Mới đây, DOC đã công bố kết quả sơ bộ mức thuế chống phá giá cho tôm Việt Nam trong lần xem xét hành chính lần thứ 13 (gọi tắt là POR13) về vụ kiện chống bán phá giá tôm đối với các DN tôm Việt Nam vào Hoa Kỳ, với mức thuế 0%. Cụ thể, hai DN bị đơn bắt buộc là Công ty Sao Ta và Cty Nha Trang Seafood, đồng thời áp dụng mức thuế này cho gần 30 DN bị đơn còn lại.
Trao đổi với báo chí, ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, cho rằng, đây là tin vui bởi chứng tỏ số liệu các DN Việt Nam cung cấp đã được DOC xem xét thỏa đáng. Mức thuế này cũng tạo lòng tin cho các nhà nhập khẩu tôm ở Hoa Kỳ an tâm tiếp tục tiêu thụ tôm từ Việt Nam.
Được biết mức thuế chống phá giá tạm tính của Công ty CP Thực phẩm Sao Ta XK sang thị trường Hoa Kỳ là 4,58%. Do vậy, trong tình hình XK tôm đầu năm gặp cajnh tranh với các nước nuôi tôm XK, với mức thuế mới 0% sẽ tạo điều kiện cho con tôm Việt Nam tăng sức cạnh tranh khi bán vào Hoa Kỳ. Hiện, thị trường này chỉ chiếm khoảng 8% thị phần XK tôm nước ta.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy hải sản Việt Nam (VASEP), cho hay, đây không phải là lần đầu tiên DOC áp thuế chống bán phá giá (CBPG) với tôm Việt Nam là 0%. Trước đó đã từng có khoảng 4 - 5 kỳ POR mà tôm Việt Nam được tính thuế CBPG là 0%. Theo đó, đây mới chỉ là kết luận sơ bộ, khi có kết luận cuối cùng của POR13, tôm Việt Nam XK sang Mỹ vẫn nhận mức thuế CBPG là 0%, sẽ có thêm nhiều lợi thế cạnh tranh so với các nguồn cung khác, nhất là tôm Ấn Độ. Trước đó, tôm của nước này bị áp thuế khoảng 2%.
“Nếu kết quả cuối cùng của POR13 vẫn là 0% với tôm Việt Nam, nhiều khả năng các khách hàng Mỹ sẽ chuyển sang tôm Việt Nam nhiều hơn vì có độ tin cậy cao hơn về an toàn thực phẩm, chất lượng… Kích cỡ của tôm Việt Nam cũng thường được người tiêu dùng Mỹ ưa thích hơn”, ông Hòe nhận định.
Theo các chuyên gia kinh tế nông nghiệp, trong quý I/2019, XK tôm đạt giá trị 486,143 triệu USD, giảm 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân sụt giảm về giá trị XK là do giá mặt hàng này trên thị trường thế giới vẫn đang thấp do nguồn cung dồi dào trên toàn cầu. Chính vì vậy, khi DOC tính thuế CBPG 0% với tôm Việt Nam trong kết quả sơ bộ của POR13 đã mang tới những hy vọng hơn cho ngành tôm, tạo “cú hích” XK.
Cụ thể, trước đó - năm 2013, tại kỳ xem xét hành chính thuế CBPG với tôm Việt Nam lần thứ 7, DOC đã tính thuế 0% với tôm Việt Nam, thì năm 2014, XK tôm đạt kỷ lục 3,95 tỷ USD. Năm 2019, mục tiêu XK tôm là 4,1 - 4,2 tỷ đô la Mỹ.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương, DN tăng cường kiểm soát chất lượng của toàn chuỗi giá trị từ con giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, đến quy trình sản xuất và chế biến nhằm tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế, nâng cao khả năng truy xuất nguồn gốc và sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Để đạt được mục tiêu trên, các DN cần quan tâm hơn nữa đến chế biến sâu, tận dụng tối đa công suất của các nhà máy hiện có để tạo ra sản phẩm tôm có giá trị gia tăng cao, đa dạng, phù hợp với người tiêu dùng; tiếp tục phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm tôm, đặc biệt củng cố thị trường truyền thống.
Đáng nói, với những quy định mới, tiến bộ, phù hợp với thực tế của Luật Thủy sản 2017 cùng với các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết sẽ mở ra cơ hội về thị trường cho sản phẩm tôm.Vì thế, các chuyên gia kinh tế dự báo, mức tăng trưởng và mục tiêu của ngành tôm trong năm 2019 là hoàn toàn khả thi.