Văn phòng Chính phủ: “Phải nghiên cứu, thực hiện đúng quy định pháp luật”

(PLVN) - Từ số báo ra ngày 6/4/2020, PLVN liên tục có những bài viết phản ánh việc một số địa phương đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong phòng chống dịch. Ví dụ Quảng Ninh đổ đất chặn đường, cấm người ra đường sau 22h; Hải Phòng bắt xe đến từ Hà Nội quay đầu, thậm chí bắt người dân phải xin “giấy phép con” khi đi ra ngoài tỉnh; Quảng Nam và Đà Nẵng cách ly tập trung người đến từ Hà Nội, TP HCM, thu tiền những đối tượng này…
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng (Hình:baochinhphu.vn)
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng (Hình:baochinhphu.vn)

Những biện pháp trên bị nhiều ĐBQH, luật sư, chuyên gia pháp lý đánh giá là không có căn cứ pháp luật, tùy tiện, vi hiến khi Điều 23 Hiến pháp 2013 đã nêu rõ “Công dân có quyền tự do đi lại” và quyền này chỉ bị hạn chế trong một số trường hợp pháp luật quy định.

Các biện pháp trên còn trái với quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội 2014; Luật Tổ chức Chính phủ 2015; Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007; Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp trong trường hợp có thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm; Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29/3/2020; Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020.    

Liên quan đến vấn đề trên, hôm qua (8/4), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng đã trả lời báo chí để làm rõ hơn về cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng.

Thưa ông, qua 1 tuần cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, bên cạnh việc nghiêm túc thực hiện thì cũng thấy nhiều biểu hiện của việc chủ quan, lơ là, người dân vẫn ra đường đông hoặc tụ tập..., ông chia sẻ gì về điều này?

- Ngày 27/3, Thủ tướng ban hành Chỉ thị 15/CT-TTg và sau 4 ngày (ngày 31/3), Thủ tướng tiếp tục ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg. Cấp độ của Chỉ thị 16/CT-TTg so với Chỉ thị 15/CT-TTg là cao hơn một bước. Lý do bởi nhận định tình hình dịch trên toàn cầu rất phức tạp, nhiều nước có số ca nhiễm tăng vọt, có những nước có số ca tử vong lớn. Khi đó, Thủ tướng đưa ra chỉ đạo mạnh mẽ trong Chỉ thị 16/CT-TTg.

Việc cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg là giải pháp rất quyết liệt, mạnh mẽ, lần đầu tiên được áp dụng ở nước ta và trước mắt sẽ được áp dụng đến ngày 15/4.

Về vấn đề cách ly xã hội, đây là giải pháp căn cơ, rất quan trọng để làm sao giữ được khoảng cách giữa người với người, giữa cộng đồng với cộng đồng. Đặc biệt Chỉ thị 16/CT-TTg yêu cầu chứ không chỉ là khuyến cáo người dân phải ở nhà. Chỉ thị cũng yêu cầu đóng tất cả cửa hàng không thiết yếu, dừng vận tải công cộng, quy định cự ly tiếp xúc giữa người với người là 2m...

Đây là giải pháp mạnh mẽ chưa từng có tiền lệ. Trong khi chúng ta chưa đến mức phải công bố tình trạng khẩn cấp về y tế, chưa đến mức công bố thiết quân luật hay phong tỏa, việc ta làm tốt cách ly xã hội thì sẽ ngăn được dịch Covid-19 lan ra cộng đồng và lây chéo. Việc cách ly có thể phát hiện mầm mống của ổ dịch, phát hiện ca nhiễm mới sẽ xử lý và khoanh vùng luôn.

Đây là giải pháp được nhân dân và chính quyền các cấp ủng hộ và thực hiện tốt. Có sự tham gia tích cực của Bộ Quốc phòng, Y tế, Công an và các bộ khác. Tôi thấy rằng nhiều địa phương vào cuộc mạnh, đưa ra các giải pháp mạnh mẽ như: Thiết lập chốt kiểm tra thân nhiệt, test nhanh để kiểm tra nhiễm Covid-19, rà soát các đối tượng nhập cảnh vào Việt Nam chưa khai báo...

