Vào vai “khách làng chơi” vạch mặt “tú bà” chuyên lừa người bán sang biên giới

(PLO) -Thiếu tá Phạm Hồng Quân - từng có nhiều năm công tác tại Đội Phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, Phòng Cảnh sát Hình sự (PC45 Công an TP Hà Nội) cho biết: Tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em rất phức tạp, đặc thù xuyên quốc gia. Tội phạm mua bán người hình thành nhiều đường dây, băng ổ nhóm sử dụng công nghệ cao, internet, tính chất ngày càng nghiêm trọng. 
Đối tượng Ninh Thị Lan
Đối tượng Ninh Thị Lan

Hai chị em cùng mất tích

Cuối năm 2013, ông Nguyễn Văn P. (trú tại quận Tây Hồ, TP Hà Nội) đến trình báo về việc hai cô con gái của ông là Nguyễn Thị Kim N. (SN 2000) và Nguyễn Thị Mỹ L. (SN 1997) đã bị mất tích nhiều ngày, cả gia đình đã tỏa đi khắp nơi để tìm kiếm, đồng thời báo lên công an phường, quận nhờ các chú công an tìm giúp nhưng tới nay vẫn “bặt vô âm tín”. 

Cũng trong khoảng thời gian đó, điện thoại của hai cháu N. và L. vẫn thỉnh thoảng có tín hiệu. Nhưng đến ngày thứ ba thì hoàn toàn trong tình trạng “ngoài vùng phủ sóng”.

Được lãnh đạo CATP Hà Nội tin tưởng giao phó, Thiếu tá Phạm Hồng Quân cùng nhiều trinh sát phối hợp với Công an quận Tây Hồ và các tỉnh biên giới tổ chức thông báo nhận dạng về hai cháu gái bị mất tích, đồng thời phối hợp với Công an Trung Quốc tiến hành giải cứu các cháu.

Được sự phối hợp với Công an tỉnh Giang Tây (Trung Quốc), ngày 18/3/2014, lực lượng điều tra Công an quận Tây Hồ và PC45 Công an TP Hà Nội đã giải cứu thành công, đưa cháu Nguyễn Thị Mỹ L. về Việt Nam an toàn trong niềm vui và hạnh phúc của gia đình. Tuy nhiên, thông tin về cháu N. thì vẫn bặt tăm.

Từ các thông tin của bị hại, một chuyên án do Thiếu tá Phạm Hồng Quân làm tổ trưởng đã được thành lập, nhằm lật tẩy đường dây buôn bán người nguy hiểm này. Theo mô tả của bị hại, cùng với nhiều thông tin chắp nối từ các sự việc, lực lượng điều tra khoanh vùng được đối tượng Lan ở khu vực huyện Yên Thế và TP Bắc Giang. Tổ công tác liên tục có mặt ở Bắc Giang rà soát thông tin, phối hợp với Công an tỉnh nhằm phát hiện những di biến động của đối tượng.

Kiên trì theo dấu “hồ ly tinh”

Sau rất nhiều lần có mặt tại Bắc Giang, tổ công tác đã phát hiện Lan xuất hiện ở thị tứ Bảo Sơn, huyện Lục Nam. Nguồn tin từ người dân cho biết có thể Lan đang lẩn trốn tại một quán karaoke do cô ruột của Lan làm chủ. Các trinh sát trong vai những thanh niên ham chơi, đến quán karaoke này hát hò nhằm nhận dạng đối tượng Lan. Tuy nhiên đối tượng cảnh giác cao độ nên đã nhanh chóng biến mất.

Đầu mối duy nhất của vụ án sắp tắt, thì tổ công tác nhận được thông tin Lan cùng cô ruột đang di chuyển về khu vực xã Đào Mỹ, Lạng Giang, Bắc Giang. Lập tức mẻ lưới được tung ra đón lõng đối tượng. Kẻ cầm đầu đường dây đã được làm rõ, Ninh Thị Lan (SN 1985, quê ở thị trấn Vôi, Lạng Giang, Bắc Giang).

Qua đấu tranh khai thác, đối tượng khai nhận, khoảng tháng 7/2005, Ninh Thị Lan sang Trung Quốc sinh sống, sau đó lấy chồng người Trung Quốc. Quá trình sống ở Trung Quốc, Lan có quen biết 2 phụ nữ người Việt Nam tên Hà và Hoàng Thị Loan (SN 1977 quê ở Yến Mỹ, Lạng Giang, Bắc Giang).

Hà lấy chồng người Trung Quốc và sinh sống tại Trung Quốc. Tháng 8/2013, Hà có nói với Lan là có đầu mối đưa các cô gái trẻ ở Việt Nam sang Trung Quốc bán làm vợ người Trung Quốc. Nếu trẻ được 50.000 nhân dân tệ (tiền Trung Quốc), nếu lớn tuổi thì được 30.000 – 40.000 nhân dân tệ (tiền Trung Quốc). Hà bảo Lan tìm người đàn ông Trung Quốc nào muốn lấy vợ thì giới thiệu cho Hà. Mỗi người Hà sẽ trả cho Lan 1.000 nhân dân tệ (khoảng 3 triệu đồng Việt Nam). Lan đã đồng ý.

Bằng thủ đoạn rủ các nạn nhân lên Lạng Sơn buôn bán quần áo với mình, tiền công mỗi ngày 500 nghìn đồng, được ăn ngon, mặc đẹp, các đối tượng nói trên đã đưa các nạn sang biên giới, bán cho những người đàn ông Trung Quốc làm vợ.

Nhớ lại vụ giải cứu cháu bé bị các đối tượng trong đường dây mua bán người tổ chức bán sang Trung Quốc, Thiếu tá Hồng Quân kể: “Khi các đối tượng từ TP Hồ Chí Minh đưa cháu bé ra đến Văn Điển (Hà Nội) thì tôi cùng các trinh sát Đội Phòng chống mua bán người tổ chức giải cứu cháu bé, bắt giữ các đối tượng. Do không xác định được bố mẹ cháu bé, nên chúng tôi phải đưa cháu bé về Đội.

Trong những ngày đầu cánh lính trẻ chúng tôi chỉ quen điều tra phá án, quen súng đạn, võ thuật nên rất lóng ngóng trong việc pha sữa, quấy bột cho bé… Cũng may trong đội có một cô có tuổi đã nhận chăm sóc cháu, tôi chỉ phải mua sữa và đồ ăn cho cháu. Khi đưa cháu bé vào bệnh viện để gửi các bác sĩ chăm sóc, bác sĩ hỏi tên cháu bé thì chẳng ai biết. Mọi người bàn thảo và nhất trí lấy tên tôi Phạm Hồng Quân đặt tên cho cháu để khi lớn, cháu sẽ có kỷ niệm về cái tên của mình…”.

Hay như vụ giải cứu cháu bé sơ sinh bị bắt cóc tại bệnh viện Phụ sản Trung ương từng gây xôn xao dư luận. Ban chuyên án giao cháu bé về gia đình trong niềm hạnh phúc vô bờ bến của cha mẹ, người thân cháu. Những giọt nước mắt tuôn rơi, mẹ cháu bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các trinh sát đã giúp gia đình họ được đoàn tụ. Sau khi vụ án khép lại, gia đình cháu bé năm nào cũng đến chúc Tết, tặng quà và cảm ơn Thiếu tá Quân cùng đồng đội. Anh bảo: “Đó là niềm hạnh phúc, niềm tự hào và là nguồn động viên lớn lao mà tôi và anh em trong đội nhận được”.

Đọc thêm