Ông Dũng nói chỉ đạo của Thủ tướng nhằm cấm chặt phá đào rừng tự nhiên mang về thành phố chơi Tết. “Còn người dân miền núi hay miền xuôi trồng được đào để bán dịp Tết thì cần khuyến khích, vì vừa để người dân có cây đẹp chơi Tết, vừa góp phần tăng thu nhập cho người trồng”, ông Dũng nói và cho rằng việc nghiêm cấm chặt phá đào rừng tự nhiên không khó, chỉ cần các địa phương, bộ ngành vào cuộc nghiêm túc sẽ có hiệu quả.
Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đánh giá thực hiện “không khó”. Theo ông Tuấn, các văn bản pháp luật đã quy định chặt chẽ việc chặt phá cây rừng nói chung, trong đó có đào rừng và các loại cây khác: “Khó như cấm đốt pháo còn thực hiện được hiệu quả thì việc cấm chặt phá đào rừng cổ thụ không khó”.
“Luật đã có nhưng lâu nay việc quản lý chặt phá đào rừng, cây rừng chơi Tết chưa đúng mức. Vì vậy, các đơn vị cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng để chấm dứt tình trạng chặt phá đào rừng mang về thành phố chơi Tết, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và cảnh quan”, ông Tuấn nói.
Chỉ đạo của Thủ tướng là một bước hướng tới việc trồng mới một tỷ cây xanh, tăng cường bảo vệ rừng, trong đó có cấm chặt phá, vận chuyển, kinh doanh đào rừng tự nhiên. Ông Tuấn cũng đề nghị các địa phương phải có giải pháp ngăn chặn việc này từ sớm, trước Tết, đợi đến khi đào rừng đã được mang về thành phố mới xử phạt thì không có hiệu quả.
Trước thông tin Thủ tướng lệnh cấm chặt đào, buôn bán đào rừng, một người buôn đào rừng, đào vùng cao, thừa nhận việc buôn bán đào rừng chơi Tết trong những năm qua đã làm biến mất nhiều vạt đào rừng, đặc biệt những cây đào cổ thụ ở Tây Bắc.
Việc tàn phá đào rừng, theo người này, xuất phát từ thú chơi “ngông” của một số “đại gia” và do người dân miền núi còn khó khăn nên sẵn sàng cùng dân buôn trèo đèo lội suối vào rừng sâu, lên núi cao săn đào. Đội quân buôn đào thậm chí còn cưa cả cây lớn, sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng thuê trai bản đào.
Trước lệnh cấm của Thủ tướng, người này tán thành và sẵn sàng chuyển nghề khác vì cho rằng buôn bán đào rừng cũng chỉ là chốc lát, nhất thời, không phải là nghề nuôi sống bản thân và gia đình. Ông cũng mong Chính phủ sớm có quy định, tiêu chí cụ thể để tránh trà trộn đào rừng với đào vườn; đồng thời giúp người dân vùng cao trồng đào vẫn có thể bán cành cho người chơi đào dưới miền xuôi, tăng thêm thu nhập.
Trước đó, phát biểu tại hội nghị của ngành nông nghiệp chiều 24/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu “câu hỏi mang tính thời sự là Tết này người dân sẽ ăn gì, chơi hoa gì, cây gì, giá cả ra sao?”. Ông nói các đơn vị và địa phương phải chuẩn bị vấn đề này từ bây giờ, trong đó đảm bảo nguồn cung, không để giá thịt lợn tăng cao.
“Phải cấm tuyệt đối việc chặt hoa đào, các loại cây khác của núi rừng, nhất là núi rừng Tây Bắc mang về Hà Nội bán dịp Tết. Hôm nay tôi tuyên bố, ai chặt phá, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ cây rừng là vi phạm”, Thủ tướng nói và giao Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt chỉ đạo này một cách nghiêm túc.
Thủ tướng dẫn chứng, ngày Tết, đi trên các bờ đê, đường phố sẽ thấy nhiều cây đào rừng đẹp bị chặt mang về bày la liệt, bán không được thì làm củi: “Như vậy làm sao còn một nông thôn, miền núi với những cánh rừng đẹp. Các địa phương phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp chặt đào rừng chở về xuôi chơi Tết”.
GS Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, bày tỏ ủng hộ chỉ đạo trên của Thủ tướng: “Đây là việc rất thiết thực, bởi mỗi dịp Tết, tôi thấy nhiều người chặt đào rừng mang về thành phố làm ảnh hưởng đến cảnh quan, thiên nhiên miền núi và rất phản cảm. Đào rừng về phố cũng chỉ sống được thời gian ngắn vì không thích nghi với môi trường, khí hậu”.
“Mỗi dịp Tết đến, người dân bỏ chơi đào rừng thì cây sẽ được giữ lại ở miền núi, góp phần phát triển du lịch địa phương và thể hiện cách ứng xử văn minh với thiên nhiên”, ông Huỳnh nói.