Văn hóa đọc đặc trưng tại các quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đã gần 5.000 năm kể từ khi cuốn sách đầu tiên ra đời, cũng là ngần ấy thời gian hình thành nên văn hoá đọc - cầu nối đến kho tàng tri thức quý báu của nhân loại. Tại mỗi quốc gia, văn hoá đọc có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống xã hội, luôn được quan tâm đặc biệt và thúc đẩy trong dân chúng.
Hội chợ sách sách lớn nhất thế giới Frankfurt năm 2022. (Ảnh: DW)
Hội chợ sách sách lớn nhất thế giới Frankfurt năm 2022. (Ảnh: DW)

Những quốc gia “nghiện” đọc sách

468 cuốn sách là con số kỷ lục thế giới cho số lượng sách được đọc nhiều nhất trong một năm của một người, giữ kỷ lục trên là nữ tác giả Tina Konstant đến từ

Scotland. Vậy trung bình mỗi người thường đọc bao nhiêu cuốn sách trong một năm? Để trả lời cho câu hỏi này, đáp án sẽ còn tuỳ thuộc vào sở thích cá nhân, thói quen đọc sách theo quốc gia, tỷ lệ biết đọc, biết viết và cả sự khác biệt về văn hóa.

Theo thống kê, trung bình một người Việt Nam chỉ đọc 4 cuốn sách/năm, trong đó có đến 2,8 cuốn là sách giáo khoa, như vậy, trung bình một năm người dân Việt Nam đọc khoảng 1,2 cuốn/người/năm. So sánh với Singapore, trung bình người dân nước này đọc 14 cuốn sách mỗi năm, như vậy, có thể thấy việc đọc sách của người Việt Nam thấp hơn Singarpore và các quốc gia khác khá nhiều.

Tại khu vực Đông Nam Á, các quốc gia trong danh sách đọc sách nhiều nhất có thể kể đến là Singapore, Malaysia và Thái Lan. Ở Thái Lan, 81,8% dân số Thái Lan từ 6 tuổi trở lên thường xuyên đọc sách. Đặc biệt, nhóm đọc nhiều nhất là trẻ em từ 6 - 12 tuổi. Còn ở Malaysia, học sinh tiểu học luôn đọc sách 15 phút trước khi vào giờ học. Trung bình một người Malaysia đọc 17 cuốn sách một năm.

Tuy nhiên, để nói về các quốc gia “nghiện” đọc sách nhất thế giới có lẽ đầu tiên phải nhắc đến Ấn Độ, nước này đã được NOP World Culture Score Index xếp hạng nhất trong khảo sát về thời gian đọc sách trung bình của người dân. Theo đó, thời gian đọc sách trung bình một tuần của một người Ấn Độ lên đến gần 11 giờ (10 giờ 42 phút). Mặc dù là quốc gia có trình độ dân trí giữa các tầng lớp rất cách biệt với số người biết chữ chỉ chiếm 27,4% dân số nhưng có đến 25% số người trẻ đọc sách thường xuyên và 49% số người được đi học đọc sách như một cách giải trí.

Tiếp theo, Israel - quê hương của hơn 30% chủ nhân giải Nobel toàn cầu, chiếm 11,6% tỷ phú trên thế giới, 20% giáo sư tại các trường đại học hàng đầu… Nơi đây có hai chỉ số về sách cao nhất thế giới là số lượng sách xuất bản theo đầu người và số người trẻ đọc sách. Ở Israel cứ 4.500 người sẽ có một thư viện với các đầu sách cực kỳ quý giá, trong số đó khoảng hơn 1.000 là thư viện công cộng. Niềm đam mê đọc sách được nuôi dưỡng từ nhỏ có lẽ là câu trả lời cho sự thành công và nổi tiếng của đất nước Trung Đông.

Với truyền thống văn học mạnh mẽ và là cái nôi của báo chí, nước Đức có nền văn hóa đọc được lưu truyền từ xưa đến nay, trung bình 44,6% người Đức đọc ít nhất một cuốn sách mỗi tuần. Hàng năm, quốc gia này có hơn 90.000 cuốn sách mới được xuất bản. Đức cũng là quốc gia có mật độ cửa hàng sách trên đầu người cao nhất thế giới, trung bình 17.000 người Đức thì có một cửa hàng sách. Điểm đặc biệt ở nước Đức đó là đọc sách thường được coi là một hình thức giải trí và được yêu thích như uống bia vậy. Nhiều người Đức tự hào về việc theo đuổi văn hóa và trí tuệ của họ thông qua đọc sách.

Văn hóa đứng đọc “Tachiyomi” độc đáo của người dân Nhật Bản. (Ảnh: baotintuc.vn)

Văn hóa đứng đọc “Tachiyomi” độc đáo của người dân Nhật Bản. (Ảnh: baotintuc.vn)

Với 10-20 cuốn/người/năm, người Nhật dành hơn 4 giờ mỗi tuần để đọc và là một trong những quốc gia có tỷ lệ biết chữ cao nhất thế giới. Xứ sở hoa anh đào cũng là một quốc gia yêu sách với số lượng sách và tạp chí phát hành tại Nhật Bản vẫn gia tăng đều đặn, trên 7% mỗi năm. Ước tính mỗi năm Nhật Bản xuất bản 43.000 đầu sách, đây là con số đáng mơ ước đối với nhiều quốc gia.

Văn hóa đọc đặc trưng

Nhìn vào thực tế, mỗi quốc gia sẽ có một đáp án riêng cho câu hỏi ở đầu bài viết, đây là điều dễ hiểu bởi giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, mỗi quốc gia là khác nhau. Tuy nhiên, có một điểm chung đó là quốc gia nào cũng tồn tại văn hoá đọc. Hoạt động văn hóa này bao gồm ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của mỗi cá nhân, cụ thể là thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc lành mạnh của họ. Hay nói một cách khác đơn giản hơn là thái độ của mỗi cá nhân với đối với việc tiếp cận tri thức, sách vở.

