Vẫn lo ngại lạm phát tăng cao…

(PLO) - Số liệu thống kê tình hình kinh tế - xã hội được Tổng cục Thống kê (TCTK) đưa ra ngày 29/6 cho thấy, trong quý 2/2018, rất nhiều chỉ tiêu kinh tế được thiết lập đỉnh mới trong vòng 7-8 năm trở lại đây. Chỉ số giá tiêu dùng cũng đã thiết lập mức tăng mới khiến cho mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% của Chính phủ trở nên khó khăn hơn. 
Giá xăng dầu tăng 23% gây ảnh hưởng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát
Giá xăng dầu tăng 23% gây ảnh hưởng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát

Nhiều chỉ số kinh tế thiết lập đỉnh mới

GDP quý 2 tăng trưởng 6,79%, đưa tổng mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2018 ước tính tăng 7,08%, là mức tăng trưởng cao nhất trong 6 tháng đầu năm của  8 năm trở lại đây. Đóng góp vào mức tăng trưởng này vẫn là một số điểm sáng như công nghiệp và xây dựng (trong đó đặc biệt phải kể đến công nghiệp chế biến chế tạo); khu vực nông lâm nghiệp và thuỷ sản; khu vực dịch vụ…

Trong các khu vực nêu trên, trong quý 2, khu vực nông, lâm, thuỷ sản đạt mức tăng trưởng quý 2 cao nhất trong giai đoạn 2012-2018, với nông nghiệp tiếp tục khẳng định xu hướng phục hồi rõ nét, thuỷ sản cũng đạt mức tăng 6,41%, cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây. Khu vực dịch vụ cũng đạt mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 7 năm trở lại với mức tăng 6,9%. 

Ông Phạm Đình Thuý - Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp (TCTK) cho biết, đóng góp của khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế vẫn là con số đáng kể. Tuy nhiên, các yếu tố nội địa cũng đã tăng nhiều đóng góp khá cho chất lượng tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, sản xuất công nghiệp tăng trưởng mang tính chất tích cực, có thể kể đến ngành điện tăng 10,4%, thể hiện sản lượng điện sản xuất tiêu dùng tăng cao, dư địa sản xuất vượt nhu cầu; Mức tồn kho công nghiệp cũng đang ở con số rất lý tưởng, an toàn và hiệu quả với 11%. 

Có một điểm bị hụt hơi trong đóng góp của ngành công nghiệp trong tổng mức GDP, chính là lĩnh vực khai khoáng khi vẫn tăng trưởng âm (giảm 1,3%), tuy nhiên, mức giảm 6 tháng đầu năm 2018 được coi là mức giảm thấp nhất trong những năm gần đây. Trong lĩnh vực này, dù kết quả vẫn giảm nhưng theo ông Thuý, có điểm sáng phải nói đến là sản lượng than tăng lên. Điều này thể hiện mối quan hệ nội bộ của nền kinh tế tốt hơn, bước đầu đánh dấu việc cung cấp nguyên liệu đầu vào “made in Việt Nam” đã ổn định cho nền sản xuất Việt. 

Từ những kết quả công bố, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng TCTK cho rằng, mục tiêu 6,7% trong năm 2018 hoàn toàn khả thi. Theo ông Lâm, mặc dù bức tranh kinh tế năm 2018 khác các năm trước do không tuân theo quy luật tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước nhưng ông Lâm đánh giá GDP các quý 3, 4 vẫn sẽ tăng dù không tăng cao hơn mức 7,45% (quý 1) và 6,79% (quý 2). 

Vẫn sẽ kiềm chế được lạm phát dưới mức 4%?

Theo số liệu của TCTK, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2018 tăng 0,61% so với tháng trước, là tháng có CPI tăng cao nhất trong 7 năm qua với 10/11 nhóm hàng hoá và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước. Bà Đỗ Thị Ngọc - Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá cho biết, trong các yếu tố làm tăng CPI, yếu tố thị trường từ xăng dầu và thực phẩm đóng góp rất lớn khi giá xăng dầu đã tăng đến 23% so với mức dự tính. 

Theo bà Ngọc, dự kiến, mức tăng CPI 6 tháng cuối năm cũng sẽ bị ảnh hưởng nhiều do điều chỉnh tăng mức lương cơ sở, thuế bảo vệ môi trường cũng sẽ được tăng kịch khung. Những điều chỉnh này sẽ tác động vào CPI khoảng 0,27%. Ngoài ra, giá thực phẩm đang tăng cao, việc tiêu dùng thực phẩm cuối năm tăng mạnh cũng sẽ tác động nhiều đến chỉ số CPI. 

Tuy nhiên, dù chỉ số CPI đang tăng cao nhưng bà Ngọc khẳng định, với sự quyết tâm trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, chắc chắn lạm phát năm 2018 sẽ đạt được mục tiêu dưới 4% như Quốc hội đã đề ra. Cụ thể, định kỳ 3 tháng TCTK họp với Ban chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ để báo cáo, cập nhật các chỉ tiêu kinh tế, mỗi tháng TCTK đều phải xây dựng kịch bản về giá tham mưu để Chính phủ chỉ đạo kịp thời. 

Ông Nguyễn Bích Lâm cũng cho biết, trong các kịch bản tăng trưởng mà TCTK đã xây dựng, có kịch bản để mức giá tăng rất cao, CPI bình quân có thể ở mức trên 4% nhưng Chính phủ kiên quyết điều hành để đạt được mục tiêu đã đề ra. Do đó, ông Lâm khẳng định, CPI tăng nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ. 

Cụ thể, trước mắt, Chính phủ đã quyết định không tăng giá điện đến hết năm 2018, giá xăng dầu tăng cao cũng không quá lo ngại vì đã có Quỹ bình ổn. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đang có chủ trương giảm các loại phí giao thông, đồng thời giảm số năm thu phí để giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. TCTK cũng đã có kịch bản với mức tăng của từng ngành, ví dụ như giá dịch vụ y tế thay đổi từ tháng 7, giá dịch vụ giáo dục tăng vào tháng 9 sẽ ảnh hưởng như thế nào để báo cáo, Chính phủ căn cứ vào đó chỉ đạo điều hành. 

Đọc thêm