Vận mệnh Myanmar đang trông chờ vào một phụ nữ

(PLO) - Hôm qua (11/11), Ủy ban Bầu cử liên bang Myanmar (UEC) tuyên bố bà Aung San Suu Kyi – thủ lĩnh đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đối lập - đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử được tổ chức hôm 8/11 và được bầu lại vào Hạ viện Myanmar.
Người ủng hộ NLD đổ ra đường ăn mừng chiến thắng
Người ủng hộ NLD đổ ra đường ăn mừng chiến thắng
Bà San Suu Kyi đại diện cho NLD tranh cử ở đơn vị bầu cử Kawhmu của Yangon, cùng với ứng cử viên của đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) cầm quyền Kyaw Zin Hein. 
Bước ngoặt dân chủ
Theo UEC, trong cuộc tổng tuyển cử ngày 8/11 vừa qua, tổng cộng 6.038 ứng cử viên thuộc 91 đảng phái chính trị và 310 ứng cử viên độc lập đã chạy đua vào hơn 1.000 ghế tại các cơ quan lập pháp các cấp. NLD có 1.123 ứng cử viên và USDP có 1.122 ứng cử viên tham gia cuộc tổng tuyển cử này. 
Tính đến tối 10/11, UEC đã công bố tổng cộng 333 ghế nghị sĩ ở cả 3 cấp gồm 88 ghế Hạ viện, 33 ghế Thượng viện và 212 ghế nghị viện vùng hoặc bang. Trong số này, NLD giành được 291 ghế nghị sĩ gồm 78 ghế Hạ viện, 29 ghế Thượng viện và 184 ghế nghị viện vùng hoặc bang, trong khi USDP chỉ giành 27 ghế nghị sĩ gồm 6 ghế Hạ viện, 2 ghế Thượng viện và 19 ghế nghị viện vùng hoặc bang.
Chủ tịch Quốc hội Shwe Man - một nhân vật hàng đầu trong đảng cầm quyền đã thừa nhận thất bại. Về phần mình, ông Htay Oo - một người thân cận với Tổng thống Thein Sein - sáng 9/11 cũng thừa nhận thất bại của đảng cầm quyền và cho rằng đã đến lúc USDP cầm quyền phải tìm hiểu xem vì sao đã thất bại, và không nên đắn đo chấp nhận kết quả bầu cử vì đó là quyết định của người dân. Tuy nhiên, nhân vật này lưu ý là hiện vẫn chưa có kết quả chính thức. 
Bà San Suu Kyi sáng 9/11 đã có mặt tại trụ sở của NLD ở Rangoon để kêu gọi những người ủng hộ đảng kiên nhẫn chờ đợi kết quả chính thức, cho dù là “người dân đã có một khái niệm về kết quả” của cuộc bầu cử ngày 8/11.
Theo báo Liên Hợp Buổi Sáng, cuộc bầu cử tự do và công bằng đầu tiên trong vòng 25 năm qua ở Myanmar có tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt hơn 80%. Sau khi kết thúc cuộc bỏ phiếu, hàng nghìn người ủng hộ bà Aung San Suu Kyi đã tụ tập bên ngoài trụ sở của NLD tại Yangon để xem quá trình kiểm phiếu trực tiếp. Khi biết NLD có thể giành chiến thắng với kết quả cao, tất cả mọi người đã không ngừng hò hét thể hiện niềm phấn khích. 
Trước những lo lắng của chính giới bên ngoài, ngay trước thềm bầu cử, Tổng thống Myanmar Thein Sein đã khẳng định rằng các bên phải chấp nhận sự lựa chọn của người dân. Ông Thein Sein nhấn mạnh rằng, bất luận đảng nào giành chiến thắng, chính quyền của ông đều chấp nhận kết quả bầu cử, đồng thời nói rằng sự phát triển và ổn định của đất nước mới là điều quan trọng nhất. 
Tổng Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng Myanmar Min Aung Hlaing sau khi bỏ phiếu cho biết: “Nếu người dân đã chọn họ (NLD), không có lý do gì để chúng tôi không chấp nhận kết quả”. Ông Min Aung Hlaing cũng hứa sẽ không đi vào “vết xe đổ” của cuộc bầu cử năm 1990 và hy vọng kết quả bầu cử sẽ tạo ra một nền dân chủ ổn định. 
