Vẻ đẹp Tây Hồ trên khuôn nhạc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hồ Tây là góc lãng mạn nhất trong bức tranh Hà Nội đa màu, là thế giới của những làn gió trong trẻo, sự phóng khoáng và giàu chất thơ. Như một lẽ rất tự nhiên, vẻ đẹp mênh mang của Hồ Tây luôn dễ chạm vào trái tim người nghệ sĩ, tạo nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca, nhạc họa, văn chương bao đời nay. Vẻ đẹp lung linh, lãng mạn của Hồ Tây được hiện lên trên từng khuôn nhạc.
Vẻ đẹp mênh mang của Hồ Tây luôn dễ chạm vào trái tim người nghệ sĩ, tạo nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca. (Ảnh: Zing.vn)
Vẻ đẹp mênh mang của Hồ Tây luôn dễ chạm vào trái tim người nghệ sĩ, tạo nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca. (Ảnh: Zing.vn)

“Hồ Tây xanh mênh mông trong tươi thắm nắng chiều”

Tây Hồ xưa nay vốn nổi tiếng không chỉ ở cảnh quan thiên nhiên, mà còn bởi các câu chuyện tình lãng mạn của đôi lứa. Dọc theo đường Thanh Niên (đường Cổ Ngư xưa) còn gọi là “đường tình yêu”, những đôi tình nhân tay trong tay đi ngắm hoa xuân đâm chồi lấp lánh trong nắng. Hồ Tây đẹp không chỉ bởi mặt nước xanh mênh mông, không chỉ có sắc tím bằng lăng, cánh hoa phượng hồng đỏ mỗi độ hè về, cái buồn man mác của không gian, lung linh của ban mai tinh khiết… mà Hồ Tây còn đẹp bởi nó như một trái tim ôm trọn trong mình những trạng thái buồn vui của biết bao con người.

Bài hát “Một thoáng Tây Hồ” của cố nhạc sĩ Phó Đức Phương ra đời năm 1984, ca ngợi vẻ đẹp của thắng cảnh Hồ Tây. Nhạc sĩ sử dụng ngôn từ giàu tính hình tượng - đặc trưng trong âm nhạc của ông - miêu tả cảnh hồ. Ông kết hợp âm hưởng ca trù tạo giai điệu ma mị, huyền bí. Qua bài hát, mọi người khám phá vẻ đẹp tuyệt diệu của Hồ Tây trong bản hòa tấu của sóng và gió: “Mênh mông hồ sương thu tan trong gió/ Bát ngát trăng buông một khoảng trời/Một khoảng trời, khoảng tình lắng sâu bao trong đục vơi đầy…”.

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng chia sẻ về hoàn cảnh ra đời nhạc phẩm “Nhớ mùa thu Hà Nội”: “Năm 1985, tôi cùng ba đồng nghiệp được Bộ Văn hóa Liên Xô mời sang thăm. Khi trở về, tôi ở lại Hà Nội một tháng. Mỗi sáng, tôi và Thái Bá Vân (nhà phê bình mỹ thuật) đi loanh quanh Hà Nội gặp bạn bè. Chiều nào cả hai cũng lên Hồ Tây, nằm bên hồ với chai Ararat, uống lai rai và nhìn bầy sâm cầm đáp xuống - bay lên. Nhớ mùa thu Hà Nội ra đời trong một tháng “gặp gỡ” của những tâm hồn đồng điệu. Bài hát lấy cảm hứng chủ đạo là nỗi nhớ, khi tình yêu giữa đất và người vừa chớm nở đã phải chia xa.

Hồ Tây rộng và trống trải nên thường có gió lốc dậy sóng. Nước hồ màu xanh pha chút nâu bởi trong hồ có nhiều động thực vật phù du. Trước đây, Hồ Tây rất nhiều chim sâm cầm. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thấy những chú chim sâm cầm bay đi tránh rét trong khoảnh khắc giao mùa đã viết lời bài hát: “Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay bờ xa mời gọi/ Màu sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời”.

