Văn nghệ phía Nam lắm nụ cười và không ít nỗi lo

Những nét mới lạ, phá cách, những dấu ấn đẹp đẽ được lưu lại, những bất cập vẫn chưa tìm được lối ra... Tất thảy những sự trái chiều đó đã tạo nên bộ mặt văn hóa nghệ thuật TPHCM một năm sôi động, đầy thú vị. Còn đó những nỗi lo bên cạnh những nụ cười…

Những nét mới lạ, phá cách, những dấu ấn đẹp đẽ được lưu lại, những bất cập vẫn chưa tìm được lối ra... Tất thảy những sự trái chiều đó đã tạo nên bộ mặt văn hóa nghệ thuật TPHCM một năm sôi động, đầy thú vị. Còn đó những nỗi lo bên cạnh những nụ cười…

Văn hóa đọc đã hồi sinh khi bạn đọc xếp hàng mua sách và xếp hàng chờ nhà  văn ký tên. Trong ảnh: Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng sách cho các bạn trẻ.
Văn hóa đọc đã hồi sinh khi bạn đọc xếp hàng mua sách và xếp hàng chờ nhà văn ký tên. Trong ảnh: Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng sách cho các bạn trẻ.

Âm nhạc: “Sến” vào chỗ sang, “sang” xuống đường

Năm qua đánh dấu cuộc “đổi ngôi” rõ rệt giữa hai dòng âm nhạc vẫn được gọi nôm na là “nhạc sang” và “nhạc sến”. Nếu như trước kia, nhạc sang - nhạc giao hưởng, thính phòng, chỉ duy nhất được vang lên tại các buổi diễn lớn, những tiệc âm nhạc sang trọng, kén khán giả thì nay, loại hình âm nhạc này đã được những nghệ sĩ có tâm làm một động tác ý nghĩa để đến gần đại chúng: dời từ trong nhà hát ra... thềm nhà hát.

Những buổi hoà tấu nhạc thính phòng, âm nhạc dân tộc tại sân nhà hát lớn TP.HCM đã trở nên quen thuộc với người dân thành phố, thành một nét văn hóa đặc sắc, được yêu thích của người dân và du khách. Trong khi đó, ở một chiều ngược lại, nhạc vàng, mà nhất là dòng “sến” - bolero lại có một cuộc “chuyển ngôi” ngoạn mục khi liên tục được biểu diễn ở những nhà hát lớn, phòng trà đẳng cấp, những đêm nhạc hạng sang, thay vì được phát lên bởi các tay bán băng đĩa dạo, bởi những người dân quê hay giữa những tiệc cưới nông thôn như trước đây.

Hàng loạt những ngôi sao của dòng nhạc này tại hải ngoại về nước và được nồng nhiệt đón nhận, show diễn của họ kín vé, live show liên tục được mở ra đem bộn tiền về cho các nhà tổ chức biểu diễn nhanh chóng nắm bắt nhu cầu đám đông. Hàng loạt ngôi sao thuộc nhiều dòng nhạc cũng thi nhau ra album nhạc vàng được dàn dựng công phu...

Thị trường âm nhạc TPHCM trải qua một giai đoạn đa diện chưa từng thấy khi dòng nhạc nào cùng tìm được một chỗ đứng "ngon lành" cho mình. Tất nhiên, không phải sự phong phú mới lạ nào cũng chứa đựng toàn điều hay... Thị trường âm nhạc TPHCM còn chứng kiến một năm "lên ngôi" của loại âm nhạc khiến người nghe “té ghế”, những sản phẩm “thảm họa” và cuộc chạy đua điên cuồng theo mốt khoe da thịt của một bộ phận nghệ sĩ.

Điện ảnh: Tư nhân thắng lớn với phim giải trí

Tiếp theo sự thành công của Để mai tính, ê kíp làm phim này đã thực hiện Long Ruồi và phá kỉ lục của mình với doanh thu trên 40 tỉ sau 10 ngày công chiếu. Trước đó gặt hái những kỉ lục vẫn là dòng phim hài hài, giải trí kiểu Cô dâu đại chiến với doanh thu cho gần 30 tỉ cho mùa Tết và kín tại các cụm rạp TPHCM. Năm nay, các nhà làm phim tiếp tục đánh mạnh dòng phim giải trí, đầu tư quy mô hơn và yếu tố câu khách cũng mạnh hơn với những “Vũ điệu đường cong”, “Lệ phí tình yêu”, “Cột mốc 23”, “Lời nguyền huyết ngải”...

