Một số địa phương tùy tiện sử dụng các biện pháp trong chống dịch: Trung ương cần có hướng dẫn cụ thể

(PLVN) - Sau hai số báo liên tiếp PLVN phản ánh một số địa phương bị chuyên gia pháp lý đánh giá tùy tiện khi sử dụng các biện pháp kiểm soát, xác định vùng dịch, thu tiền người bị cách ly… sự việc thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Lãnh đạo hai tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam đã có trả lời PV về vấn đề, và những trả lời này tiếp tục bị phản bác, đánh giá thiếu căn cứ pháp lý. 
Một chốt chặn kiểm soát tại Quảng Nam
Một chốt chặn kiểm soát tại Quảng Nam

Quảng Nam tự nhận “nhân văn” khi không phạt người về quê

Tối 6/4, BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Nam đã phát đi thông tin về việc từ 1/4 đến 15/4, trừ trường hợp đến Quảng Nam theo yêu cầu công vụ, những người khác từ Hà Nội và TP HCM  phải chấp hành việc cách ly tập trung 14 ngày có thu phí tiền ăn, xét nghiệm… Những khu cách ly có kinh phí xã hội hóa sẽ được miễn giảm một phần.  

Tại Đà Nẵng, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ký công văn yêu cầu tổ chức cách ly y tế tập trung có thu phí với công dân rời khỏi Hà Nội và TP HCM từ ngày 5/4 đến Đà Nẵng (kể cả người Đà Nẵng sinh sống, làm việc, học tập tại hai địa phương trên) tại các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn TP. Thời gian cách ly 14 ngày kể từ ngày rời khỏi Hà Nội hoặc TP HCM. Về thu phí cách ly, văn bản nêu: “Thu phí ăn, sinh hoạt theo quy định hiện hành. Tiền ở theo chi phí của cơ sở cách ly tập trung”.

Phó Chủ tịch UBND Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho rằng chủ trương này của Đà Nẵng “thực hiện đúng các quy định về phòng, chống dịch bệnh trong tình trạng hiện nay, cách ly với người từ vùng dịch cần thiết. Các trung tâm cách ly ở Đà Nẵng không hề thu tiền ở, chi phí sinh hoạt, chỉ thu tiền ăn, tức người dân đến ở và ăn uống, phải tự chi trả chi phí này”. 

Ông Chinh cho rằng: “Nói đến việc thu phí, đó là cách dùng từ. Ở đây tiền ăn mà người dân bị cách ly sử dụng tại cơ sở cách ly và cần chi trả cho cơ sở cách ly để tổ chức người phục vụ”.

Vẫn lời ông Chinh: “Thật sự có thu tiền cũng không bao nhiêu so với chi phí bỏ ra để phòng, chống dịch. Nhưng đó để thể hiện trách nhiệm và nâng cao ý thức mỗi người dân với công tác phòng, chống dịch của địa phương nói riêng và của cả nước nói chung, ai ở nơi nào ở yên chỗ đó”.

Tại Quảng Nam, ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế, người phát ngôn BCĐ nói: “Chỉ thị 16 của Thủ tướng nêu rõ, thực hiện cách ly xã hội, cách ly xã với xã, huyện với huyện, tỉnh với tỉnh. Dừng việc di chuyển từ vùng có dịch đến các địa phương khác trừ một số trường hợp. Vùng có dịch hiện nay được xác định Hà Nội và TP HCM, nơi có 2 ổ dịch lớn và đã lây lan nhiều ra cộng đồng”.  

Vẫn lời ông Hai: “Theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự, những người từ vùng dịch này cố ý đi đến địa phương khác sẽ bị xử phạt hành chính hoặc đến mức nguy hiểm phải xử lý hình sự. Người dân Quảng Nam từ Hà Nội và TP HCM về quê sau ngày 1/4 là vi phạm. Do họ về từ vùng dịch và có nguy cơ mang theo mầm bệnh nên phải bị cách ly. Mặt khác, do họ vi phạm và nằm ngoài kế hoạch đã được phê duyệt của tỉnh nên không thể lo cho họ toàn bộ các khoản chi phí tại nơi cách ly như những trường hợp bình thường khác. Và tỉnh “nhân văn”, không xử phạt hành chính nhưng phải đưa vào khu cách ly”. 