Cuộc bầu cử “chưa hoàn hảo”?
Có tổng cộng 1.000 quan sát viên quốc tế đến từ Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ giám sát cuộc bầu cử, thêm vào đó có khoảng 9.000 người giám sát trong nước. Cuộc bầu cử được tổ chức dưới dự giám sát chặt chẽ nhằm duy trì lòng tin của cộng đồng quốc tế đối với chính phủ cầm quyền. Chỉ có một cuộc bầu cử tôn trọng tự do và bình đẳng mới có thể thay đổi vận mệnh của đất nước Myanmar. 
Năm 1988, các cuộc biểu tình chống chính phủ đã nổ ra trên khắp cả nước Myanmar, và NLD nổi lên như là một lực lượng chính trị mới, buộc chính quyền quân sự phải tổ chức bầu cử vào năm 1990. Trong cuộc bầu cử đó, NLD đã giành chiến thắng vang dội, song kết quả bầu cử không được công nhận, các tướng lĩnh quân sự cầm quyền từ chối chuyển giao quyền lực, đồng thời lập ra một chính quyền quân sự mới. Bà Aung San Suu Kyi bị quản thúc tại gia trong suốt 20 năm sau đó. 
Do vậy, việc có nhiều người tỏ thái độ hoài nghi về kết quả và tính công bằng trong cuộc bầu cử lần này không phải là không có lý do. Căn cứ vào Hiến pháp Myanmar được thông qua năm 2008, quân đội sẽ vẫn chiếm ít nhất 1/4 (166 ghế) trong Quốc hội, nhưng giới phân tích cho rằng bà Aung San Suu Kyi - người đã đưa Myanmar đi trên con đường dân chủ - sẽ không thể trở thành tổng thống do bà có hai người con mang quốc tịch Anh. 
Tổng số ghế nghị sĩ ở tất cả các cấp của Myanmar gồm 1.171 ghế, trong đó số ghế ở Hạ viện là 330 ghế; ở Viện Dân tộc (hay còn gọi là Thượng viện Pyidaungsu Hluttaw) là 168 ghế; ở Hội đồng cấp tỉnh là 644 ghế và khu vực dân tộc thiểu số cấp tỉnh là 29 ghế. Mặc dù cả nước có gần 90 đảng tham gia tranh cử song cuộc bầu cử lần này chỉ là cuộc cạnh tranh giữa USDP và NLD. 
Mỹ đã lên tiếng hoan nghênh cuộc bầu cử ngày 8/11 tại Myanmar, coi đây là chiến thắng của người dân Myanmar và là bước ngoặt quan trọng đối với tiến trình dân chủ hóa ở đất nước này. Đồng thời, Mỹ cũng tuyên bố nước này sẽ theo dõi sát sao tiến trình thúc đẩy dân chủ của quốc gia Đông Nam Á này trước khi Washington có bất kỳ động thái nào gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. 
Trong khi đó, Đài RFI dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng, cuộc bầu cử ngày 8/11 vẫn “chưa hoàn hảo” vì còn có tới 25% số ghế tại Quốc hội được dành cho các đại diện quân đội, một số ứng cử viên đã bị loại một cách tùy tiện và nhất là một số sắc tộc thiểu số như người Rohingya theo đạo Hồi không được tham gia cuộc bỏ phiếu lịch sử ngày 8/11. 
Còn Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á, ông Daniel Russel, được Hãng tin Reuters dẫn lời nhận định rằng sau 50 năm nằm dưới sự cai trị của giới lãnh đạo độc tài quân sự, “hiện là lúc để Myanmar tiến bước trên con đường dân chủ. Tuy nhiên, đây cũng là thời khắc khó khăn”.
Bà Aung San Suu Kyi
Bà Aung San Suu Kyi 
Gánh nặng trên đôi vai gầy
Giới phân tích cho rằng, tất cả hy vọng của người dân Myanmar giờ đây đang được đặt lên đôi vai của bà San Suu Kyi, người đã dành trọn 30 năm qua để đấu tranh vì dân chủ cho đất nước Myanmar. Cử tri ủng hộ bà San Suu Kyi với hy vọng bà có thể nhanh chóng vực dậy một đất nước tuy giàu tài nguyên thiên nhiên nhưng đã trải qua 50 năm dưới chế độ quân sự độc tài. 
