Văn hóa 2018 có tái diễn những chuyện 'nóng - lạnh' như năm cũ?

(PLO) -Nghệ thuật Bài chòi là Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại; UNESCO đưa Hát Xoan khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp; Thanh tra quá trình cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam; lùm xùm và bùng nổ các Hoa hậu; bức xúc chuyện cấp phép các ca khúc và ông Cục trưởng phải chuyển công tác… là những sự kiện văn hóa khiến dư luận quan tâm năm 2017.

Nghệ thuật Bài chòi là Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại

Tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra ở Hàn Quốc vào ngày 7/12/2017, di sản nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bài chòi Trung Bộ là loại hình nghệ thuật đa dạng kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học.

Những người lưu giữ và thực hành nghệ thuật Bài chòi là các anh chị Hiệu, những nghệ nhân biểu diễn Bài chòi đơn lẻ và những nghệ nhân làm thẻ bài. Trong các Di sản Văn hóa phi vật thể từng được vinh danh tại Việt Nam, Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ là trường hợp rất độc đáo, khi loại hình nghệ thuật này “phủ sóng” tới 9 tỉnh miền Trung, bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và thành phố Đà Nẵng. 

UNESCO đưa Hát Xoan khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp

Nghệ thuật hát Xoan
Nghệ thuật hát Xoan

Sáng 8/12/2017, UNESCO tổ chức phiên họp tại Jeju, Hàn Quốc đã đưa hát xoan Phú Thọ ra khỏi Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. UNESCO cho rằng Hát Xoan không còn cần được bảo vệ khẩn cấp nữa vì cộng đồng địa phương, Chính phủ đã khôi phục đáng kể khả năng tồn tại của loại hình này từ khi được đưa vào Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp năm 2011.

Hát Xoan là môn nghệ thuật dân gian, kết hợp giữa hát, múa, chơi nhạc cụ, thường được biểu diễn dịp đầu năm mới ở Phú Thọ để bày tỏ lòng biết ơn các vị Vua Hùng. 

Thanh tra quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam

Với một hãng phim có bề dày lịch sử 60 năm như Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS), vì sao lại lựa chọn đối tác chiến lược mua 65% vốn là một công ty vận tải đường thủy, không hiểu gì về nghệ thuật thứ 7 để vực dậy? Công ty vận tải đường thủy ấy mua lại vì họ thực sự quan tâm đến điện ảnh, muốn mở rộng ngành nghề kinh doanh và phục hưng VFS hay chỉ quan tâm đến 4 lô đất có giá trị lớn mà đơn vị họ thâu tóm đang nắm quyền sử dụng với giá “bèo” là hơn 30 tỷ đồng? Đó là những bức xúc, những câu hỏi của các nghệ sĩ và dư luận về tiến trình cổ phần hóa VFS.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình có ý kiến chỉ đạo sau khi nhận được kiến nghị của một số cán bộ, diễn viên Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển phim Việt Nam (Hãng Phim truyện Việt Nam), đơn kiến nghị của Hội Điện ảnh Việt Nam; báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VH- TT& DL) về công tác cổ phần hóa VFS. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Thanh tra Chính phủ thực hiện việc thanh tra và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã chủ trì buổi làm việc về vấn đề cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam. Tham dự buổi họp có lãnh đạo Bộ VH- TT& DL, đại diện Hội Điện ảnh, đại diện Tổng công ty cổ phần Vận tải thủy, đại diện VFS. Phó Thủ tướng cho biết sẽ báo cáo Thủ tướng để thanh tra toàn bộ quá trình cổ phần hóa VFS. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu Bộ VH-TT&DL phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính nghiên cứu, xác định lại giá trị thương hiệu của VFS căn cứ theo giá trị truyền thống, lịch sử của Hãng Phim truyện Việt Nam.

Chuyện tạm dừng, cấp phép các ca khúc và ông Cục trưởng phải chuyển công tác

Bản nhạc Con đường xưa em đi
Bản nhạc Con đường xưa em đi

Tháng 3/2017, Cục Nghệ thuật biểu diễn bất ngờ ban hành quyết định thu hồi 5 bài sáng tác trước năm 1975 bao gồm: Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh- Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam Phương), Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An), Con đường xưa em đi (Châu Kỳ- Hồ Đình Phương).