Mục đích của Quảng Nam, Đà Nẵng là tốt, nhưng một số biện pháp bị cho là sai luật
Mục đích của Quảng Nam, Đà Nẵng là tốt, nhưng một số biện pháp bị cho là sai luật 

“Trả lời không có căn cứ pháp lý”

Đánh giá về những lý giải trên, LS Nguyễn Hoài Nghĩa (Đoàn LS TP HCM, Công ty Luật TNHH Hãng luật Châu Đại Dương), nhận định: “Những trả lời trên của ông Chinh và ông Hai đều không có căn cứ pháp lý”.

Theo LS Nghĩa: “Các bài viết trước đây, PLVN đã dẫn ra căn cứ pháp luật cụ thể từ xác định thế nào là vùng có dịch, ổ dịch và các biện pháp cách ly, ngân sách thực hiện việc cách ly. Các VBQPPL hiện hành trong công tác phòng chống dịch Covid-19 là Luật Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm (PCDBTN) 2007, Nghị quyết 37/NQ-CP về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 Chính phủ ban hành ngày 29/3/2020. Còn Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 là khuyến cáo, hướng dẫn cho các địa phương chứ không phải VBQPPL. Nội dung trong Chỉ thị 16 cũng không trái với Luật Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm và NQ37. 

Các địa phương cần đồng thời áp dụng các VBQPPL nêu trên trong công tác phòng chống dịch Covid-19, chứ không thể nại lý do chỉ lấy Chỉ thị 16 ra để thực hiện sai, tùy tiện. Tôi xin nhắc lại, chống dịch phải đúng luật”.

LS Nghĩa phân tích sự thiếu căn cứ pháp lý thể hiện trong trả lời của PCT Đà Nẵng và GĐ Sở Y tế Quảng Nam. Thứ nhất, nói TP HCM và Hà Nội là “vùng có dịch” nên phải thực hiện cách ly là không có cơ sở pháp lý. Tại Điều 2 Luật PCDBTN nêu rõ: “Vùng có dịch là khu vực được cơ quan có thẩm quyền xác định có dịch”, vùng có nguy cơ dịch là “khu vực lân cận với vùng có dịch hoặc xuất hiện các yếu tố gây dịch”.

“Có hai yếu tố cấu thành để kết luận TP HCM, Hà Nội là “vùng có dịch”. Phải có nhiều người nhiễm bệnh hoặc phát sinh nguồn lây nhiễm; phải được cơ quan thẩm quyền đưa ra quyết định (BCĐ chống dịch cấp quốc gia, Bộ Y tế hoặc Chính phủ). Đến thời điểm này, chưa có bất cứ quyết định, văn bản nào nói TP HCM, Hà Nội là “vùng có dịch”. Trên thực tế, TP HCM, Hà Nội, có thể được hiểu là vùng có nguy cơ dịch vì có một số nơi là ổ dịch như quán Bvddha, BV Bạch Mai. Nhưng vẫn chưa có quyết định, công bố nên cũng không thể quy chụp được”, lời LS Nghĩa.

Thứ hai, việc áp dụng biện pháp cách ly, cách ly tập trung phải tuân thủ theo hướng dẫn, chỉ đạo của BCĐ chống dịch cấp quốc gia. “Trả lời như ông Chinh là lòng vòng khó hiểu. Chi phí cho chống dịch bao gồm nhiều thứ như y tế, đội ngũ hỗ trợ, thuê mướn, mua sắm, trong đó có cả tiền ăn cho người bị cách ly bắt buộc. NQ37 đã nói rõ về tiền ăn cho người cách ly bắt buộc và nguồn chi trả cho chi phí đó. Nếu đã bị cách ly bắt buộc thì người bị cách ly phải chi trả một đồng cũng là bị thu tiền và không đúng luật. Quy định về thu phí cách ly (bao gồm tất cả các khoản) phải được áp dụng thống nhất, công bằng với tất cả những người trong diện cách ly và phải theo Luật PCDBTN, NQ37”, LS Nghĩa nói.

