“Về nhà thôi, Tết rồi!”
Cứ vào độ cuối đông, nắng hanh hao bắt đầu nhường chỗ cho những cơn mưa phùn, hàng hoa rong trên phố rộn ràng trắng hồng phơn phớt của những bông cúc bướm, màu tím biếc của những cành violet, màu đỏ rực rỡ của thược dược, màu vàng của quất ấy là Tết đang về.
Với những người còn rong ruổi đâu đó trong nẻo đường xa quê, dường như cứ khi nào phố bắt đầu có những sắc màu của tết ấy cũng là lúc trong tâm thức vang vọng tiếng gọi của gia đình – “Về nhà thôi, Tết rồi!”. Âm thanh thiêng liêng ấy như một sợi dây vô hình nhưng bền chặt, kéo mỗi người trở về bất kể khoảng cách xa xôi hay những bận rộn trong cuộc sống.
Với những người xa xứ, hình ảnh quê nhà mỗi dịp Tết luôn gợi lên những xúc cảm thương nhớ đến quặn lòng. Đó là con đường quen thuộc dẫn vào làng, là mái nhà nhỏ xưa cũ với những vách tường đã in dấu thời gian.
Ngày Tết, những chuyến xe khách đông đúc, những ga tàu nhộn nhịp hay sân bay đông nghịt người chính là minh chứng sống động cho mong muốn đoàn tụ mãnh liệt. Không khí trên các chuyến xe ấy mang một mùi vị thật lạ: vừa mệt mỏi, vừa hứng khởi, và đong đầy mong chờ. Mỗi gương mặt là một câu chuyện, nhưng điểm đến của họ không cùng nhau, nhưng tất cả đều đi theo một tiếng gọi “Về nhà thôi, Tết rồi! Với người Việt Nam, gia đình không chỉ là nơi ta lớn lên, mà còn là giá trị cốt lõi thiêng liêng cho sự trưởng thành của mỗi cá nhân.
Tết chính là dịp để mỗi thành viên tạm gác lại mọi lo toan, tất bật của cuộc sống để trở về, cùng nhau chia sẻ những khoảnh khắc ý nghĩa nhất. Trong những ngày Tết, cả nhà quây quần bên mâm cơm, cười nói vui vẻ, kể cho nhau nghe những câu chuyện của năm cũ và những dự định trong năm mới.
Tết là dịp để những nỗi nhớ được thắp sáng, những giấc mơ sum họp được vẹn tròn. Dù thời gian có làm phai nhạt những ký ức, thì Tết vẫn luôn là điểm neo giữ, là lời nhắc nhở rằng gia đình chính là cội nguồn của yêu thương. Sự gắn kết ấy được thể hiện qua những bữa cơm đầm ấm, những lời chúc đầu năm chân thành, và cả những cái ôm siết chặt khi đoàn viên.
Hình ảnh mâm cơm Tết đầy đủ món ngon truyền thống, nào bánh chưng, dưa hành, thịt đông, không chỉ là biểu tượng của ẩm thực mà còn là sự hội tụ của tình thân. Mỗi món ăn đều chứa đựng trong đó những câu chuyện, những kỷ niệm gắn liền với từng thành viên trong gia đình, đều là minh chứng cho sự gắn kết và yêu thương. Mẹ kể về những mùa Tết xưa nghèo khó, ba nhắc lại những ngày quây quần bên bếp lửa. Tất cả như một thước phim quay chậm, khiến mỗi người thêm trân quý giây phút hiện tại.
Đối với ông bà, cha mẹ, niềm vui lớn nhất trong ngày Tết không phải là những món quà, mà chính là sự hiện diện của con cháu. Những lời chúc năm mới, những cái ôm thật chặt hay những giây phút cùng nhau ngồi uống trà, trò chuyện đã trở thành những khoảnh khắc quý giá mà thời gian không thể mua lại được.
