Vàng ghi dấu một tuần giảm mạnh nhất trong vòng 1 tháng qua

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới đứng ở mức 1.763,10 USD/ounce. Đây là mức sụt giảm mạnh nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 18/6. Nhìn chung, cả tuần qua, giá vàng thế giới đã để mất 2,97%. Trong khi đó, giá vàng trong nước cũng không mấy khả quan khi đánh mất 380.000 đồng/lượng.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Tại thị trường vàng trong nước, chốt phiên giao dịch cuối tuần:

Giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - chi nhánh Hà Nội được niêm yết ở mức 56,30-57,02 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giảm 250.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với mở đầu phiên giao dịch ngày 7/8. Chênh lệch giá mua-bán vàng là 720.000 đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng SJC của Tập đoàn Phú Quý đang ở mức 56,40-57,30 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giảm 300.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 200.000 đồng/lượng chiều bán ra so với mở đầu phiên giao dịch ngày 7/8. Chênh lệch giá mua - bán vàng 900.000 đồng/lượng.

Còn tại Tập đoàn DOJI, giá vàng niêm yết ở mức 56,35-57,80 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giữ nguyên mức giá cả 2 chiều mua vào và bán ra so với mở đầu phiên giao dịch ngày 7/8. Chênh lệch giá mua – bán vàng 1,45 triệu đồng/lượng.

Tuần qua, giá vàng trong nước ghi nhận một tuần giảm nhiều hơn tăng. Cụ thể, mở phiên đầu tuần 2/8, giá vàng trong nước tăng 200 nghìn đồng/lượng. Sau đó, các doanh nghiệp giữ nguyên mức giá niêm yết trong sáng 3/8.

Sang sáng 4/8, giá vàng trong nước chuyển tăng nhẹ 50 nghìn đồng/lượng và giao dịch ở mức 57,4 triệu đồng/lượng. Đến sáng 5/8, giá vàng đảo chiều, giảm mạnh nhất trong tuần với mức 400 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra. Cho tới ngày cuối tuần, giá vàng giảm mạnh. Tính chung cả tuần, giá vàng trong nước giảm 380 nghìn đồng/lượng ở chiều bán.

Tại thị trường vàng thế giới (chốt phiên giao dịch cuối tuần): giá vàng được niêm yết ở mức 1.763,10 USD/ounce, giảm 9,3 USD/ounce so với phiên giao dịch trước đó. Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank (23.030), tương đương 49,47 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 7,55 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới tuần qua ghi nhận một tuần với hai phiên tăng nhẹ và ba phiên giảm khá lớn.

Trong phiên đầu tuần 2/8, giá vàng đi lên do ảnh hưởng từ sự suy yếu của đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, xu hướng đầu tư vào các kênh rủi ro gia tăng đã hạn chế phần nào đà khởi sắc của giá vàng, vốn được coi là nơi trú ẩn an toàn. Phiên này, giá vàng kỳ hạn Mỹ tăng 0,3%.

Sang phiên 3/8, giá vàng thế giới giảm 0,44% khi các chỉ số chứng khoán Mỹ lên điểm. Giá vàng cũng chịu sức ép khi Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo cho thấy số đơn đặt hàng của các nhà máy tại nước này vượt dự báo, tăng 1,5% trong tháng 6, sau khi tăng 2,3% trong tháng 5.

Số liệu việc làm ở khu vực tư nhân của Mỹ yếu hơn dự kiến đã nâng đỡ giá vàng phần nào trong phiên 4/8. Tuy nhiên, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành dịch vụ Mỹ trong tháng 7/2021 đạt mức cao nhất từ trước đến nay đã làm hạn chế phần nào mức tăng của giá vàng. Kim loại quý này chỉ nhích thêm 0,02% trong phiên này.

Giá vàng thế giới quay đầu giảm 0,3% trong phiên 5/8, sau khi những bình luận của một quan chức Fed củng cố đồn đoán cơ quan này sẽ sớm cắt giảm chương trình mua tài sản.

Giá vàng phiên 6/8 đã trượt xuống mức thấp nhất trong hơn 1 tháng, sau khi báo cáo việc làm mới nhất của Mỹ nâng cao kỳ vọng Fed có thể bắt đầu giảm dần các biện pháp hỗ trợ kinh tế sớm hơn so với dự kiến trước đây. Phiên này, giá vàng Mỹ giao tháng 12/2021 giảm tới 45,8 USD, tương đương 2,5% và chốt phiên ở mức 1.763,10 USD/ounce. Đây là mức giảm theo ngày cao nhất kể từ ngày 17/6 và là lần đầu tiên kể từ ngày 28/7 giá vàng chốt phiên dưới ngưỡng 1.800 USD/ounce.

Với mức giảm sâu ghi nhận trong phiên 6/8, giá vàng cả tuần qua đã để mất 2,97%. Điều này đánh dấu sự sụt giảm hàng tuần mạnh nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 18/6.

Đọc thêm