Nếu địa phương cho rằng là khẩn cấp, nên tự áp dụng cách ly thì đã có báo cáo BCĐ chống dịch cấp quốc gia và Thủ tướng để xin ý kiến phê chuẩn, chấp thuận hay không? “Thực hiện việc thu chi không theo Luật PCDBTN và NQ37 thì thực hiện hạch toán các khoản này như thế nào? Áp dụng Luật ngân sách, hay chế độ thu phí, lệ phí do HĐND ban hành? Căn cứ pháp lý nào cho việc áp dụng và thực hiện các khoản thu này? Các địa phương không có căn cứ pháp lý để áp dụng”.

Kiểm tra thân nhiệt người vào Quảng Nam tại một chốt kiểm soát (Hình: Vũ Vân Anh)
Kiểm tra thân nhiệt người vào Quảng Nam tại một chốt kiểm soát (Hình: Vũ Vân Anh) 

TW cần phải có hướng dẫn cụ thể

Phản bác những “căn cứ” ông Chinh và ông Hai đưa ra, LS Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM) cũng chỉ ra một số vấn đề khác.

“Ông Hai cho rằng “Theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự, những người từ vùng dịch này cố ý đi đến địa phương khác sẽ bị xử phạt hành chính hoặc đến mức nguy hiểm phải xử lý hình sự”. Nhưng Hướng dẫn số 45 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao mới đây là xử lý hình sự người trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối. Và các hành vi này phải được thực hiện bởi người đến từ vùng có dịch, có quyết định đưa đi cách ly đúng luật nhưng họ không tuân thủ, và hậu quả là làm cho có người bị nhiễm bệnh do họ lây lan sang. Ở đây, ngay ở điều kiện đầu tiên là “vùng có dịch” đã không thỏa mãn thì làm sao đòi xử lý hình sự được”, LS Hiệp nói.

“Còn vấn đề nữa, sau khi có Chỉ thị 16, nhiều địa phương đã hiểu nhầm nên phong tỏa các ngả đường, không cho ra vào. Thủ tướng đã giải thích rõ “cách ly xã hội” là sự giãn cách xã hội, không phải là “ngăn sông, cấm chợ”. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể và Công văn 1601 của VPCP đã giải thích rõ Chỉ thị 16 không “ngăn sông, cấm chợ”, chỉ hạn chế người dân đi lại và phải khai báo y tế. Thế nhưng, một số địa phương vẫn áp dụng sai. Theo tôi, BCĐ chống dịch cấp quốc gia cần phải có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng để áp dụng các quy định cho thống nhất, tránh sai luật, để công cuộc chống dịch hiệu quả hơn”, LS Hiệp nói.

Sau khi những biện pháp của Đà Nẵng và Quảng Nam được công bố, một người lưu trú tại TP HCM bày tỏ: “Việc cách ly tập trung với người từ những nước đang có dịch thì được, vì mình không kiểm soát hết tình hình. Còn ở Việt Nam, những người có nguy cơ lây nhiễm, đã được cách ly ngay từ khi còn ở TP rồi, chứ đâu có đợi tới khi về Quảng Nam hay Đà Nẵng mới bị cách ly. Cách làm này chỉ gây thêm phiền phức và tốn kém. Hơn nữa, thời điểm nay đa phần dân lao động phổ thông, người khó khăn. Việc thu phí cách ly trở nên mất tính nhân văn, không công bằng với những người trước đó được miễn phí hoàn toàn, thậm chí người nước ngoài ở khách sạn 3-4 sao, vẫn không phải trả tiền”.

Một người dân sống tại Hà Nội cho biết, người dân về quê không phải vì sợ dịch, mà vì được nghỉ việc, thời gian dôi dư nhiều: “Đừng làm như ai cũng muốn mang bệnh về nhà vậy. Nếu không liên quan đến vùng dịch như BV Bạch Mai, nên về nhưng để đảm bảo an toàn, tự cách ly tại nhà chứ không nhất thiết phải đưa đi cách ly tập trung”.