Về Rừng Sác, nghe chuyện đặc công Đoàn 10 đánh giặc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Lặn sâu xuống sông Lòng Tàu/Đồng đội ngày xưa có thấy đâu/Hỏi ốc, ốc nằm im, tôi chẳng thấy/Hỏi cua, cua bảo sấu ăn rồi/Xương trắng nở hoa tận đáy sông/Mênh mông Rừng Sác nhuốm màu hồng/Năm trăm hài cốt chưa tìm thấy/Rừng đước bạt ngàn lập chiến công... những vần thơ này do Đại tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Lê Bá Ước - nguyên Đoàn trưởng Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác viết để tưởng nhớ về đồng đội ngày ấy.
Nhiều cựu chiến binh về thăm Rừng Sác, tri ân những người đồng đội đã chiến đấu, hi sinh tại Rừng Sác.
Nhiều cựu chiến binh về thăm Rừng Sác, tri ân những người đồng đội đã chiến đấu, hi sinh tại Rừng Sác.

Nửa thế kỷ trước, 9 năm trời ròng rã bám rừng, men rạch giữ nước có 915 chiến sĩ đặc công Đoàn 10 Rừng Sác hy sinh vì bom đạn hoặc cá sấu ăn thịt, trong đó 542 hài cốt chưa được tìm thấy. Thân thể các anh, máu thịt các anh hóa phù sa nuôi cây đước, hòa cùng dòng nước lợ sông Lòng Tàu. Nói như thế để thấy được sự ác liệt, gian khổ và sự mất mát to lớn của người lính đặc công Rừng Sác, mà khi trở về chiến trường xưa, anh hùng Lê Bá Ước phải thảng thốt “hỏi ốc”, “hỏi cua” đồng đội của mình giờ đang ở đâu?

Về Rừng Sác, nghe người hướng dẫn kể chuyện đặc công Đoàn 10 Rừng Sác đánh giặc suốt 9 năm với 600 trận lớn, nhỏ, đánh chìm và đốt cháy 356 tàu chiến đấu; đánh đắm 13 tàu vận tải từ 8.000 - 13.000 tấn, bắn cháy 145 tàu vận tải khác, bắn rơi 29 máy bay trực thăng; thiêu hủy 110.000 tấn bom đạn, 250 triệu lít xăng dầu của địch...

Mô hình các chiến sĩ đặc công Rừng Sác điều nghiên trên sa bàn Tổng kho xăng dầu Nhà Bè.

Mô hình các chiến sĩ đặc công Rừng Sác điều nghiên trên sa bàn Tổng kho xăng dầu Nhà Bè.

1. Sông Lòng Tàu, cửa ngõ đường thủy vận tải quân sự của địch từ Biển Đông vào nội đô. Địch bố trí lực lượng phòng vệ, bảo vệ nghiêm ngặt nhất để bảo đảm an toàn. Phía ta cũng xác định địa bàn Rừng Sác (nay thuộc huyện Cần Giờ, TP HCM) là nơi có tính chất chiến lược quan trọng nên ngày 15/4/1966, Bộ Chỉ huy Miền thành lập Đặc khu quân sự Rừng Sác (Mật danh T10, sau đổi tên thành Đoàn 10 đặc công Rừng Sác) với nhiệm vụ án ngữ tuyến đường thủy qua sông Lòng Tàu, phá hủy các kho, bãi chứa quan trọng khu vực Nhà Bè, Nhơn Trạch (Đồng Nai).

Vừa thành lập, Đoàn 10 lên phương án đánh ngay vào con tàu vận tải quân sự Baton Rouge Victory với trọng tải 10.000 tấn. Thời điểm đó, tàu Victory chở 100 xe tăng, 2 trực thăng, 20 tấn nhu yếu phẩm cung cấp cho một sư đoàn lính Mỹ.

Sau 4 tháng ăn, nằm, ngâm mình dưới sông Lòng Tàu để điều nghiên, ngày 23/8/1966, các chiến sĩ đặt 2 quả thủy lôi, mỗi quả nặng hơn 1.000kg đánh chìm tàu Victory khiến Tổng Chỉ huy lực lượng viễn chinh Mỹ ở miền Nam Việt Nam phải thừa nhận “một cuộc chiến đấu kỳ lạ trong một cuộc chiến tranh kỳ lạ”.

Du khách chăm chú nghe thuyết minh về chiến công của đặc công Rừng Sác.

Du khách chăm chú nghe thuyết minh về chiến công của đặc công Rừng Sác.

2. Vượt sông Đồng Nai đánh sập kho bom Thành Tuy Hạ (nay là xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai). Thành Tuy Hạ được Pháp xây dựng làm nơi bảo đảm hậu cần, kỹ thuật. Đến khi Mỹ thay chân Pháp, nơi đây được đầu tư sửa chữa, nâng cấp và mở rộng thành kho chứa vũ khí, đạn dược lớn chỉ sau Tổng kho Long Bình.

Tại đây, có 14 lớp hàng rào kẽm gai, chia làm 3 tuyến phòng thủ với hệ thống lô cốt, hầm hào. Lực lượng bảo vệ gồm 1 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 trung đội cảnh sát...

Cuối năm 1972, Mỹ tăng cường đánh phá miền Bắc, Đoàn 10 quyết định đánh kho bom Thành Tuy Hạ. Nhiệm vụ được giao cho Đội 32. Từ ngày 12/10 đến 21/10/1972, Đội 32 có 8 lần đột nhập vào Thành Tuy Hạ nhưng không thành.

Đêm ngày 11, rạng sáng ngày 12/11/1972, 4 chiến sĩ cùng 16 khối thuốc nổ lặng lẽ vượt hết 14 hàng rào kẽm gai, bãi mìn và trạm gác, đặt thuốc nổ rồi tuần tự rút lui. Đúng giờ hẹn, hàng loạt tiếng nổ vang dội. Chất nổ và bom napan tạo nên những đám cháy khổng lồ choán cả một vùng trời đen nghịt khói lửa suốt 2 ngày đêm. 23 kho bom đạn và 9 kho chứa bom napan (khoảng 200.000 quả) bị thiêu hủy.

Nhưng Đoàn 10 không bằng lòng với kết quả nên một tháng sau, các chiến sĩ quyết tâm đánh lại. Đêm ngày 13, rạng sáng ngày 14/12/1972, các chiến sĩ đếm được mỗi kho 8 dãy bom, đáy mỗi dãy có 66 trái, cao 6 trái. Đúng 1 giờ sáng, đặt mìn hẹn giờ xong, các chiến sĩ thoát ra khