Vấn vương măng xào lá lốt

(PLO) -Cơn mưa chiều nay nhẹ nhàng trút nước làm dịu đi cái nắng oi ỏi. Góc nhỏ quán ăn quen thuộc dường như lặng lẽ hơn thường ngày. 
Vấn vương măng xào lá lốt

Đón đĩa cơm từ tay cô chủ quán, một mùi hương rất đỗi thân thương khơi dậy tất cả giác quan: Chao ôi, măng xào lá lốt! Người con xa quê như tôi, mỗi độ thu về được thưởng thức các món từ măng thì chẳng thể nào giấu nổi cảm xúc nhớ quê cồn cào.

Những ngày này có lẽ mấy gốc tre già đã bật lên những mầm măng tràn đầy sức sống. Chỉ cần một chiều vòng ngõ tre quanh xóm là dễ dàng hái được những đọt măng trắng mũm mĩm gần bằng cổ tay em bé. Thật không ngoa khi nói măng là “kẻ dễ tính”, bởi có thể kết hợp nhiều nguyên liệu thành món ngon.

Thế nên, cứ đến mùa măng, bếp nhà nào cũng chộn rộn, “nức mũi” với các món canh chua, kho cá, um thịt… Đặc biệt, người có “nghề” trong chuyện bếp núc thường bỏ túi món măng xào lá lốt, vừa là món ngon sướng miệng mà còn là vị thuốc dân gian giải nhiệt, tan biến mỏi mệt…

Măng xào lá lốt tuy dân dã, dễ làm nhưng để “động chạm” tới trái tim người thưởng thức phải khéo léo. Măng mang về lấy phần non, cho vào nồi thêm một tí muối, luộc chừng mươi phút, chắt bỏ nước đầu rồi đổ nước khác vào, tiếp tục làm như thế thêm hai lần nữa mới hết mùi hăng. Măng chín tới, thử đọt măng không đắng, có vị ngọt là trút ra, chẻ nhỏ vừa ăn, vắt ráo.

Công đoạn tiếp theo khử dầu xào măng. Đun nóng dầu phụng, phi thơm hành tím đã xắt nhỏ. Cho măng vào xào chừng vài phút, hạ nhỏ lửa rồi nêm các loại gia vị nước mắm, hạt nêm, đường… Măng chín, thấm gia vị, nhanh tay cho lá lốt vào, đảo đều rồi tắt bếp. Đến khi vài cọng rau thơm, ít tiêu rừng giã nhuyễn được điểm lên trên đĩa măng xào nóng hổi cũng là lúc bao nhiêu tinh túy của đồng quê đã quyện chặt vào trong món ăn rồi.

Chiều nay, thu bắt đầu về trên phố, ru lòng những người xa quê như tôi chỉ đơn giản bằng một đĩa cơm vấn vương hương măng.

Đọc thêm