Vàng SJC cao hơn giá vàng thế giới trên 10 triệu đồng/lượng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời điểm hiện tại, thị trường vàng trong nước đang chứng kiến mức chênh lệch cao chót vót của giá vàng SJC so với thế giới trên 10 triệu đồng/lượng.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại thị trường vàng trong nước, giao dịch lúc 8h sáng nay:

Giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - chi nhánh Hà Nội được niêm yết ở mức 61,05-61,82 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giảm 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và giữ nguyên mức giá chiều bán ra so với mở đầu phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua-bán vàng là 770.000 đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng SJC của Tập đoàn Phú Quý đang ở mức 61,10-61,80 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Tăng 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và giữ nguyên mức giá chiều bán ra so với mở đầu phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua - bán vàng 700.000 đồng/lượng.

Còn tại Tập đoàn DOJI, giá vàng niêm yết ở mức 61-61,70 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Tăng 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và giữ nguyên mức giá chiều bán ra so với mở đầu phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua – bán vàng 700.000 đồng/lượng.

Tại thị trường vàng thế giới (cùng giờ Việt Nam): giá vàng được niêm yết ở mức 1.860,30 USD/ounce, tăng 1,8 USD/ounce so với giao dịch trước đó. Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank (22.755), tương đương 51,57 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước 10,2 triệu đồng/lượng.

Theo các nhà phân tích, mối đe dọa lạm phát ngày càng gia tăng đã làm thay đổi tâm lý trên thị trường vàng. Hiện tại, các quỹ đầu cơ đang ồ ạt mua vào kim loại quý để bảo vệ tài sản.

Ông Carlo Alberto De Casa, nhà phân tích tại công ty chuyên giao dịch vàng vật chất Kinesis Money (Liechtenstein) cho biết, các nhà đầu tư lo sợ lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát và mua vàng để phòng ngừa rủi ro.

Trong khi đó, lạm phát tại Anh tháng 10 tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là mức tăng lớn nhất trong một thập kỷ qua. Điều này càng củng cố nhận định Ngân hàng Trung ương nước này sẽ tăng lãi suất vào tháng 12 tới.

Theo ông De Casa, việc tăng lãi suất vẫn là một rủi ro tiềm ẩn đối với vàng và kim loại này chỉ có sự bứt phá rõ ràng lên trên mốc 1.875 USD/ounce mới có thể thúc đẩy mức tăng giá thêm. Lãi suất cao hơn làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng không chịu lãi suất. Diễn biến đó khiến kim loại quý trở nên đắt đỏ đối với người mua sử dụng các đồng tiền khác.

Giá vàng trong nước ngày càng nâng cao khoảng cách với vàng thế giới, các chuyên gia cho rằng, yếu tố tâm lý từ nhà đầu tư và doanh nghiệp đang góp phần khiến giá vàng SJC tăng sốc. Vì ai cũng kỳ vọng giá vàng còn tăng tiếp trong bối cảnh lạm phát ở Mỹ lên mức cao nhất trong 30 năm qua; lạm phát ở Việt Nam trong năm 2022 cũng dự báo tăng và giá vàng thế giới hướng đến vùng 1.900 USD/ounce.

Trao đổi với báo chí, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), nhận định chênh lệch giá vàng SJC với thế giới đã xuất hiện từ nhiều năm qua do cơ chế quản lý vàng của Ngân hàng Nhà nước không cấp phép cho bất kỳ doang nghiệp nào nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng hoặc tăng nguồn cung vàng SJC cho thị trường.

Vàng miếng SJC ngày càng hiếm. Vì vậy, khi lực cầu tăng lên mà cung không có thì giá cao là khó tránh.

VGTA từng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét có thể sản xuất thêm một lượng vàng miếng để cung ứng ra thị trường nhằm cân bằng cung cầu, tránh xảy ra hiện tượng sốt giá vàng khi giá thế giới tăng - giảm mạnh. Đồng thời, cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các DN để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ… Nếu không tăng cung, cách biệt giữa giá vàng SJC và giá thế giới, kể cả các loại vàng trang sức khác cũng rất khó thu hẹp - ông Huỳnh Trung Khánh nhìn nhận.

Để tránh rủi ro giá vàng SJC biến động mạnh và đột ngột đảo chiều, các chuyên gia vàng khuyến cáo nhà đầu tư tham gia thị trường cần thật cẩn trọng.