DN thừa nhận “sự hữu ích” của hối lộ
Kết quả khảo sát cho thấy, các công ty hoạt động trong môi trường kinh doanh liêm chính có thể phòng tránh hoặc hạn chế tham gia vào các hành vi hối lộ.
Qua khảo sát, đa số các công ty được phỏng vấn cho biết “không muốn đưa hối lộ” nhưng không còn cách nào khác khi phải đối mặt với những tình huống có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh.
Trong số các DN được hỏi về mức độ hữu ích của hối lộ, chi phí không chính thức, 6% cho rằng luôn luôn và không DN nào cho rằng, các khoản chi phí không chính thức không bao giờ hữu ích. DN cho biết, các khoản chi không chính thức chiếm dưới 1% tổng doanh thu. Điều đó cho thấy, các khoản chi phí “bôi trơn” là hình thức hối lộ chủ yếu. 42% DN được hỏi cho rằng “sẽ được cung cấp dịch vụ công như mong muốn nếu chấp nhận chi trả khoản chi phí này”.
39% DN được hỏi từng được yêu cầu chi tiền lót tay hoặc cung cấp các dạng lợi ích phi chính thức khác cho cán bộ nhà nước, 13% DN không biết, còn lại là không được yêu cầu. Trước yêu cầu đưa hối lộ của cán bộ nhà nước, trước hết DN “cố gắng đáp ứng các yêu cầu của pháp luật để tránh các khoản chi không chính thức”. Song DN (có cả DN nước ngoài) thừa nhận “hối lộ đã bám rễ trong hệ thống và họ không thể lờ đi được”. Do đó, DN sẽ phải “cân nhắc” chi trả các khoản chi không chính thức theo từng trường hợp cụ thể.
Kinh doanh liêm chính giúp DN giảm chi phí “bôi trơn”
Từ thực tiễn kinh doanh của nhiều DN chỉ ra rằng, việc DN đặt giá trị liêm chính và đạo đức kinh doanh lên hàng đầu đã nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của các bên liên quan như nhà đầu tư hay khách hàng. Một số DN chia sẻ, sau khi họ từ chối đưa hối lộ, chính DN lại nhận được sự tôn trọng hơn của đối tác và các giao dịch lần sau trở nên suôn sẻ hơn. Ngoài ra, kinh doanh liêm chính còn giúp DN “giảm chi phí bôi trơn, tạo điều kiện để DN thâm nhập thị trường quốc tế”.
Do đó, chuyên gia về phòng chống tham nhũng quốc tế khuyến nghị các DN Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để xây dựng hệ thống tuân thủ và kiểm soát nội bộ. Các ban quản lý (BQL) cần tiếp tục triển khai các sáng kiến cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN thực hành kinh doanh liêm chính.
Đại diện KCNC TP HCM cho biết, hoạt động thực hiện các cam kết về liêm chính trong kinh doanh là một trong những tiêu chí để đánh giá DN tại KCNC tại TP HCM. Khi thực hiện các cam kết liêm chính kinh doanh tại KCNC TP HCM, BQL cảm thấy “cô đơn” vì chưa nhận được sự tin tưởng và bị cho rằng “chỉ làm cho có”. Nhưng BQL vẫn quyết tâm và tìm sự ủng hộ của các hiệp hội DN, các DN và các cơ quan, ban, ngành.
Đối với các cơ quan nhà nước, để chống những hành vi nhũng nhiễu DN, cần được chuyển đổi từ nền “hành chính” sang “phục vụ”, thay đổi tư tưởng “vòi vĩnh” thông qua tăng cường minh bạch thủ tục hành chính, nhận thức của công chức, khuyến khích và hỗ trợ nhân rộng các sáng kiến liêm chính. Ông Đoàn Ngọc Hùng Anh - Phó Trưởng BQL KCNC Đà Nẵng cho biết, TP đã có chủ trương “5 xây, 3 chống” đối với cán bộ, công chức để đảm bảo môi trường hành chính phục vụ, hạn chế những hành động “làm khó” DN.