Văn hóa đọc xuống cấp – lỗi thuộc cả các nhà xuất bản!

Hiện đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm TGĐ Cty Cổ phần sách Thái Hà (Thái Hà Books), TS.Nguyễn Mạnh Hùng có niềm đam mê sách từ nhỏ và hiện ông được mệnh danh là “Tiến sĩ văn hóa đọc”. Diễn giả nổi tiếng này tin rằng một cuộc nói chuyện có thể thay đổi số phận của một số người, nhưng thông qua những cuốn sách, có thể làm cho cuộc đời của rất nhiều, rất nhiều người thay đổi.

Hiện đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm TGĐ Cty Cổ phần sách Thái Hà (Thái Hà Books), TS.Nguyễn Mạnh Hùng có niềm đam mê sách từ nhỏ và hiện ông được mệnh danh là “Tiến sĩ văn hóa đọc”. Diễn giả nổi tiếng này tin rằng một cuộc nói chuyện có thể thay đổi số phận của một số người, nhưng thông qua những cuốn sách, có thể làm cho cuộc đời của rất nhiều, rất nhiều người thay đổi.

Xin ông cho biết quan điểm của ông về văn hóa đọc và sự cần thiết của nó trong quá trình phát triển đất nước?

- Theo tôi, văn hóa đọc giống như một tam giác gồm ba đỉnh: Thái độ, cách nhìn của bạn về sách; thói quen đọc sách; cách lựa chọn sách và phương pháp cũng như khả năng đọc sách. Quan trọng nhất là duy trì thói quen đọc sách. Người không đọc sách hoặc ít đọc sách thì không thể nói là có văn hóa đọc. Là một người đam mê sách, tôi xin làm một phép so sánh thế này: khủng hoảng kinh tế thì có thể kết thúc và Chính phủ cũng đang làm hết sức để vực dậy nền kinh tế; còn sự xuống cấp của văn hóa đọc sẽ ảnh hưởng tới tương lai của cả một dân tộc. Có một loại tài sản duy nhất trên thế gian này khi bạn cho đi không hề mất đi, mà còn được thêm. Đó là tri thức. Mà như chúng ta biết, trên 80% tri thức đến từ mắt. Tức là phải đọc để có kiến thức.

“Tiến sĩ văn hóa đọc” Nguyễn Mạnh Hùng.
“Tiến sĩ văn hóa đọc” Nguyễn Mạnh Hùng.

Theo cách đánh giá riêng của ông, văn hóa đọc của người Việt Nam hiện nay có đặc điểm gì?

- Ở nước ngoài, đi đâu họ cũng mang sách theo. Đi du lịch, đi chơi, họ tranh thủ đọc bất cứ lúc nào. Uống cafe, chờ xe bus, đến trước giờ hẹn, họ đều đọc sách... Tôi quan sát tại các điểm công cộng, bến xe buýt Việt Nam để đếm người đọc sách. Thật thất vọng. Có quá ít người đọc. Mỗi lần đi du lịch, bạn có nghĩ đến việc phải đem theo sách không?

Bạn cứ thử làm một test nhỏ về 3 vật đầu tiên bạn nghĩ đến khi đi du lịch là gì? Có bao nhiêu phần trăm người chọn sách trong đó? Người Việt Nam chúng ta hình như chưa có thói quen đọc sách, chưa hiểu hết vai trò việc đọc sách. Thậm chí những ai đọc nhiều thì còn bị chế giễu là “mọt sách” , “sách vở”. Các bạn trẻ ngày hôm nay thích xem và lười đọc. Do sự phát triển của các phương tiện nghe nhìn thì việc tuổi trẻ tìm đến với cách tiếp cận thông tin hấp dẫn như phim ảnh, trò chơi điện tử, internet là điều không khó hiểu.

Không những thế, hình như các bậc phụ huynh, các nhà lãnh đạo chưa gương mẫu trong việc đọc sách. Và có vẻ như giới trí thức cũng chưa thực sự chăm đọc. Một thông tin bạn cần biết và phải lưu ý rằng, trên 80% sách của nước ta là sách giáo khoa. Vậy thì tính ra, mỗi một năm, người dân Việt Nam chỉ mua có 0,6 cuốn sách. Quá ít! Nếu cứ tình trạng này thì chúng ta có nguy cơ “sản xuất” ra các em học sinh “học gạo”, thiên về lý thuyết.

Để xây dựng văn hóa đọc có chất lượng và chiều sâu thì ta phải bắt đầu từ đâu, thưa ông?

- Việc xây dựng văn hóa đọc có chiều sâu chắc chắn là đòi hỏi phải có sự nỗ lực của cả xã hội. Và việc xây dựng này trước hết phải trên cơ sở giáo dục đầu tiên. Tại các trường học của Việt Nam hiện nay, từ cấp 1 đến đại học, không có các khóa đào tạo kỹ năng đọc sách, các khóa đọc nhanh, không có các chương trình về văn hóa đọc để tạo thói quen đọc sách, chưa có hướng dẫn cho học sinh cách chọn sách. Thói quen và kỹ năng đọc sách cần phải có từ nhỏ.

Nếu chúng ta dạy các em học sinh từ khi còn nhỏ biết cách lựa chọn, tìm đọc và duy trì thói quen đọc sách thì nhất định lớn lên thói quen này sẽ được duy trì và phát triển. Cũng như vậy, ở trong khuôn khổ gia đình, nếu cha mẹ ông bà người thân ai ai cũng đọc nhiều sách, cũng có thói quen đọc sách, thì hẳn con trẻ sẽ tự thấy gương sáng đó mà noi theo. Gốc rễ vấn đề chỉ đơn giản là nằm ở giáo dục. Ở các cơ quan, lãnh đạo cũng cần quan tâm đến sách và văn hóa đọc. Nhà nước cần có ngân sách lớn hơn cho việc xây dựng các thư viện, hỗ trợ xuất bản sách, có ngân sách mua sách cho các thư viện từ trung ương đến làng xã.

Hiện nay, một lượng độc giả khá đông có xu hướng chọn những loại sách mang đậm yếu tố “sốc - sex - sến”. Có khi nào chính các nhà sách với những ấn phẩm “thượng vàng, hạ cám” là “tác nhân” ảnh hưởng đến thói quen và sở thích đọc sách của người đọc?

- Lỗi của việc văn hóa đọc xuống cấp thuộc cả về các nhà xuất bản, các công ty sách. Nhiều người không biết rằng ngành xuất bản là ngành đặc biệt. Những cuốn sách “bậy”, phản giáo dục có thể giết chết nhiều người, thậm chí cả một thế hệ. Tôi không thể tưởng tượng ra một tương lai của đất nước khi sách trên thị trường toàn là sách kích dục, sex, ma quái rùng rợn, đâm chém, mê tín dị đoan... Người đọc sẽ ngấm dần những tư tưởng của những cuốn sách kém, thiếu tính giáo dục và sẽ không thể không ảnh hưởng đến đạo đức của xã hội. Nếu bạn suốt ngày đọc sách vụ án, chém giết, bạn có nguy cơ trở thành tội phạm. Ngược lại bạn đọc những sách dạy làm người, sống thiện, bạn sẽ thành người tốt.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!

Thu Hồng (thực hiện)

Đọc thêm