện sáp nhập gồm: Bắc Kạn 313.905 người, Lai Châu 460.196 người, Cao Bằng 530.341 người, Kon Tum 540.438 người, Ninh Thuận 590.467 người, Điện Biên 598.856 người, Đắk Nông 622.168 người, Quảng Trị 632.375 người, Lào Cai 730.420 người, Hậu Giang 733.017 người”.

Thông tin này lập tức gây xôn xao dư luận.

Trong quá khứ, Việt Nam từng có những “siêu tỉnh, thành” như Hà Nam Ninh (nay là Hà Nam – Nam Định – Ninh Bình); Nghệ Tĩnh (nay là Nghệ An – Hà Tĩnh); Bình Trị Thiên (nay là Quảng Bình – Quảng Trị - Thừa Thiên - Huế); Nghĩa Bình (nay là Quảng Ngãi – Bình Định); Sông Bé (nay là Bình Dương – Bình Phước); Minh Hải (nay là Bạc Liêu – Sóc Trăng)… Có những tỉnh “siêu to siêu khổng lồ” như Bình Trị Thiên, đi từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh (từ đèo Ngang đến đèo Hải Vân) ước tính gần 320km; vừa khó quản lý cho cơ quan chức năng; vừa khó khăn cho chính người dân… Cán bộ đầu tỉnh và người dân muốn gần nhau, có thể đi cả ngày trời chưa đến nơi.

Phải rất khó khăn, Việt Nam mới có cơ cấu ổn định 63 tỉnh, thành như ngày nay. Tách nhập mỗi tỉnh không chỉ là một quyết định hành chính đơn thuần, mà còn là cả số tiền và công sức khổng lồ bỏ ra để sắp xếp xây mới trụ sở cơ quan hành chính, nơi ăn, chốn ở của cán bộ công quyền, là thay đổi các loại giấy tờ mẫu biểu của từng cơ quan đến từng công dân…

Nói tóm lại, trước thông tin “tách nhập tỉnh”, nỗi lo của mỗi người dân về việc cuộc sống nguy cơ bị xáo trộn, là đương nhiên.

Hai ngày sau khi xuất hiện thông tin trên, hôm qua, 19/7, Bộ Nội vụ đã tổ chức họp báo giải thích rõ sự việc. Bộ khẳng định chưa đề nghị lên Chính phủ và cấp thẩm quyền xem xét, sáp nhập bất cứ một đơn vị hành chính cấp tỉnh nào. Bộ chỉ đang nghiên cứu, đề xuất xem xét, sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn của đơn vị hành chính trên cơ sở tổng kết Nghị quyết 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tất nhiên không thể nói trước 100% rằng chuyện gì sẽ xảy ra. Trong tương lai, một vài tỉnh có thể có sự biến động ranh giới địa lý cho phù hợp tình hình thực tế; nhưng việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh phải theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Nói cách khác, đây là vấn đề hệ trọng, nhạy cảm, cần chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng, công phu và phải đánh giá tác động nhiều chiều nhằm bảo đảm tính khả thi; phải có đủ thời gian khảo sát, nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện đề án toàn diện, cụ thể, hợp lý.

Dư luận cũng có quyền lưu ý: Với một vấn đề hệ trọng như vậy, từ ý tưởng đề xuất đến phát ngôn, cũng cần phải rất lưu ý, thận trọng. Đừng “nói cho vui”, rồi đưa tin vội vàng, thậm chí bị biến tấu thành tin giả, gây hoang tin trong xã hội.

Đọc thêm