Hnin Si - 60 tuổi, một thương nhân ở Yangon - nói với Hãng tin Reuters: “Tôi rất phấn khởi về kết quả sơ bộ này. Người dân Myanmar đã phải chịu đựng đau khổ suốt 50 năm. Tôi tin rằng bà Aung San Suu Kyi sẽ giúp đưa đất nước phát triển và ở một vị thế tốt hơn”. 
Bà Aung San Suu Kyi sinh ngày 19/6/1945, là một chính trị gia người Myanmar, là lãnh tụ phe đối lập của Myanmar và là Chủ tịch NLD. Trong cuộc bầu cử phổ thông năm 1990, NLD giành 59% tổng số phiếu và 81% (392/485) ghế trong nghị viện. Tuy nhiên, bà chưa bao giờ được nhậm chức thủ tướng và đã bị chính quyền quân sự quản thúc tại gia trong gần 15 năm trong tổng số 21 năm quản chế cho đến khi được thả lần gần đây nhất vào tháng 11/2010, trở thành một trong những tù nhân chính trị được biết đến nhiều nhất trên thế giới.
Năm 1990, Suu Kyi được trao tặng Giải tưởng niệm Thorolf Rafto và Giải thưởng Sakharov cho Tự do Tư tưởng. Bà tiếp tục được trao tặng Giải Nobel Hòa bình năm 1991 và Giải Jawaharlal Nehru cho sự Thông cảm quốc tế của Chính phủ Ấn Độ cùng Giải thưởng Simón Bolívar của Chính phủ Venezuela vào năm 1992. 
Năm 2007 Chính phủ Canada công nhận Suu Kyi là công dân danh dự của Canada, bà là người thứ tư có được vinh dự này. Năm 2011, bà được trao tặng Huy chương Wallenberg. Hiện nay bà là hội viên danh dự của Câu lạc bộ Madrid. Ngày 19/12/2012, bà được trao tặng Huân chương Vàng Quốc hội (Congressional Gold Medal), một trong hai giải thưởng cao quý nhất của Hoa Kỳ, bên cạnh Huân chương Tự do Tổng thống.
Ngày 1/4/2012, NLD thông báo Suu Kyi đã trúng cử vào Pyithu Hluttaw, cơ quan Hạ viện của Myanmar, đại diện cho khu vực Kawhmu; NLD cũng giành được 43 trên 45 ghế trống trong Hạ viện. Ngày 6/6/2013, Suu Kyi cho biết tại trang web của Diễn đàn Kinh tế Thế giới rằng bà muốn tham gia tranh cử vào vị trí người lãnh đạo cao nhất của Myanmar vào năm 2015. Cho tới năm 2014, bà xếp thứ 61 trong danh sách 100 người phụ nữ quyền lực nhất theo Forbes.
Còn theo AP, ông Tin Oo – người đồng sáng lập NLD -  tuyên bố: “Tôi tin rằng, bà Suu Kyi sẽ lên nắm quyền Tổng thống. Đó là lý do tại sao tôi luôn hỗ trợ cho bà ấy”. Tuy nhiên, ông Tin Oo không nêu rõ NLD sẽ có cách gì để thực hiện được việc này do Hiến pháp Myanmar được quân đội nước này soạn thảo năm 2008 nêu rõ, không ai có chồng hoặc con là người nước ngoài được lên nắm quyền Tổng thống, trong khi đó chồng và 2 con trai của bà Suu Kyi mang quốc tịch Anh.
Năm ngoái, tỷ lệ tăng trưởng của Myanmar đạt tới 8%, thế nhưng thu nhập tính theo đầu người tại quốc gia này vẫn thuộc vào hạng thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á. Một phần ba dân số Myanmar vẫn sống dưới ngưỡng nghèo khó. Myanmar đang thiếu mọi thứ, từ bệnh viện đến trường học, từ nhà máy điện đến các tuyến đường giao thông. Một phần lớn các hoạt động kinh tế vẫn được đặt trong tay quân đội. 
Giới phân tích kết luận, thành công hay thất bại của mô hình dân chủ Myanmar phần lớn tùy thuộc vào khả năng của bà Aung San Suu Kyi và NLD trong việc giải quyết và đáp ứng được các đòi hỏi cấp bách của người dân… 

Đọc thêm