Sau đó, đầu tháng 4/2017, sự việc bài hát “Nối vòng tay lớn” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn chưa được Cục Nghệ thuật biểu diễn “cấp phép phổ biến”. Hai sự việc này khiến cho dư luận bức xúc. Chưa hết, giữa tháng 5, Cục Nghệ thuật biểu diễn lại công bố phổ biến hơn 300 bài “nhạc đỏ” trên website lẫn lộn vào danh sách các bài hát đã được “cấp phép phổ biến” càng thêm gây ra làn sóng phản ứng vì trong đó nhiều bài hát quen thuộc như: “Tiến quân ca (Văn Cao), Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng (Phạm Tuyên)…

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ VH-TT&DL đã yêu cầu Cục Nghệ thuật biểu diễn nghiêm túc rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm, kiểm điểm tập thể và các cá nhân liên quan. Về công tác cán bộ, Ban Cán sự Đảng Bộ VHTT&DL thống nhất điều chuyển ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn đến làm việc tại Văn phòng Bộ trong thời gian 6 tháng (từ ngày 1/6/2017) để thực hiện yêu cầu nhiệm vụ của Bộ và chờ bố trí, sắp xếp công tác khác.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Vương Duy Biên trực tiếp điều hành Cục Nghệ thuật biểu diễn. Ngoài ra, theo Bộ VH-TT&DL, 300 bài hát ghi trong danh mục đã được gỡ bỏ ra khỏi website của Cục Nghệ thuật biểu diễn. Từ nay, các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác.

Lùm xùm và bùng nổ các Hoa hậu

Tháng 10/2017, Lê Âu Ngân Anh đăng quang ngôi vị cao nhất cuộc thi “Hoa hậu Đại dương” mùa 2. Sau đêm chung kết, trước những lời cáo buộc “dao kéo” do khuôn mặt quá đỗi thiếu tự nhiên, Ngân Anh đành thừa nhận từng phẫu thuật thẩm mỹ mũi nhưng đã tháo sụn mũi nhân tạo để ghi danh vào sân chơi nhan sắc cấp quốc gia. Tháng 11/ 2017, cơ quan quản lý quyết định xử phạt đơn vị này 4 triệu đồng vì cho phép thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ dự thi- cụ thể là Lê Âu Ngân Anh. Tuy nhiên, Lê Âu Ngân Anh không bị tước vương miện Hoa hậu bởi không có quy định về việc này. Việc bị phạt quá nhẹ và Lê Âu Ngân Anh không bị tước vương miện Hoa hậu khiến dư luận bất bình. 

Năm 2017, là năm “bùng nổ” Hoa hậu. Các danh xưng Hoa hậu lạ hoắc khiến dư luận ngỡ ngàng, nghi ngại với các cuộc thi “ao làng”. Đó là các: Hoa hậu người Việt Quốc tế - Hoàng Hải My; Hoa hậu sắc đẹp Việt Toàn cầu 2017- Bùi Thị Như Ý; Hoa hậu Doanh nhân Thế giới người Việt tại Mỹ 2017- Phi Thanh Vân, Hoa hậu Doanh nhân Việt toàn cầu Nam 2017- Vũ Bình Minh…

Còn các cuộc thi có “tem, mác”, các Hoa hậu Việt Nam chỉ dừng lại ở top 10, 15, 16. Tại “Hoa hậu Hòa bình Thế giới 2017”, Nguyễn Trần Huyền My chỉ dừng chân ở Top 10. Tại “Hoa hậu Trái đất”, Hà Thu xướng tên ở Top 16. Thùy Dung tham gia “Hoa hậu Quốc tế” trượt Top 15. Nguyễn Thị Loan không lọt top 15 tại “Hoa hậu Hoàn Vũ”. Tại “Hoa hậu Thế giới”, Đỗ Mỹ Linh chỉ dành ngôi vị Hoa hậu nhân ái với dự án “Cõng điện lên bản”. Dù đạt giải Hoa hậu Hoàn cầu 2017, Đỗ Trần Khánh Ngân cũng bị dư luận nghi ngờ vì nhan sắc thiếu tự nhiên. Có thể thấy, trước “một rừng” Hoa hậu, Nữ hoàng… nhan sắc Việt chỉ là dấu chấm mờ trên bản đồ nhan sắc thế giới...