Nhạc sĩ Ngọc Khuê cũng đong đầy tình yêu Hồ Tây qua bài hát “Làng lúa làng hoa”. “Bên lúa, anh bên lúa cánh đồng làng ven đê/ Hồ Tây xanh mênh mông trong tươi thắm nắng chiều/ Làng em làng hoa, hoa thơm ngát bốn mùa/ Hồ Tây đôi bên trong tình yêu hoa lúa rộn ràng…”. Khoảng năm 1978 - 1979, nhạc sĩ Ngọc Khuê có quen một cô gái. Là nhạc sĩ, ông rất muốn viết một ca khúc để đánh dấu kỷ niệm này. Đôi lần chở nhau trên chiếc xe đạp lòng vòng ngắm cảnh trên những con đường ven hồ Tây của Hà Nội, Ngọc Khuê nảy ra ý định “mượn” những làng hoa ven hồ để làm cái cớ giãi bày. Tuy vậy, cảm hứng để bật ra thành hình hài cụ thể thì chưa đến, ông đành “gác” kế hoạch viết bài hát ấy lại. Cho tới một chiều mùa đông năm 1981, khi đạp xe đi thăm người bạn ở gần hồ Tây, Ngọc Khuê mới phát hiện ra một điều thú vị, rằng khu vực Hồ Tây không chỉ có hoa. Phía bên Xuân La, Xuân Đỉnh còn là “làng lúa”. Sự “phát hiện” đó cộng với hình ảnh những “làng hoa” thai nghén, ấp ủ muốn viết bấy lâu đã giúp ông bật lên câu hát: “Lúa ơi thơm ngát cho em hát cùng người/ Bởi lúa yêu cuộc đời nên xanh thắm ruộng đồng…”.

Nhạc sĩ Ngọc Khuê đã lấy âm hưởng của một điệu hò để thể hiện sự lấp lánh của mặt gương hồ Tây, sự dào dạt êm ả của sóng nước, sóng lúa. Đó là một sự giao duyên tình tứ rất mộc mạc nhưng lại vô cùng đằm thắm, tinh tế của những đôi trai gái mà tôi nghĩ rằng chỉ có những làng mạc lâu đời, trù phú mà thanh lịch ven hồ Tây Hà Nội mới hun đúc được.

Và đoạn kết, nhạc sĩ đã gửi gắm tình yêu, lời tỏ tình với cô bạn gái mà mình thương thầm: “Chiều nay anh dù xa hoa nói với anh nhiều/ Hồ Tây nên duyên vẫn gần nhau như hoa lúa cuộc đời”. Và cứ mỗi độ xuân về, trong không khí náo nức căng tràn nhựa sống thì “Mùa xuân, làng lúa làng hoa” lại được ngân lên.

Bài hát Một thoáng Tây Hồ của cố nhạc sĩ Phó Đức Phương (Ảnh: PĐP)

Bài hát Một thoáng Tây Hồ của cố nhạc sĩ Phó Đức Phương (Ảnh: PĐP)

“Đường Cổ Ngư xưa chầm chậm bước ta về”

Hồ Tây, bất cứ ai cũng đều hình dung ra một trái tim ôm trọn trong mình những trạng thái buồn vui của biết bao con người. Những trang viết, vần thơ, hay những tác phẩm nghệ thuật cũng như sự trải lòng mà tâm hồn biết bao người muốn tìm đến với Hồ Tây.

Bước vào không gian thơ của Nguyễn Đức Nam trong bài thơ “Chiều Hồ Tây” với những nét phác họa khá ấn tượng: “Bồng bềnh giữa sương mờ khói tỏa/ Lãng đãng trong nghi ngút hương trầm…”. Bài hát là bức tranh chiều Hồ Tây trong lãng đãng khói sương đẹp mơ hồ và huyền ảo giữa mênh mang mây nước. Một chút sương mù, một làn khói mỏng, một bóng thuyền lững lờ trong tiếng chuông ngân êm đềm qua sóng nước Tây Hồ… những âm thanh và hình ảnh biểu trưng của hồn cốt dân tộc ấy gợi nhớ về một thời rất xa trong bâng khuâng, rạo rực và tự hào đến lạ… đúng là “Cõi lòng ta hòa với đất trời…”. Nhạc sĩ Quỳnh Hợp tâm sự: “Bài thơ “Chiều Hồ Tây” như nói được tâm trạng của chính mình và Quỳnh Hợp đã phổ bài thơ rất nhanh thành ca khúc “Một chiều với Tây Hồ” trong bảng lảng nhớ thương về Hà Nội trước sương khói của một chiều Hồ Tây - nơi ẩn chứa nét văn hóa nghìn năm của mảnh đất kinh kỳ. Một nét đẹp lãng mạn, một nét đẹp bình yên, một nét đẹp đến nao lòng với người Hà Nội đi xa…