Tuy nhiên, sự thành công vang dội về mặt doanh thu của các bộ phim trên đặt ra một vấn đề là phải chăng thị hiếu khán giả điện ảnh đang có sự “xô lệch”, khi các tác phẩm chất lượng, mang tính nghệ thuật, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao thì khi ra rạp vắng hoe, còn phim giải trí gây cười đơn thuần thì khán giả đổ xô đi xem. Về mặt này, bộ phim mới của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng “Hot boy nổi loạn và câu chuyện về Thằng cười, cô gái điếm và con vịt” được đánh giá cao là một trong những tác phẩm điện ảnh hiếm hoi dung hòa được cả hai yếu tố điện ảnh và thị trường.

Văn học: Khơi dậy lòng yêu sách

Tháng 9/2011, dự án sách do giáo sư Ngô Bảo Châu cùng nhà văn Phan Việt và NXB Trẻ thực hiện được phát động. Tháng 11, năm cuốn sách đầu tiên của dự án được xuất bản, thuộc các lĩnh vực văn học, toán học, triết học. 1 tháng sau ngày xuất bản, các nhà sách liên tục đặt hàng thêm vì lượng mua quá đông đảo, mà nhất là bạn đọc trẻ.

“Chuyện của Nil”, ngưng tái bản từ cách nay vài chục năm và tưởng chừng đã quên lãng, trở lại với những người từng yêu và những bạn trẻ chưa từng biết đến, đầu sách này liên tục hết hàng đến mức NXB Trẻ đã sớm phải tái bản lần hai. Đó có thể từ uy tín và sự trân trọng giáo sư Ngô Bảo châu, và đó cũng là một dấu hiệu đáng mừng cho thấy lòng yêu sách đang được khơi gợi mạnh mẽ trở lại với người đọc trẻ.

Một hiện tượng đáng mừng của văn học Việt Nam là sách dành cho lứa tuổi học trò của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đạt kỉ lục “sách chưa xuất bản đã tái bản” do quá đông đơn đặt hàng. Lượng xuất bản là 13.000 bản và lượng tái bản là 10.000 bản, và nhanh chóng hết veo sau một thời gian ngắn.

Kịch: Chính kịch “bước sải”

Khác với không khí kịch phía Bắc, sân khấu phía Nam đánh dấu một giai đoạn “sáng đèn” với nhiều vở diễn giá trị, thu hút đông đảo khán giả. Chính kịch, dường như đã thay thế vị trí của hài kịch, nhất là hài tạp kĩ trong lòng phần đông khán giả thành phố. Năm 2011, Idecaf, Hoàng Thái Thanh, Phú Nhuận... dàn dựng vài chục vở trong năm, mỗi vở đều mang lại nhiều thành công cũng như phản hồi mạnh mẽ từ phía dư luận. Trong số đó, Hoàng Thái Thanh nổi bật lên như một hiện tượng của “xã hội hóa sân khấu” bởi những nghệ sĩ say mê nghệ thuật kịch nói, chứng minh cho một hướng đi đúng của kịch, với nhiều vở diễn được mến chuộng, để lại ấn tượng sâu sắc: “Bàn tay của trời”, “Hãy khóc đi em”, “Màu của tình yêu”...

Một “công lớn” của các sân khấu phía Nam là đã đào tạo ra một lớp diễn viên kịch nói trẻ vừa có sắc vóc lại diễn tốt. Những Lương Thế Thành, Lê Khánh, Huỳnh Đông, Hùng Thuận, Kim Hiền, Ngọc Lan dù từ các lĩnh vực khác sang nhưng đều trở thành những “nhân tố” chính tại các sân khấu lớn, hút khán giả bởi sắc vóc đẹp đẽ và khả năng biểu diễn ngày một chuyên nghiệp, sáng tạo.

Ngọc Mai

Đọc thêm