Vẫn sửa, hủy án do nguyên nhân chủ quan

(PLVN) - Trong kỳ báo cáo công tác năm 2021 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Nhưng vẫn còn trường hợp phải hủy án (chiếm 0,42%) và sửa án (chiếm 0,18%) do nguyên nhân chủ quan.
Các đại biểu Quốc hội dự phiên làm việc toàn thể ngày 23/10.
Các đại biểu Quốc hội dự phiên làm việc toàn thể ngày 23/10.

Trình bày Báo cáo công tác năm 2021, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã nêu rõ những kết quả nổi bật đạt được, trong đó một số mặt công tác quan trọng hoàn thành với chất lượng cao. Kết quả này là đáng ghi nhận trong bối cảnh vụ việc tăng, biên chế giảm, yêu cầu cao, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường nên đã có những khó khăn nhất định.

Bên cạnh các kết quả nêu trên, hoạt động của các Tòa án còn tồn tại một số hạn chế, thiếu sót. Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm công tác Toà án trong thời gian tới là: Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp; Triển khai nghiên cứu và thực hiện có hiệu quả Đề án cải cách tư pháp trong Tòa án nhân dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền. Tổng kết thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 để kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật đáp ứng yêu cầu của tình hình mới…

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác năm 2021.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác năm 2021.

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cơ bản tán thành với đánh giá của Tòa án nhân dân tối cao về những kết quả đạt được và nhận thấy, năm 2021, các Tòa án nhân dân đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, nên chất lượng xét xử các loại án và nhiều chỉ tiêu công tác khác đạt và vượt yêu cầu của Quốc hội giao.

Mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng lớn đến công tác xét xử, song số vụ án hình sự đã xét xử đạt 81,23% cho thấy nỗ lực rất lớn của Tòa án nhân dân các cấp.

Đặc biệt, trong kỳ báo cáo chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Các Tòa án nhân dân đã khẩn trương đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ án về kinh tế-tham nhũng, đồng thời chú trọng áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản và vận động người phạm tội tự nguyện nộp tài sản đã chiếm đoạt.

Tuy nhiên, chất lượng công tác này vẫn còn một số hạn chế. Tỷ lệ xét xử án hình sự giảm 8,2% về số vụ so với năm trước, chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao (nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nên nhiều vụ án không thể mở được phiên tòa theo kế hoạch). Vẫn còn trường hợp phải hủy án (chiếm 0,42%) và sửa án (chiếm 0,18%) do nguyên nhân chủ quan.

Trong xét xử, giải quyết các vụ, việc dân sự, tỷ lệ giải quyết, xét xử là 78,97%, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Tỷ lệ giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, hòa giải thành và hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đều đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội. Không có vụ án hành chính nào để quá thời hạn xét xử do nguyên nhân chủ quan. Đã khắc phục căn bản việc có văn bản trả lời đơn là không có căn cứ kháng nghị, nhưng sau đó người có thẩm quyền lại kháng nghị để giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.

Nhưng chất lượng các công tác trên còn một số hạn chế. Đáng chú ý, tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các loại án mới đạt 55,45%, chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội giao (là trên 60%).

Ủy ban Tư pháp đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, đặc biệt là có giải pháp mạnh mẽ đẩy nhanh tiến độ và nâng cao tỷ lệ giải quyết các vụ án hình sự, hành chính, bảo đảm đạt chỉ tiêu Quốc hội giao; tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các vi phạm trong công tác xét xử, hạn chế việc Viện kiểm sát nhân dân phải ban hành các kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm.

Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án nhân dân cấp cao cần khẩn trương có các giải pháp triệt để, đột phá và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm tạo ra sự chuyển biến thực sự cho công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, phấn đấu trong năm 2022 đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội. Tiếp tục chỉ đạo việc tổ chức, thực hiện các quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án để nâng cao số lượng các vụ việc hòa giải, đối thoại thành…

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID-19 và các yêu cầu của phòng, chống dịch, Tòa án nhân dân đưa ra xét xử kịp thời và áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm pháp luật hình sự liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Các Tòa án nhân dân đã thụ lý 144 vụ với 187 bị cáo liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đã xét xử 136 vụ với 177 bị cáo.

Đọc thêm