Chuyển đổi số: Cơ hội và thách thức đối với bình đẳng giới
Theo báo cáo khoảng cách số về giới năm 2022, gần 2/3 dân số thế giới sử dụng internet và công nghệ số để truy cập mạng xã hội, các dịch vụ số.
Cũng theo báo cáo, trong quá trình chuyển đổi số, ở các quốc gia đang phát triển, khoảng cách về kinh tế - xã hội diễn ra ngày càng sâu sắc, đặc biệt là đối với phụ nữ. Trên toàn cầu, 62% nam giới sử dụng internet, trong khi đối với nữ giới là 57%.
Có thể khẳng định, công nghệ số đang mở ra những cơ hội to lớn để thúc đẩy bình đẳng giới. Với không gian làm việc linh hoạt trên các nền tảng trực tuyến, phụ nữ có thể vượt qua rào cản địa lý và thời gian để tham gia vào thị trường lao động kỹ thuật số. Những ngành nghề như thương mại điện tử, sáng tạo nội dung hay khởi nghiệp công nghệ trở thành "mảnh đất vàng" giúp phụ nữ khẳng định bản thân và độc lập tài chính. Trên thực tế, những năm vừa qua, chúng ta đã chứng kiến những người phụ nữ mạnh mẽ, độc lập, thành đạt với sự trợ giúp đắc lực của công nghệ, từ việc kinh doanh, quảng bá thương hiệu. Đồng thời, sự phát triển của mạng xã hội và công nghệ đã tạo thêm nhiều cơ hội cho phụ nữ trở nên độc lập, có thể vượt qua những khó khăn của số phận, giúp những người mẹ đơn thân tự bước đi, tự làm chủ cuộc đời mình tốt hơn…
Tuy nhiên, chuyển đổi số cũng mang đến không ít thách thức. Khoảng cách về kỹ năng số giữa nam và nữ vẫn còn rất lớn, đặc biệt ở các khu vực nông thôn hay vùng sâu, vùng xa, nơi phụ nữ ít có cơ hội tiếp cận công nghệ. Bên cạnh đó, định kiến xã hội về vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ vẫn còn hiện hữu, khiến nhiều người e ngại khi bước vào những công việc đòi hỏi chuyên môn cao về kỹ thuật. Đặc biệt, môi trường số tiềm ẩn nguy cơ quấy rối và bạo lực mạng, mà đối tượng chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái, tạo thêm áp lực tâm lý và rào cản trong việc tham gia các hoạt động trực tuyến.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về thị trường lao động Việt Nam trong thập kỷ tới, lao động nữ đối mặt với nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều hơn lao động nam gần 2,4 lần, do họ tập trung chủ yếu trong các ngành như dệt may, da giày và chế biến thực phẩm, các ngành nghề dễ bị thay thế trong kỉ nguyên số, và tỷ lệ lao động nữ chiếm từ 80% đến 90%.
Cạnh đó, nguy cơ phụ nữ bị tụt hậu trong quá trình chuyển đổi số đang trở nên rõ ràng hơn. Các nghiên cứu về tác động của số hóa chỉ ra rằng lao động nữ dễ chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi những hạn chế về trình độ chuyên môn, kỹ thuật, cũng như các trách nhiệm liên quan đến gia đình. Ngoài ra, phụ nữ thường đảm nhiệm các công việc giản đơn, vốn dễ bị thay thế và còn chịu thêm áp lực từ các rào cản xã hội, định kiến giới. Khi doanh nghiệp hoặc tổ chức đối mặt với khó khăn về tài chính, phụ nữ thường là nhóm đầu tiên đối diện nguy cơ cắt giảm việc làm, ngay cả khi họ chưa đến độ tuổi nghỉ hưu.
Trong bối cảnh số hóa ngày càng mở rộng, các dịch vụ trực tuyến được ưu tiên hơn so với môi trường thực. Tuy nhiên, phụ nữ và trẻ em gái vẫn gặp nhiều thách thức trong việc tiếp cận và sử dụng công nghệ số, do các chuẩn mực xã hội áp đặt và sự hạn chế trong việc tiếp cận các chương trình giáo dục kỹ năng số. Hệ quả là, phụ nữ có nguy cơ bị gạt ra ngoài cuộc, không thể tận dụng các cơ hội mà môi trường số mang lại.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, việc thiếu thông tin, kỹ năng về các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ; các quy định sử dụng mạng xã hội chưa được người dùng tuân thủ nghiêm túc… đã đặt ra những thách thức trong bảo vệ quyền riêng tư của người dùng nói chung, của phụ nữ và trẻ em gái nói riêng, cũng như việc xử lý các vi phạm này.
