Vân Dung mong Tết ấm no cho người nghèo

(PLO) - Trên sân khấu hài, Vân Dung luôn “đóng đinh” với những nhân vật chua ngoa, đanh đá, điệu đà. Từ thân hình cực kỳ “Oliver”, cái giọng eo éo, mắt liếc đáo để đến những tràng cười với âm điệu chói lói đã khiến nữ danh hài không thể lẫn vào đâu được.
Một vai diễn quen thuộc của Vân Dung
Một vai diễn quen thuộc của Vân Dung

Sau những vai diễn đã thành “thương hiệu” ấy, là một Vân Dung có phần “lạc hậu” với thời đại số, điệu đà ngay cả trong lúc… ngủ, nhưng trên hết, cô biết cảm thông trước những thân phận nghèo khó, yêu trẻ thơ, nghiêm túc trong giáo dục con, biết cách vun đắp tổ ấm của mình. Và ít ai ngờ rằng, đằng sau những tiếng cười rộn ràng, đằng sau một Vân Dung lạc quan, yêu đời là một thời ấu thơ cực nhọc.

Trong veo ký ức tuổi thơ

Vân Dung sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, trong một gia đình nghệ thuật, mẹ là diễn viên, bố là đạo diễn một đoàn ca múa. Thời bao cấp, cuộc sống khó khăn, nhiều bữa trưa, bố mẹ đi làm, Vân Dung cùng chị gái Vân Trang ở nhà phải ăn chung một chiếc bánh mì. Hai chị em chỉ có một đôi dép, nên cứ phải thay phiên nhau, sáng chị đi, chiều tới lượt em và ngược lại. Cả nhà ngủ chung trên một chiếc giường cũ kỹ, ọp ẹp. Và cả ngôi nhà nằm ở phố Hoàng Cầu chỉ rộng vỏn vẹn… 6m2.

Nhà nghèo, chị em Vân Dung phải lao động từ rất sớm. 10 tuổi, cô bé Vân Dung gầy gò đã bắt đầu phải khâu quần áo, gánh nước, rồi rang lạc đóng gói, thêu thuê… để kiếm tiền phụ thêm bố mẹ. Hai chị em lúc nào cũng đói cồn cào, làm việc thì không ngơi tay. Vân Dung kể chuyện ngày nhỏ gầy gò gánh nước hai cây số, đêm nằm đợi hứng nước mưa mà tiếng cười vẫn rộn rã. “Căn nhà tôi lúc ấy bé tý, dột nát đủ chỗ, cứ mưa xuống là thành bể nước, ngập đến đầu gối, nồi niêu, xoong chảo nổi lềnh phềnh. Chị em tôi nằm không được, ngủ không xong, thế là đành ngồi ngắm cảnh... lụt lội, ôm nhau chờ nước rút cạn mà chẳng mếu máo bao giờ”, Vân Dung hồi tưởng.

Gia đình cô bé Vân Dung lúc ấy thuyên chuyển liên tục theo công việc của bố mẹ, khi thì lên Sơn La, khi xuống Thái Nguyên. Lúc về Hà Nội, Dung đã khóc nhiều. Vì ở thành phố không có núi, có đồi, có đồng cỏ, có ao, hồ và có hang để chơi, không được cùng bạn đi bẻ bẹ chuối kê đít để trượt từ trên đồi xuống, rồi hái lá sắn làm khuyên tai...

Ngày theo học cấp III tại Trường Trưng Vương, biết cô bé Vân Dung gia cảnh khó khăn mà lại chịu khó, có rất nhiều người “thầm thương trộm nhớ”. Ngăn bàn cô lúc nào cũng đầy ắp thư làm quen. “Trong đó có một cậu bạn viết thư cho mình thế này: Con đường Hồ Chí Minh lịch sử dài bao nhiêu thì mình mến Dung bấy nhiêu”, Vân Dung tủm tỉm kể. Có anh chàng còn giả vờ nhét thước kẻ vào cặp sách Dung rồi kêu mất, tìm cớ đến tận nhà cô đòi. Có bạn ở nhà bên cũng đem lòng quý mến, làm đến 20 bài thơ, chép tay giăng khắp ngõ chỗ nhà Vân Dung. Các bác, các chú đi làm về, cầm thơ lên đọc, cười cười, hỏi con nhà ai viết thế. Chỉ mình Vân Dung biết, nhưng im lặng không nói gì… Nhiều người trong số ấy đến bây giờ vẫn chơi với Vân Dung như những người bạn thân.

