Bằng chiêu giả danh các giấy tờ của Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI), Văn phòng Tổng thống Mỹ, các tổ chức của Nigeria, Ghana và Moldova, Nguyễn Thanh Hà “vẽ” ra các dự án xuyên quốc gia trị giá gần 80 triệu USD, rồi kêu gọi đối tác làm ăn, hòng chiếm đoạt hàng tỷ đồng...
Những dự án ảo
Sau 5 lần hoãn phiên toà trả hồ sơ điều tra bổ sung vì tính chất phức tạp của vụ án, trong 2 ngày 10 - 11/1/2011, TAND TP. Hà Nội đưa Nguyễn Thanh Hà (Giám đốc công ty TNHH Thanh Hà) ra xét xử sơ thẩm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo cáo trạng, ngày 3/3/2009, Cơ quan an ninh điều tra (Công an Hà Nội) phát hiện Nguyễn Thanh Hà (52 tuổi) đang ký kết hợp đồng và nhận 10.000 USD của hai đối tác tại khách sạn Bảo Sơn (trên đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội).
Tại đây, cơ quan công an thu giữ 1 tập tài liệu “Dự án 22 triệu USD tại Nigeria” và một số tài liệu bằng tiếng Anh có dấu, chữ ký xác nhận của Văn phòng Tổng thống Mỹ; Tổng Thanh tra Tài chính quản lý thuế Mỹ; Đại sứ quán Mỹ tại Nigeria và Hà Nội; Ngân hàng Bắc Dakota Mỹ, của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)…
Ngày 4/3/2001, CQĐT tiến hành khám nơi ở của Nguyễn Thanh Hà tại phường Lương Khánh Thiện (TP Phủ Lý - Hà Nam), phát hiện thêm nhiều giấy tờ giả mạo của 2 dự án mang tên “Dự án 36 triệu USD tại Moldova” và “Dự án 20, 85 triệu USD tại CH Ghana”.
Tất cả dự án trên có nội dung các công ty, tổ chức nước ngoài ký kết với công ty Thanh Hà và có dấu, chữ ký của Ngân hàng Bắc Dakota, Mỹ, Đại sứ quán Mỹ tại Nigeria, Văn phòng Tổng thống Mỹ... xác nhận Nguyễn Thanh Hà có khoản vốn 22 triệu USD của Chính phủ Nigeria qua Ngân hàng Bắc Dakota chuyển về Việt Nam xây dựng khách sạn, văn phòng cao cấp…
Cơ quan điều tra xác minh, từ tháng 6/2007 đến tháng 3/2009, Nguyễn Thanh Hà với vai trò là Giám đốc công ty TNHH Thanh Hà, sử dụng 3 bộ hồ sơ, tài liệu giả mạo của 3 dự án trên (tổng giá trị gần 80 triệu USD), để “khoe khoang” công ty mình có uy tín lâu năm trong lĩnh vực tư vấn đầu tư, xúc tiến thương mại quốc tế, được nhiều đối tác nước ngoài biết đến và ký hợp đồng chuyển quyền sở hữu nhiều khoản vốn hàng trăm triệu USD, để từ đó hứa cho các đối tác vay tiền, nhưng kèm điều kiện phải nộp chi phí vay tiền trước.
Hà lý giải với các đối tác rằng, sở dĩ 22 triệu USD bị ách lại tại Mỹ là vì chính quyền nước này yêu cầu xác nhận số tiền trên không phải là “hành vi rửa tiền” mới được giải ngân. Vì vậy, trong thời gian chờ đợi vốn, nếu doanh nghiệp, cá nhân nào ứng trước tiền cho công ty Thanh Hà, sẽ được vay nhiều triệu USD với lãi suất thấp. Tin vào “bánh vẽ” của vị giám đốc siêu lừa này, 9 "đối tác" đã sập bẫy, “lót tay” trước cho Hà tổng số tiền hơn 8 tỷ đồng.
Ngoài ra, CQĐT phát hiện, đầu năm 2007, trước khi thực hiện hành vi lừa đảo tại Hà Nội, Nguyễn Thanh Hà đã sử dụng tài liệu mang tên 5 dự án nước ngoài khác để chiếm đoạt tài sản tại tỉnh Khánh Hoà. CQĐT Công an tỉnh Khánh Hoà cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thanh Hà.
Quanh co chối tội
Tại toà sơ thẩm, Nguyễn Thanh Hà vẫn quanh co chối tội, một mực cho rằng mình không gian dối, không có hành vi lừa đảo, tất cả các tài liệu, hồ sơ mà bị cáo sử dụng đều là thật. Bị cáo khẳng định, khoản tiền 22 triệu USD tại Nigeria là do bị cáo trực tiếp làm việc với luật sư của đối tác để thỏa thuận và ký hợp đồng. Do có nhiều khúc mắc trong việc chuyển tiền, công ty Thanh Hà phải liên hệ với các cơ quan thuộc Chính phủ Nigeria, Mỹ và Ghana để gửi các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc số tiền này là “tiền sạch”, nên việc chuyển tiền mới bị “chững” lại.
Đồng tình với quan điểm trên, luật sư bào chữa cho bị cáo cũng cho rằng, nếu những bộ hồ sơ về các dự án là giả thì chính bị cáo cũng là nạn nhân.
Bác lại những lập luận trên, HĐXX chỉ ra rằng, các tài liệu mà cơ quan tố tụng thu thập, điều tra đã chứng minh Thanh Hà phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Tất cả các hồ sơ, tài liệu mà bị cáo sử dụng để moi tiền của các doanh nghiệp, cá nhân khác được cơ quan trong nước và nước ngoài kiểm chứng, khẳng định là giả. Việc bị cáo khi đi môi giới đã mang kèm theo văn bản xác nhận của VCCI về các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam của Công ty Thanh Hà, cũng đã được VCCI khẳng định, công ty Thanh Hà không phải là hội viên của tổ chức này và VCCI chưa từng xác nhận văn bản nào giống như văn bản trong tập hồ sơ của các dự án Hà đã sử dụng.
Từ những lập luận trên, HĐXX nhận định, mức độ phạm tội của Nguyễn Thanh Hà là đặc biệt nguy hiểm, không chỉ gây thiệt hại cho nhiều tổ chức, các nhân mà còn làm ảnh hưởng lớn đến uy tín, quản lý kinh tế của nhà nước. Vì vậy, HĐXX tuyên phạt bị cáo mức án chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, yêu cầu bị cáo bồi hoàn số tiền hơn 8 tỷ đồng cho các bị hại.
Ngoài ra, trong quá trình mở rộng điều tra, CQĐT cũng phát hiện Nguyễn Thanh Hà còn sử dụng 11 hồ sơ mang tên các dự án nước ngoài khác để giới thiệu và lừa đảo một số doanh nghiệp, cá nhân trong nước. Tuy nhiên, để đảm bảo thời hạn tố tụng của vụ án, cơ quan điều tra đã tách rút tài liệu liên quan đến 11 dự án để tiếp tục điều tra, xử lý sau.
Thiên Minh