“Vé” vào cổng Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh có giá 60-65 triệu đồng |
“Cẩm nang” cho người “chạy” trường
Đáp lại, phóng viên thắc mắc: “Tại sao phải ôn luyện khi đã “chạy” trường?”.
Thuyên giải thích: “Thứ nhất, chú phải biết một chút kiến thức để sau này vào phòng thi, lúc người ta sắp xếp cho chú nhìn bài người bên cạnh thì chú còn biết đường mà chép. Thứ hai, lỡ thanh tra về làm gắt thì chí ít chú cũng phải làm được một phần đơn giản nào đó để tránh bị điểm liệt (0 điểm - PV). Nếu dính điểm liệt ở phần thi văn hóa, chú sẽ không thể đậu dù tổng điểm các môn có cao hơn mức điểm chuẩn. Ngoài ra, chú cũng phải biết một số nội dung thi năng khiếu xem người ta thi cái gì, thực hiện động tác ra sao để đến lúc vào thi mình không bị mù tịt về năng khiếu. Như vậy, người ta cũng không quá ngán ngẩm khi cho chú điểm cao...”.
Cũng theo lời Thuyên, trong phần thi năng khiếu, phóng viên chắc chắn sẽ đạt điểm cao vì ở phần thi này, người của Thuyên đã trực tiếp “làm việc” với ê-kíp cán bộ coi thi, chấm điểm. Đây là phần thi có số điểm nhân hệ số 2, thế nên chỉ cần phóng viên tránh bị điểm liệt trong các môn thi văn hóa là đỗ 100%!
Khi phóng viên bày tỏ cái sự học dốt của mình với Thuyên, anh ta lập tức trấn an: Phần thi văn hóa gồm 2 môn, Sinh học và Toán học. Sẽ có hai khả năng xảy ra, hoặc thí sinh của Thuyên được giám thị coi thi đưa bài giải sẵn cho chép, hoặc thí sinh sẽ được sắp xếp ngồi cạnh một thí sinh biết làm bài để... chép bài của thí sinh này!
“Thế nên chú cứ yên tâm!” - Thuyên kết lại gọn lỏn.
Đầu tháng 6/2011, Thuyên cho phóng viên số điện thoại 09121895xx của một người tên Hưng để phóng viên liên lạc khi đến Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh đăng ký ôn thi. Theo giới thiệu của Thuyên, Hưng là Phó chủ nhiệm một bộ môn trong trường đại học này.
Thẻ dự thi của PV |
“Né hạ” chuyện ôn thi
Sau đó, phóng viên chủ động nhắn tin qua điện thoại di động cho Hưng với nội dung: “Em là Phước, người được anh Thuyên lo cho việc chạy vào Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh. Anh Thuyên nói em liên hệ với anh”.
Tin nhắn trên được gửi đi khoảng 5 phút thì Thuyên gọi điện cho phóng viên, mắng xối xả: “Em vừa nói gì với thầy Hưng vậy? Thời gian này là thời gian rất nhạy cảm. Em ăn nói phải cẩn thận chứ!”. Để xoa dịu cơn thịnh nộ của Thuyên, phóng viên đã phải mất hồi lâu xin lỗi rối rít anh ta, đồng thời hứa sẽ nghiêm túc... rút kinh nghiệm.
Tuy nhiên, vì chuyện tin nhắn mà giảng viên Hưng đã từ chối gặp và giúp phóng viên ôn thi văn hóa, luyện thi năng khiếu. Điều này giúp phóng viên đạt được mục đích của mình: Không phải học ôn văn hóa, không phải tập luyện Quần vợt bất kỳ ngày nào nhưng cứ thi là sẽ... đỗ!
Cuộc gặp 3 bên
Trưa cùng ngày, Thuyên dẫn phóng viên vào một căn phòng nằm trên tầng 3 của Khu tập thể cán bộ giáo viên - Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh. Thuyên gõ cửa. Một người đàn ông ngoài 30 tuổi, dáng người đậm mở hờ cánh cửa nhìn ra ngoài dò xét. Nhận ra Thuyên, người đó lập tức đón hai vị khách vào trong rồi cẩn thận cài then cửa. Trong căn phòng kín, chỉ có phóng viên, Thuyên và nhân vật trên.