Nhưng một số nơi, người dân còn lơ là, coi thường việc cách ly xã hội. Tôi cho rằng thế là không được vì rất nguy hiểm. Phải thống nhất giữ khoảng cách. Như vậy mới vừa phòng chống dịch tốt vừa bảo đảm phát triển kinh tế và đời sống.

Quan điểm của Thủ tướng là tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg để kiểm soát chặt. Thủ tướng cũng yêu cầu địa phương thực thi nghiêm, đồng thời phê bình, nhắc nhở các địa phương còn để xảy ra tụ tập đông người.

Thủ tướng cũng giao cơ quan chức năng điều tra làm rõ, xử lý nghiêm hành vi tung tin sai sự thật, hành hung, chống người thi hành công vụ liên quan đến nhiệm vụ phòng, chống dịch hay hành vi tái chế khẩu trang để kiếm lời bất chính...

Một số tỉnh có văn bản yêu cầu cách ly người đến từ Hà Nội, TP HCM; có nơi cấm người dân từ Hà Nội, TP HCM đến địa phương mình; TP Hạ Long (Quảng Ninh) chỉ đạo nêu tên người đi chợ quá hai lần/ngày... Điều này ảnh hưởng rất lớn đến người dân. Vậy Chính phủ nhìn nhận gì về hiện tượng này, thưa ông?

- Chúng ta phải nhìn dưới hai góc độ. Thứ nhất là Chỉ thị 16/CT-TTg có những việc chưa có tiền lệ. Thứ hai là một số địa phương đau đáu quyết tâm ngăn ngừa dịch, vì vậy khái niệm “thôn cách ly thôn, xã cách ly xã”… thì địa phương cho rằng quản lý chia nhỏ theo địa phận ở địa phương.

Cho nên một số địa phương có điểm tích cực khi đưa ra nhiều giải pháp mạnh, sáng tạo, như Hà Nội thành lập các trạm kiểm soát đo thân nhiệt, test nhanh kiểm tra người nhiễm bệnh, phân vùng tìm người liên quan đến ổ dịch BV Bạch Mai...

Đến khi Thủ tướng công bố dịch thì có địa phương cho rằng Hà Nội và TP HCM có số ca nhiễm lớn nên cho đây là vùng dịch. Người ở Hà Nội và TP HCM khi về địa phương thì phải cách ly 14 ngày và tự trả chi phí cách ly. Bên cạnh đó, cũng có vấn đề các xe vận tải hàng hóa không được vào thì không có nguyên liệu sản xuất... 

Sau khi có những chuyện như vậy, Thủ tướng giao VPCP thông báo ý kiến của Thủ tướng để giải thích, hướng dẫn rõ hơn Chỉ thị 16/CT-TTg. 

Sau khi có văn bản này và cũng qua các cơ quan báo chí thông tin nên các địa phương hiểu rõ hơn. Cụ thể là không được “ngăn sông, cấm chợ”, không được làm các rào cản giao thông trên đường vì như vậy sẽ làm đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chỉ dừng vận tải công cộng còn xe vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu phải hoạt động phục vụ sản xuất kinh doanh, phục vụ hàng hóa cho thị trường, người dân.

Tôi cho rằng “cách ly xã hội” là việc chưa có thông lệ nên còn cách hiểu khác nhau, nhưng sau khi có văn bản hướng dẫn và báo chí thông tin thì đến nay cơ bản địa phương đều đồng tình. Tại phiên họp Thường trực Chính phủ ngày 6/3, Thủ tướng nói các địa phương phải nghiên cứu, thực hiện đúng quy định của pháp luật, tạo thuận lợi cho người dân.

Thủ tướng đã đưa ra hai thông điệp: Nếu làm tốt cách ly trong xã hội thì sẽ không có đỉnh dịch ở Việt Nam và sự chấp hành của người dân là yếu tố quan trọng nhất. 