Cũng giống như văn hoá, văn hoá đọc tại mỗi quốc gia đều có những đặc trưng riêng biệt. Biết và hiểu văn hoá đọc của các quốc gia không chỉ thấy rõ về lịch sử và văn hoá của mỗi nước, mà còn hiểu rõ hơn về sự thay đổi xã hội và các giá trị của các quốc gia đó.

Nếu có dịp đến Nhật, chắc chắn sẽ bắt gặp hình ảnh người dân đứng đọc sách ở mọi không gian chờ: đường phố, bến xe bus, trên tàu điện ngầm... Thói quen này đã hình thành văn hóa đứng đọc “Tachiyomi” độc đáo của người dân đất nước mặt trời mọc. Trong xã hội hiện đại hối hả cùng khối công việc lớn thời gian để đọc một cuốn sách không nhiều, vì vậy người Nhật Bản đọc sách ở mọi lúc mọi nơi có thể.

Để dễ dàng cho hoạt động này, người Nhật đã phát minh ra những cuốn sách nhỏ gọn chỉ tương đương kích cỡ một trang bàn tay để bỏ vào túi sách hay túi áo. Không chỉ tồn tại văn hóa đứng đọc, thói quen đứng của người Nhật dường như đã đi sâu vào mọi hoạt động văn hóa xã hội và trở thành một điểm đặc trưng: đứng ăn, đứng uống, đứng bán… Ngoài ra, văn hóa đọc tại Nhật Bản được Chính phủ dành sự quan tâm đặc biệt, đây là một trong số rất ít các quốc gia có một đạo luật riêng dành cho việc khuyến đọc. Năm 2001, Nhật Bản ban hành Luật khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em và năm 2005 ban hành Luật Chấn hưng văn hóa đọc.

Trong thời đại 4.0, nhiều người chọn đọc và nghe sách kỹ thuật số. (Ảnh: CNBC)

Trong thời đại 4.0, nhiều người chọn đọc và nghe sách kỹ thuật số. (Ảnh: CNBC)

Văn hóa đọc là một nét đặc trưng của nước Đức, với nhiều hội chợ sách quanh năm, các thư viện Đức luôn là những nơi tuyệt vời cho những người cần nghiên cứu. Có rất nhiều hiệu sách xung quanh thành phố Berlin với đa dạng các sách thuộc nhiều thể loại khác nhau. Đức cũng nổi tiếng với hội chợ sách lớn nhất thế giới Frankfurt (Frankfurter Buchmesse), được tổ chức hàng năm vào giữa tháng mười.

Frankfurter Buchmesse còn được xem là một trong những sự kiện văn hóa và thương mại quốc tế quan trọng nhất trên thế giới và thường có khoảng 7.300 nhà triển lãm đến từ hơn 100 quốc gia.

Dù là đất nước phát triển về công nghệ nhưng Chính phủ Đức luôn khuyến khích người dân đọc sách in. Thực tế, người Đức thích đọc sách giấy hơn là sử dụng thiết bị đọc sách điện tử. Chính vì yêu thích sách in nên “đọc sách” và “có sách”, “giữ sách”, “bảo tàng sách” là nét đặc thù của đời sống văn hóa Đức truyền thống cũng như hiện đại. Theo thống kê, mỗi gia đình Đức có trung bình một bộ sưu tập gần 300 cuốn sách, bình quân đầu người có hơn 100 cuốn. Điều đặc biệt là người dân Đức đến thư viện nhiều hơn cả rạp chiếu bóng và sân vận động, điều đó cho thấy nhu cầu văn hoá nói chung và nhu cầu đọc rất cao tại quốc gia này.

Khác với Đức, văn hoá đọc sách kỹ thuật số đang là xu hướng nở rộ tại Trung Quốc. Theo một cuộc khảo sát tại đây, một người Trung Quốc trưởng thành đọc trung bình 4 cuốn sách in và 2 cuốn sách kỹ thuật số. Kết quả điều tra này có thể thấy số lượng và thời lượng đọc sách giấy của người thành niên Trung Quốc đều giảm xuống, trong khi thời lượng đọc sách kỹ thuật số tăng lên. Do đó xuất bản kỹ thuật số đang trở thành một trong những phân khúc nổi bật nhất và được chú trọng ở Trung Quốc. Đặc biệt độc giả nơi đây ngày càng bị thu hút bởi dạng sách nói và con số người yêu thích định dạng sách này ngày càng tăng.

Tại nhiều quốc gia khác, văn hoá đọc cũng đang dần chuyển từ mua sách tại các cửa hàng truyền thống sang mua sách trực tuyến. Trong thời đại 4.0, nhiều người chọn đọc và nghe sách bằng thiết bị điện tử vì ưu điểm tiện lợi, nhanh chóng và đa dạng. Đôi khi chỉ cần một thiết bị điện tử, độc giả có thể đọc được hàng nghìn đầu sách, với mọi thể loại, mọi ngôn ngữ và đôi khi còn có giá thành rẻ hơn sách in rất nhiều.

Như vậy, văn hóa đọc luôn đóng một vai trò quan trọng trong văn hóa của một quốc gia. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay, mỗi cá nhân cần không ngừng hoàn thiện bản thân và việc hình thành văn hóa đọc tích cực là một trong những điều cốt lõi để cá nhân và cộng đồng nói chung phát triển bền vững. Do đó, các quốc gia phát triển đều đã và đang quan tâm đến việc đọc của người dân đặc biệt là trẻ em.