Vấn đề rất buồn trong năm!

(PLO) - Đó là nhận định và cũng là tâm tư của Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải khi nói về văn hóa ứng xử kém cỏi của một số cán bộ làm xấu đi hình ảnh của đội ngũ công chức Thủ đô. 
Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải (Ảnh: Internet)
Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải (Ảnh: Internet)

Nhìn lại, thấy rằng một số hành vi, phát ngôn, thái độ ứng xử đáng xấu hổ của cán bộ lãnh đạo cấp sở, ngành đã trở thành sự kiện gây nóng trong dư luận. Chẳng hạn như một Giám đốc Sở mắng xối xả phóng viên, một Phó ban quản lý đường sắt đô thị phát ngôn trịnh thượng và ngạo mạn, một Hiệu trưởng đại học dọa dẫm và thách thức báo chí, một Cảnh sát khu vực “kiểm tra hành chính” chỗ ở của một phụ nữ giữa đêm khuya với các hành vi khiếm nhã, rồi Công an “tay vung trúng mặt” nhà báo, Chủ tịch phường ra oai với “ông Tây thông cống”, không cho phép dọn rác tự nguyện, bảo vệ bệnh viện chặn xe cứu thương chở một em bé sắp tử vong về quê và những phát ngôn trái đạo lý của những người phụ trách sau đó,...

Tất cả những chuyện đó bị dư luận phê phán, chê trách và tất nhiên là rất đáng buồn vì tỏ ra không xứng đáng với phong cách cán bộ, công chức ở Thủ đô thanh lịch và có truyền thống văn hiến lâu đời.

Vừa xảy ra mới đây, tại một quán thịt nướng, 40 người đàn ông ăn uống rồi quây vào đánh một phụ nữ thu ngân, quỵt tiền nhà hàng và gây náo loạn. Đáng chú ý là hành vi coi thường trật tự công cộng, có tính chất côn đồ đó xảy ra ở một địa điểm rất an toàn, cách trụ sở Công an phường và trụ sở Công an quận sở tại không xa. Để một sự lộng hành vô pháp xảy ra trong lòng Thủ đô như vậy đã là chuyện “rất buồn”, nhưng không nhanh chóng tìm ra thủ phạm, làm rõ động cơ gây mất trật tự và những kẻ đứng sau, còn đáng buồn hơn. Không xử lý nghiêm, kịp thời, chắc chắn tiếp tục có những sự việc tương tự, nghiêm trọng khác sẽ xảy ra!

Sự kịp thời can thiệp, ngăn chặn các hành vi vi phạm cũng thể hiện thái độ ứng xử, tinh thần trách nhiệm của người thi hành công vụ và của cơ quan chức năng. Rất nhiều công trình xây dựng ở Thủ đô không phép hoặc quá phép nhưng không được phát hiện đúng lúc, để xảy ra việc đã rồi đành phải chấp nhận theo kiểu “phạt cho tồn tại” hoặc duy trì tình trạng “giơ cao đánh khẽ”.

Tình trạng này sẽ phải chấm dứt khi mới đây trong một cuộc tiếp xúc cử tri, bí thư Hà Nội đã khẳng định việc chuyển cơ quan điều tra xử lý một công ty thuộc Tập đoàn Mường Thanh xây nhà không phép, vượt chuẩn quy hoạch, xây sang đất không được xây, k

hông đảm bảo quy định phòng chữa cháy, bán nhà cho dân không được cấp sổ đỏ... Một loạt sai phạm như vậy mà chỉ đến khi hoàn thành mới phát hiện ra, mà sự phát hiện này lại thuộc cơ quan báo chí. Rõ ràng, có vấn đề “ứng xử” của cán bộ có trách nhiệm quản lý lĩnh vực này. Những sai phạm tương tự ở các công ty xây dựng khác cũng rất cần nhanh chóng chuyển cơ quan điều tra làm rõ sự việc và xử lý theo pháp luật hình sự, chứ còn để xử lý hành chính thì “phạt cho tồn tại” vẫn là bảo bối hiệu nghiệm và tình trạng “giơ cao, đánh khẽ” vẫn còn nhiều đất sống.

Người lãnh đạo cao nhất thành phố đã chỉ ra “vấn đề rất buồn” và đã có những phương hướng và biện pháp tích cực để chấn chỉnh điều này trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô năm 2017. Cái xấu đã bị nhận diện và phơi bày không còn có lý do gì mà tồn tại!

Đọc thêm