Năm Vân Dung 16 tuổi, bố mẹ thưởng cho Dung một chiếc xe đạp Phượng Hoàng khi cô thi đỗ vào học khoá diễn viên của Nhà hát Tuổi Trẻ. Vân Dung đã định theo nghiệp múa, nhưng bố mẹ không cho vì nghề múa quá nghèo. Cảm giác ngày đầu tiên được đi xe Phượng Hoàng, mà lại đi một mình, sung sướng tới mức không thể miêu tả bằng lời. Chỉ cần nhắc lại, Vân Dung vẫn thấy lòng mình phơi phới như thế, vui sướng như thế, vẫn giữ nguyên cảm xúc ngày hôm ấy đến tận bây giờ. Trước đó, cả nhà Vân Dung chỉ có một chiếc xe đạp cà tàng duy nhất và bốn người trong gia đình cùng đi chung. Đến tận năm 2000, gia đình Vân Dung mới đỡ vất vả.

Dung “4Đ”

“Điêu - Điệu - Đần - Đảm” là những tính từ đồng nghiệp dành tặng cho Vân Dung. Điêu và điệu là khi cô đứng trên sân khấu với đa số vai diễn chua ngoa, đanh đá, cười the thé như xé vải và cũng điệu... chảy nước. Từng đi thi và lọt vào top 15 cuộc thi Hoa hậu Báo Tiền phong năm 1992, thế nhưng khi chúng tôi đề nghị chụp ảnh để đăng cùng bài viết, Vân Dung ngại ngần từ chối vì... sợ xấu. Dung cho biết, lúc nào ra đường cô cũng phải trang điểm bởi lẽ “làm đẹp cho mình cũng là làm đẹp cho đời, là tôn trọng những người xung quanh”, ngay cả quần áo ngủ cô cũng là phẳng phiu vì cái lẽ “người phụ nữ khi ở nhà cũng cần ăn mặc đẹp, chỉn chu và điệu đà”.

Mọi người trong nghề hay mách tai nhau “ngoài hài kịch, đừng hỏi Vân Dung điều gì khác”. Chính Dung cũng tự hỏi tại sao chỉ cần đọc sơ qua kịch bản là đã thuộc làu lời thoại, nhưng những thứ liên quan đến công nghệ như máy tính, điện thoại, tivi, ô tô... là cô “bó tay”. Có lần, Vân Dung đi học quảng cáo cho đài phát thanh, vào phòng máy đọc, đến cái địa chỉ web của công ty đó “www...”, nàng “Oliver” đọc ngay thành: “website, website, website..”, rồi các đuôi “.com”, “.vn” đọc cứ lung tung cả lên khiến mọi người bò ra cười, đến nỗi Quốc Khánh phải kêu lên: “Dung ơi, anh không nghĩ Dung lại dốt thế...”.

Kỷ niệm nhớ đời của nữ danh hài lần đầu tiên lái xe đi show ở Hải Phòng, trên xe chở cả quý tử của mình đi theo. Ấy thế nhưng lúc đó Vân Dung vẫn chưa biết làm sao để lên dốc được. Đến một con dốc mà xe cứ lên một tí lại tụt xuống dốc. Vân Dung rồ ga cho xe phóng lên, đầu cậu quý tử va cả vào cửa kính, cậu hét ầm lên: “Mẹ đi xe thế này mà gọi là đi xe à, đi xe thế này thì vỡ đầu con còn gì”. Nhớ lại kỷ niệm này, Vân Dung cứ ôm mặt cười: “Thằng nhóc con mà nó nói mình như thế đấy”.

Nhưng kinh điển nhất phải kể đến vụ một lần Vân Dung vào một quán cà phê bên Hồ Tây. Khi lái xe vào chỗ đỗ, người bảo vệ ra hiệu cho Vân Dung lùi xe vào một khúc cua “bé xíu” để đỗ. Vân Dung nói: “Anh ơi, nhưng em không biết lùi xe”. Ông bảo vệ không tin, nhất định bảo phải lùi đúng vị trí. Không biết làm sao, Vân Dung thử “rồ” ga, thế là xe lao vọt lên và ông bảo vệ nằm trọn trên... ca – pô của xe, không khác gì những pha ấn tượng trong phim hành động. Lồm cồm bò xuống khỏi ca pô, ông bảo vệ cười sằng sặc: “Vân Dung kinh khủng thật”.

Có vẻ như còn mỗi từ “đảm” là có vẻ khả quan nhất. Vân Dung bảo, từ này xuất phát từ thái độ kinh ngạc đến sửng sốt của mọi người khi tới thăm nhà cô. Căn nhà không thật rộng, nhưng được bố trí ngăn nắp, gọn gàng. Vân Dung thích tự tay dọn dẹp và trang trí nhà cửa... Từ sân nhà tới cầu thang rồi vào toilet, chạy ra ban công, tất cả đều sạch như lau như ly. Cô cười tít mắt: “Mọi người vẫn đùa nhà cái Dung không có một con vi trùng nào. Sang đó ngủ nhờ nếu hết phòng thì mang cái gối vào toilet nằm đọc báo cũng đủ thích rồi”.