Trong không gian chiều Hồ Tây bồng bềnh, lãng đãng giữa sương khói của tự nhiên và hương trầm nghi ngút của tâm thức Việt, nhịp điệu thời gian dường như cũng chậm lại đến mức người nghệ sĩ không những có thể “thấy” được sự ngập ngừng của chiếc lá rơi mà còn “nghe” được âm thanh của chiếc lá rơi khẽ khàng như tiếng bước chân. Không phải giản đơn mà trong bức tranh bằng nhạc phẩm “Một chiều với Tây Hồ” được họa lên bằng tiếng nhạc da diết và trào dâng một niềm tự hào thầm kín, đậm chất Hà Nội trong tim người xa xứ phảng phất nét cổ xưa và đài các. “Bây giờ và ngàn năm sau nữa/ Vẫn lung linh chùa Trấn Quốc bên hồ/ Tiếng chuông chiều vọng hồn đất nước/ Vĩnh hằng một cõi đất Đông Đô”.

Chính sự trong trẻo, mênh mang của Hồ Tây đã là nguồn cảm hứng cho rất nhiều nhà thơ, nhạc sĩ với chiều sâu văn hóa được đắp bồi không ngừng nghỉ trong không gian, cảnh sắc, con người, cuộc sống nơi đây.

Ca khúc “Mắt chiều Hồ Tây” của nhạc sĩ Sỹ Thắng đạt giải nhì trong cuộc thi sáng tác về Hà Nội nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Ca từ trong ca khúc của nhạc sĩ Sỹ Thắng ngả nghiêng trên cung âm của ca trù phố cổ, vang vang nhịp phách trên chiếu Hồ Tây. Anh gợi cho người nghe một cảnh tượng mơ huyền chiều thu Hà Nội, thiếu nữ mỏng manh trong heo may, dõi mắt vời vợi về mênh mông mây chiều sóng nước. Hơi thở Hồ Tây, mắt biếc Hồ Tây, những con sóng gợn mặt hồ… đung đưa chiều, đung đưa cảm xúc để người nhạc sỹ tìm thấy trong mênh mông như vô tận của không gian có người đang níu giữ mình, đang chạm hơi thở vào trái tim, vào nỗi cô đơn chiều xa lắc… “Phủ Tây Hồ bâng khuâng huyền thoại/ Xa xanh hạc trắng kêu hoài/ Chiều như cơn mơ vỗ về hồn ta bơ vơ” hay “Hồn ta tĩnh lặng bên chùa vắng/ Gió Tây Hồ thổi mãi mái rêu phong”.

Rất nhiều người yêu nhạc mê đắm bài hát “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” của nhạc sĩ Trương Quý Hải với nhà thơ Bùi Thanh Tuấn. Ca khúc đầy chất thơ, lãng mạn của tuổi trẻ “Hoa sữa thôi rơi, em bên tôi một chiều tan lớp/ Đường Cổ Ngư xưa chầm chậm bước ta về”. Nhà thơ Bùi Thanh Tuấn Tuấn thích nhất trong bài thơ là đoạn nói về tâm trạng của một kẻ lữ thứ đang có mối tình say đắm trong trẻo và hoài cổ. Đó là lý do bài thơ Tuấn viết: “Quán cóc vẹo xiêu dăm ba tiếng nhạc/ Phía Hồ Tây vọng lại một câu Kiều”. Nhạc sĩ Trương Quý Hải đã đúc kết lại thành “Quán cóc liêu xiêu một câu thơ/ Hồ Tây, hồ Tây tím mờ ...”. Và câu chữ đó đã trở thành điểm nhấn đáng kể trong ca khúc phổ thơ này.

Tản bộ ven Hồ Tây, xa xa là chùa Trấn Quốc thi thoảng nghe tiếng chuông ngân…, dường như ta bị chìm vào một miền huyền thoại đủ lay động đến tâm can muôn người. Hồ Tây là góc lãng mạn nhất trong bức tranh Hà Nội đa màu; là thế giới của những làn gió trong trẻo, sự phóng khoáng và giàu chất thơ.

Cùng với các giá trị khác như cảnh quan, kinh tế, kiến trúc, lịch sử… những tác phẩm âm nhạc về Hồ Tây đã mang một giá trị đặc biệt, nâng tầm địa danh này trở thành một điểm hẹn văn hóa thú vị cho bất cứ ai khi đến với Hà Nội.