Theo lời giới thiệu của Thuyên, đây chính là giảng viên Hưng mà phóng viên đã từng nhắn tin liên hệ. Sau vài câu hỏi thăm chiếu lệ, Thuyên nhanh chóng giới thiệu cho Hưng biết rằng phóng viên là một thí sinh đang “chạy” vào khoa Quần vợt.
Cuộc gặp nhanh chóng kết thúc với lời nhắn của Hưng dành cho phóng viên: “Tối 8/7, trước khi thi môn Toán thì em cầm số báo danh, phòng thi đến gặp anh tại phòng này”.
“Hành trang” trước khi thi
Khi phóng viên bày tỏ lo âu do dốt đặc môn Toán, môn Sinh và... không biết gì về Quần vợt, Hưng vẫn bình chân như vại!
Theo lời của anh ta, phóng viên có thể hoàn toàn yên tâm về các phần thi năng khiếu.
Với môn Sinh học, dù tự làm bài thì phóng viên cũng sẽ không thể bị điểm liệt đó là môn thi trắc nghiệm, cứ “tích” bừa một phương án cho tất cả các câu hỏi là kiểu gì cũng thoát điểm “zê rô”.
Cuối cùng đến môn Toán, Hưng đi lấy một tờ giấy trắng và nói: “Ngày mai vào phòng thi môn Toán, em nhớ ghi chữ “Bài giải” theo cách này nhé! Ghi xong trong bài rồi ghi thêm vào cả tờ giấy nháp nữa rồi đem về cho anh”. Vừa nói, Hưng vừa viết lên tờ giấy trắng chữ “Bài giải” theo các ký tự như sau: Ở từ “Bài”, chữ “B” sẽ do số 1 và số 3 tạo thành...
Chữ “Bài giải” viết theo hướng dẫn của đối tượng Hưng |
Theo lời Hưng, những ký hiệu trong bài thi như trên sẽ giúp những người trong ê-kíp “chạy” trường của anh ta nhận ra bài của thí sinh đã nộp tiền cho đường dây mà điều chỉnh điểm số cho hợp lý.
Trước lúc ra về, phóng viên được Hưng dặn dò kĩ lưỡng: “Bằng mọi giá không được để giấy trắng. Kiểu gì cũng phải làm hoặc chép được một phần nào đó thuộc các câu trong bài thi. Sau khi kết thúc thi môn Toán, đến chiều tối mang tờ giấy nháp có ghi ký hiệu chữ “Bài giải” như đã hướng dẫn về cho anh”.
Chỉ còn vài tiếng nữa là sang ngày 9/7 - thời điểm kỳ thi vào Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh bắt đầu với hai môn thi: Sinh học (buổi sáng) và Toán học (buổi chiều). Không lo điểm liệt môn Sinh, nhưng với môn Toán thì trong đầu phóng viên khi đó chỉ có một kiến thức duy nhất về hình học, đó là mẫu... ký tự “Bài giải” mà giảng viên Hưng đã cung cấp...
Đòn dằn mặt Sau khi nộp 29 triệu đồng tiền đặt cọc cho Thuyên, phóng viên được anh ta kể cho nghe một câu chuyện mang đầy tính hăm dọa: Có một thí sinh người Hải Hậu, Nam Định đã nhờ Thuyên và ê-kíp của anh ta “chạy” vào Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh. Khi đó, thí sinh đã giao trước một nửa số tiền để đặt cọc. Tuy nhiên, sau khi có giấy báo nhập học, thí sinh nêu trên đã không trả nốt phần tiền còn lại cho Thuyên. Trước tình thế này, Thuyên và các “cộng sự” đã “dạy” cho “kẻ xù nợ” một bài học bằng cách: Vẫn để cho thí sinh trúng tuyển và nhập học nhưng sau đó “phù phép” khiến điểm các môn trong học kỳ 1 của thí sinh không đạt. Hậu quả: “Kẻ xù nợ” bị đuổi học! “Nếu “bùng” tiền của anh thì chỉ có chú là thiệt vì lỡ giở chuyện học mà còn không được thi đại học năm tiếp theo vì bị đuổi học” - Thuyên dằn mặt phóng viên. |
Bùi Thọ Phước