Thủ tướng đã yêu cầu chuẩn bị nhanh tất cả các kịch bản để chuẩn bị cho làn sóng thứ 2 lây nhiễm Covid-19 mà nhiều nước đang phải đối phó. Ông có thể cho biết có kéo dài cách ly xã hội qua ngày 15/4 hay không?

- Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 6/3, Thủ tướng đã kết luận phải duy trì và thực hiện nghiêm cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, thời điểm cách ly xã hội vẫn duy trì từ ngày 1-15/4 và coi đây là giải pháp rất căn cơ, quan trọng. 

Thủ tướng cũng nhấn mạnh Chính phủ có thể sẽ xem xét nới lỏng, gỡ bỏ từ từ biện pháp này hoặc quyết định tiếp tục thực hiện từ sau ngày 15/4 tùy diễn biến dịch bệnh.

Như vậy, đến ngày 15/4, nếu còn phát sinh ổ dịch nào đó thì không thể dừng thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, lúc đó phải tùy tình hình để đưa ra phương án ứng phó kịp thời. Hiện nay chưa thể nói trước gì cả việc kéo dài thời gian cách ly xã hội hay không.

Xin cảm ơn ông!

Trả lời báo chí, TS Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), nhận định chỉ thị của Thủ tướng và văn bản hướng dẫn của VPCP về cách ly xã hội đã nêu “những giải pháp cụ thể và cần thiết”. 

Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng khi các tỉnh, thành xử phạt người dân với lý do “ra khỏi nhà không vì lý do thiết yếu”... thì phải nêu rõ căn cứ pháp luật và điều khoản liên quan, bao gồm mức phạt, thẩm quyền xử phạt.

Theo ông Sơn, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định hai cấp độ là “công bố dịch” và “ban bố tình trạng khẩn cấp”. Hiện Việt Nam đang ở giai đoạn “công bố dịch” và áp dụng “cách ly xã hội”.

Các địa phương chỉ được quyền đưa vào cơ sở tập trung những người từ nước ngoài về (ví dụ từ châu Âu hoặc các nước ASEAN), người nghi nhiễm bệnh và người đến từ vùng dịch trong nước, được hiểu là các khu dân cư bị phong toả, đã có lệnh cách ly y tế như Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) trước đây, hoặc Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội) hiện nay. 

“Như vậy, biện pháp tỉnh, thành này cách ly tập trung tất cả những người từ tỉnh, thành khác đến và bắt buộc người dân nộp phí, là chưa phù hợp với giai đoạn hiện nay. Vì như vậy cả nước sẽ rơi vào tình trạng như bị phong toả, trong khi Chính phủ chưa yêu cầu phong tỏa”, ông Sơn nói.

Ngoài ra, với quy định hiện hành, người cách ly được miễn phí trong thời gian tập trung 14 ngày (ngoại trừ trường hợp cách ly tại khách sạn), việc thu phí cách ly lúc này với người đến từ Hà Nội, TP HCM là không có căn cứ và tạo sự phân biệt. Chính vì vậy, mới đây Thủ tướng đã yêu cầu các tỉnh, thành “cân nhắc thận trọng việc thu phí cách ly đối với người đến từ các địa phương trong nước”. 

“Tôi hiểu tinh thần “cách ly xã hội” là giãn cách, hạn chế tập trung đông người song không ngăn cấm việc đi lại của người dân. Nếu công dân khoẻ mạnh đi giao dịch, sản xuất mà ai cũng bị cách ly 14 ngày thì sản xuất sẽ bị đình trệ”, ông Sơn phân tích thêm và cho rằng, việc lập chốt kiểm soát y tế trên địa bàn là cần thiết, nhưng không nên cực đoan cách ly tất cả người từ địa phương khác đến. 

Đồng quan điểm, một LS thuộc Đoàn LS TP HCM cho rằng, các địa phương thực thi biện pháp chống dịch cần bám sát nội dung chỉ thị của Thủ tướng; nếu nội dung nào chưa hiểu rõ thì xin ý kiến VPCP hướng dẫn. “Như vậy sẽ tránh tình trạng mỗi nơi hiểu theo cách riêng và thực hiện không thống nhất trên toàn quốc”, LS này nói.

Đọc thêm