Văn hóa ứng xử và những vấn đề tồn tại trên môi trường số
Công nghệ số đang mở ra những cơ hội to lớn để thúc đẩy bình đẳng giới nếu biết tận dụng. |
Trong bối cảnh chuyển đổi số, việc số hóa và đưa các hoạt động lên môi trường trực tuyến đang diễn ra mạnh mẽ, tạo nên tác động đáng kể đến tiến trình thúc đẩy bình đẳng giới, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, cùng với cơ hội, quá trình này cũng đặt ra những thách thức mới, đặc biệt liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới.
Phụ nữ và trẻ em gái đang đối mặt với nguy cơ cao hơn về bạo lực giới trong môi trường số. Sự hạn chế trong việc tiếp cận, sử dụng các thiết bị số cũng như thiếu hụt kỹ năng số khiến họ trở thành đối tượng dễ bị tổn thương. Các hành vi bạo lực giới trực tuyến bao gồm quấy rối qua tin nhắn, chụp lén, xúc phạm, phát tán trái phép thông tin cá nhân hoặc hình ảnh, video riêng tư. Những hành vi này không chỉ xâm phạm quyền riêng tư mà còn gây hậu quả nặng nề, như rối loạn tâm lý, tự cô lập khỏi cộng đồng và những tổn thương lớn về tinh thần.
Ở một mặt dễ nhận thấy, môi trường số, với tất cả sự hiện đại và kết nối, lại đang phản ánh rõ nét những định kiến giới tồn tại trong xã hội. Các bình luận mang tính phân biệt, chế giễu hay định kiến vô hình về giới trên mạng xã hội vẫn phổ biến. Phụ nữ, đặc biệt là những người hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ hoặc công khai quan điểm cá nhân, thường bị tấn công bởi những lời lẽ tiêu cực, quấy rối hoặc thậm chí là đe dọa.
Một điều khá phổ biến trong xã hội, ở cùng một sự việc, nhưng trên môi trường mạng, phụ nữ lại là đối tượng bị tấn công, chỉ trích nhiều hơn so với nam giới. Một ví dụ là sự việc một nữ nghệ sĩ bị tố là “tiểu tam” vài năm trước. Cho đến nay, người hứng chịu các chỉ trích, tẩy chay, mạ lị từ phía cộng đồng mạng luôn là nữ ca sĩ này, chứ không phải là người đàn ông - nhân vật bị coi là “ngoại tình” trong sự việc nói trên. Một trường hợp khác cũng khá thường gặp trên môi trường số, đó là phụ nữ thường là đối tượng bị đem ra phân tích chê trách, chửi mắng trong các vấn đề sơ suất về ăn mặc, hành xử, nuôi con cái… hơn là nam giới.
Theo các chuyên gia, hệ thống giáo dục và truyền thông của chúng ta hiện nay chưa thực sự chú trọng đến việc nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong không gian số. Nhiều phụ nữ vẫn thiếu các kỹ năng cần thiết để bảo vệ mình trước những nguy cơ trên mạng hoặc tận dụng tối đa cơ hội mà chuyển đổi số mang lại. Điều này không chỉ làm sâu sắc thêm khoảng cách giới mà còn làm chậm lại tiến trình xây dựng một xã hội bình đẳng hơn.
Các chuyên gia cho rằng, để khoảng cách giới không bị nới rộng, cần xây dựng một văn hóa ứng xử văn minh, an toàn và công bằng trên môi trường số bằng cách đẩy mạnh một số giải pháp như xây dựng môi trường kỹ thuật số an toàn và công bằng với các chính sách nghiêm ngặt để ngăn chặn và xử lý quấy rối mạng, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em gái; Nâng cao nhận thức cộng đồng về bình đẳng giới thông qua việc đẩy mạnh truyền thông thực tế và triển khai các chương trình đào tạo kỹ năng số cho phụ nữ, đặc biệt ở vùng nông thôn, giúp họ tự tin tham gia và phát triển trong môi trường số. Cạnh đó, nỗ lực phát triển văn hóa ứng xử văn minh trên không gian mạng là rất cần thiết, bằng cách xây dựng những phong trào, chiến dịch cộng đồng nhằm tôn vinh vai trò của phụ nữ, xóa bỏ định kiến giới và khuyến khích ứng xử văn minh trên mạng.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Trần Thị Hồng Lan cho rằng, phải tăng cường nhận thức của xã hội về vai trò của phụ nữ nói chung và của đội ngũ cán bộ khoa học nữ nói riêng; hoàn thiện chính sách, tạo điều kiện cho sự phát triển và đóng góp của cán bộ khoa học nữ. Đồng thời, xây dựng các chương trình hỗ trợ sự phát triển đội ngũ cán bộ khoa học nữ trong hoạt động khoa học và công nghệ. Tất cả nhằm thực hiện Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030, với mục tiêu “tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước”.