Nhận định trên được PGS-TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Bộ Y tế trả lời trên báo chí.
Theo đó, nguy cơ lây bệnh COVID-19 từ chó, mèo là có nếu như người mắc COVID-19 ôm ấp, vuốt ve, chăm sóc chó, mèo. Khi đó, người nhiễm có thể ho, hắt hơi dính nước bọt mang virus SARS-CoV-2 lên lông, da của vật nuôi. Từ đó, người không mắc bệnh ôm ấp chó, mèo thì có thể lây dính virus lên tay, đưa lên mũi, miệng và có thể lây nhiễm COVID-19 hoặc lông chó, mèo mang virus có thể lây dính lên các đồ vật khác và có nguy cơ lây sang người khác.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Cố vấn chuyên môn Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cũng thông tin, hiện nay chưa có nghiên cứu nào nói virus SARS-CoV-2 có thể lây từ người sang động vật hay ngược lại. Về lý thuyết, dòng virus ở người và ở động vật rất khác nhau. Thụ thể trên tế bào người và động vật cũng khác nhau rất xa. Virus ở người không thể nhiễm cho động vật và virus ở động vật không lây sang người được vì khi virus của người “nhảy sang” động vật gặp thụ thể khác không bám lại được sẽ bị đẩy ra. Do đó động vật (chó mèo) không thể lây bệnh COVID-19 cho người được.
Trên thế giới, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, đến nay, nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 từ động vật là thấp. Bản thân virus SARS-CoV-2 ban đầu cũng rất khó lây cho người. Theo thời gian, loại virus này tiến hóa qua nhiều lần tới khi rất thuần với con người mới có thể lây từ người sang người và chỉ trong tế bào người mới phân hóa thành nhiều biến thể để lây lan thành dịch. Tuy nhiên, con người thể truyền SARS-CoV-2 sang động vật, đặc biệt là khi tiếp xúc gần. Các động vật từng được ghi nhận mắc COVID-19 bao gồm chó, mèo, chồn hương, một số loại thú trong khu bảo tồn như rái cá, linh trưởng. Nhiều bang tại Mỹ cũng phát hiện hươu đuôi trắng nhiễm SARS-CoV-2.
Các nhà khoa học đã tiến hành nhiều nghiên cứu để tìm hiểu cách virus ảnh hưởng đến các loài động vật khác nhau. Những nghiên cứu này thường có quy mô nhỏ, không cho thấy liệu động vật có nguy cơ truyền bệnh ngược lại cho con người hay không. Theo các chuyên gia y tế, hầu hết các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 ở vật nuôi là do chúng có tiếp xúc gần với chủ hoặc các thành viên mắc COVID-19 trong gia đình. Vật nuôi bị nhiễm virus có thể bị bệnh hoặc không.
Để bảo vệ thú cưng khỏi virus, chủ vật nuôi cần đảm bảo bản thân và các thành viên đủ điều kiện trong hộ gia đình được tiêm phòng đầy đủ. Những người mắc COVID-19 không nên tiếp xúc vật nuôi. Không nên để vật nuôi tiếp xúc những người chưa được tiêm phòng bên ngoài hộ gia đình. Theo Hướng dẫn chăm sóc người mắc COVID-19 tại nhà, Bộ Y tế ban hành ngày 28/8/2021 nếu có dấu hiệu mắc COVID-19, chủ vật nuôi nên tránh tiếp xúc với thú cưng của mình và các động vật khác, giống như cách chúng ta làm với người. Nếu có thể, hãy nhờ một thành viên khác trong gia đình chăm sóc chúng. Tránh các hành vi tiếp xúc thú cưng bao gồm vuốt ve, ôm ấp hoặc hôn, ăn chung và ngủ chung giường. Nếu phải chăm sóc thú cưng của mình hoặc ở gần động vật khi đang mắc COVID-19, các chủ vật nuôi nên đeo khẩu trang và rửa tay trước và sau khi tiếp xúc với chúng.