Vật tư y tế vẫn thiếu hụt, nguyên nhân do đâu?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian gần đây, tình trạng thiếu vật tư y tế, hóa chất vẫn diễn ra ở một số địa phương, dù Chính phủ đã có Nghị quyết 30 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp để bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế; Bộ Y tế cũng đã ra thông tư hướng dẫn thực hiện...
Ảnh minh họa: Vietnamnet
Ảnh minh họa: Vietnamnet

Trong thời gian nước ta phải đối diện với việc phòng, chống và điều trị dịch bệnh COVID-19, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh để kịp thời điều trị cho người dân đã được ngành y tế nhắc đến và đề xuất giải pháp tháo gỡ. Tuy nhiên, đến nay, khi dịch bệnh COVID-19 đã được kiềm chế thì tình trạng này vẫn diễn ra.

Đơn cử như tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước, số thuốc và vật tư y tế đang có tại bệnh viện hiện chỉ đáp ứng được 60% thuốc điều trị và 30% vật tư y tế. Nguyên nhân chính gây nên tình trạng thiếu cục bộ thuốc và vật tư y tế vẫn là do tình trạng chậm trễ trong đấu thầu khi các gói thầu cũ đã hết hạn từ năm 2022 và phải thực hiện các gói thầu mới.

Tại Cần Thơ, báo chí đã phản ánh tình trạng Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ sẽ tạm dừng đi giao máu, chế phẩm máu từ ngày 5/9/2023 và chỉ phát máu, chế phẩm máu trong trường hợp cấp cứu. Nguyên nhân được Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ cho biết là do gặp khó khăn trong công tác đấu thầu mua sắm hoá chất, vật tư, trang thiết bị y tế năm 2023-2024. Do đó, bệnh viện hiện không còn túi lấy máu và hóa chất xét nghiệm sàng lọc máu.

Đề cập đến tình trạng vẫn có nơi thiếu vật tư, hóa chất, ông Lê Thành Công, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế cho hay, thời gian qua, Nghị định 07, Nghị quyết 30 của Chính Phủ và Thông tư 14 của Bộ đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc trong đấu thầu vật tư, trang thiết bị tại các cơ sở y tế, nhất là với những vật tư, trang thiết bị có nhiều cấu hình và mức giá khác nhau.

Ông Lê Thành Công khẳng định, việc cho phép lựa chọn giá trúng thầu sát với khả năng tài chính, thay vì chọn giá thấp nhất nhưng sản phẩm không đảm bảo chất lượng, đã tháo gỡ được bất cập về giá khi triển khai đấu thầu vật tư trang thiết bị y tế. Bên cạnh đó, việc cho phép chỉ cần 1 đến 2 báo giá cũng có thể làm căn cứ cho kế hoạch lựa chọn nhà thầu, cũng tháo gỡ được khó khăn đối với những mặt hàng độc quyền.

Tuy nhiên, ông Lê Thành Công thừa nhận, hiện nay, có lúc, có nơi vẫn thiếu thuốc, vật tư là do tâm lý e ngại sau những vụ việc vi phạm về đầu thầu.

Dù đã có những quy định cụ thể trong việc đấu thầu, nhưng nhiều địa phương vẫn “rơi” vào tình trạng thiếu vật tư, hóa chất. Điều này ảnh hưởng rất lớn trong công tác khám, điều trị và người bệnh tiếp tục bị thiệt thòi.