Tết không chỉ là dịp đoàn tụ mà còn là thời điểm để các thế hệ trong gia đình truyền lại những giá trị văn hóa truyền thống. Những câu chuyện cổ tích ông bà kể, những phong tục như cúng giao thừa, xin lộc đầu năm, hay lì xì mừng tuổi đều mang ý nghĩa sâu sắc, giúp thế hệ trẻ hiểu và trân trọng cội nguồn.
Tết cũng là lúc người ta tìm về để hàn gắn, để tha thứ. Những hiểu lầm, giận hờn của năm cũ được gạt bỏ, nhường chỗ cho sự đồng cảm và sẻ chia. Trong không khí ấm áp của mùa xuân, trong mùi hương trầm thanh tịnh, an nhiên của những ngày Tết, mọi người dễ dàng mở lòng hơn, để những khoảng cách được thu hẹp, để tình thân thêm bền chặt.
Tết không chỉ là sự bắt đầu của một năm mới, mà còn là dịp để mỗi người nhìn lại hành trình đã qua, để biết trân trọng hơn những gì mình đang có. Những em bé trưởng thành trong việc chơi Ngoan, học giỏi; người lớn trưởng thành trong công việc, sự nghiệp. Tết là dịp để con cháu cùng nhìn lại sức khỏe bố mẹ, ông bà, để ý thức hơn về trách nhiệm của bản thân. Tết không chỉ là dịp để đoàn tụ mà còn là thời khắc để mỗi người tự soi lại mình, nhìn nhận những gì đã qua và chuẩn bị cho chặng đường phía trước. Chính trong vòng tay gia đình, chúng ta tìm thấy sự bình yên, sức mạnh và động lực để tiếp tục hành trình của cuộc đời.
Nhưng không phải ai cũng có may mắn được đón Tết trong sự đủ đầy. Ở đâu đó, vẫn có những người phải xa quê vì mưu sinh, những cụ già neo đơn mong ngóng bóng dáng con cháu, hay những em nhỏ thiếu vắng bàn tay mẹ cha. Chính vì thế, Tết còn là dịp để lòng nhân ái được lan tỏa. Những chương trình từ thiện, những chuyến xe 0 đồng đưa người xa xứ về quê ăn Tết là minh chứng cho sự đồng cảm, sẻ chia của cộng đồng.
Và như thế, Tết không chỉ là thời khắc của sự đoàn tụ mà còn là biểu tượng của sự gắn kết. Dù cuộc sống có nhiều biến đổi, dù mỗi người có những con đường riêng, thì gia đình vẫn luôn là nơi để trở về. Tết là lúc ta được sống thật với chính mình, được ôm trọn trong vòng tay yêu thương của người thân, và được nhắc nhở rằng, gia đình là giá trị cốt lõi, là nền tảng vững chắc cho mọi hành trình trưởng thành. Gia đình chính là nơi có tình yêu thương vô điều kiện, nơi mỗi người được là chính mình, không cần khoác lên bất cứ chiếc mặt nạ nào. Đó là lý do vì sao gia đình luôn được ví như bến đỗ, là nơi trú ngụ an toàn nhất giữa những bão giông của cuộc sống.
Gia đình chính là chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, nơi những giá trị nhân văn được gìn giữ và phát huy. Trong thế giới hiện đại, khi mọi thứ thay đổi nhanh chóng, gia đình là nơi duy trì sự ổn định và truyền lại những nét đẹp truyền thống, để mỗi thành viên không bị cuốn trôi trong dòng chảy của xã hội.
Hãy để Tết trở thành dịp để ta nhắc nhở bản thân rằng, dù đi đâu, làm gì, gia đình luôn là điểm tựa yêu thương,Tết là sự gắn kết, và gia đình là nơi khởi nguồn của tất cả những giá trị tốt đẹp ấy. Bởi thế, mỗi khi Tết đến, lòng người xa xứ lại rộn ràng, khắc khoải với những lời thì thầm trong tâm thức: Về nhà thôi, Tết rồi!