Nhìn bề ngoài ai cũng nghĩ Vân Dung phải cưng chiều con, nhưng thật ra, cô tuyệt đối nghiêm khắc trong việc dạy con. Khi 3 tuổi, Dung đã rèn cho con thói quen ngăn nắp, chơi xong phải thu dọn đặt đúng chỗ, quần áo rơi xuống đất phải móc lên mắc ngay ngắn. Nếu làm qua loa, cô sẽ yêu cầu con đứng tại chỗ làm cho được mới thôi. Cô không kỳ vọng con mình sau này sẽ trở thành một ông chủ kiếm ra thật nhiều tiền. Mà điều cần nhất, cô muốn khi lớn lên, con biết hiếu thảo với bố mẹ, ông bà. Cu Nhím tuy còn nhỏ, nhà lại có người giúp việc, song những công việc vặt trong nhà như quét sân, rửa bát, lau nhà, giặt quần áo… Nhím vẫn đều phải tự làm.

Nhà có điều kiện nhưng Vân Dung chưa từng mua bất cứ món quà nào cho con nếu con không có thành tích tốt. “Nếu bé ngoan, được học sinh giỏi, chỉ cần món quà ít tiền con cũng nhớ mãi. Nhưng nếu mua tràn lan, dù quà có đắt tiền, con trẻ cũng xem thường. Tôi muốn luyện cho con suy nghĩ phải cố gắng nỗ lực mới nhận được thành quả xứng đáng, còn lười sẽ chẳng có thứ gì”, Vân Dung chia sẻ.

Vân Dung luôn sẵn sàng làm mình xấu đi
Vân Dung luôn sẵn sàng làm mình xấu đi

Mong Tết ấm no cho người nghèo

Hỏi Dung: “Hài hước, bông phèng trong các tiểu phẩm thế kia, nhưng ngoài đời, nghe nói Vân Dung tính toán làm ăn, chẳng ai dám nghĩ chị thuộc dạng nghệ sĩ “lơ mơ”?”. Dung cười ngất: “Ối giời ơi, cánh bầu sô còn truyền nhau rằng, mời Vân Dung diễn mà không chuẩn bị đủ cát-sê đưa cho tôi trước khi diễn thì đừng hòng kéo được tôi bước lên sân khấu nữa kìa”.

Tối tối, người ta lại thấy một “bà già” quắt queo, mặt mũi xanh đỏ hay một cô gái gầy nhẳng buộc chiếc nơ to tướng trên đầu phóng ô tô từ Nhà hát Tuổi Trẻ lao vút đi. Ấy là “phù thuỷ” Vân Dung đang chạy sô... Không thiếu thốn tiền bạc nhưng Vân Dung lúc nào cũng tất bật đi diễn tỉnh. Cô bảo, mình là diễn viên hài, phải mang tiếng cười cho mọi người. Bà con ở xa, đâu có xem được mình trên sân khấu. Hơn nữa, cô cũng chưa ra đĩa hài riêng của mình để mọi người được thưởng thức. Vân Dung đắt show, điều đó thì ai cũng biết. Cô kể, thời điểm chạy nhiều nhất trong ngày tới 10 sô. Riêng các chương trình dành cho thiếu nhi, dù có 20 sô thì cô cũng sẽ cố gắng chạy. Bởi cô chưa bao giờ từ chối diễn cho trẻ con xem. Cô yêu quý bọn trẻ như chính cu Nhím con trai cô, chứ không phải vì ham tiền.

Tuy nhiên, Vân Dung có một nguyên tắc là không nhận show nào từ ngày 30 Tết cho đến mồng 5. Những ngày đó, cô thường dành để nghỉ ngơi và vui Tết bên gia đình, bạn bè. Đó cũng là thời gian cô được ngồi xem lại các vai diễn của mình, nhất là trong chương trình “Gặp nhau cuối năm”. “Khi mở đĩa xem lại “Gặp nhau cuối năm” tôi cứ “độc chiếm” chiếc tivi ở phòng khách để xem đi xem lại bao nhiêu lần mà không thấy chán. Cứ đến đoạn nào ký ức lại òa về. Chẳng hạn, đến đoạn đó thì mình học thoại như thế nào, chuẩn bị trang phục ra sao, run rẩy như thế nào khi chuẩn bị bước ra sân khấu… Cảm giác thích thú đó không dễ gì có được”, Vân Dung vui vẻ cho biết.

Bây giờ, cuộc sống đã khá hơn nhiều, Vân Dung đã sắm ô tô riêng đi làm, thu nhập ổn định, gia đình hạnh phúc, đời sống no đủ, nhưng những kỷ niệm nghèo khó ngày xưa chưa bao giờ phai nhạt trong ký ức. Vân Dung nói, chính những ngày vất vả ấy đã tôi luyện cho cô sự mạnh mẽ, quyết đoán, nghị lực. Vân Dung sống lạc quan và luôn tin rằng, mọi sự cố gắng, mọi sự vượt khó đều được đền bù xứng đáng với bất kỳ ai biết nỗ lực. Tết đã cận kề. Là người thấu hiểu cái Tết của những người nghèo, Vân Dung mong sao Tết về sẽ mang theo no đủ đến cho những cảnh đời nghèo khó.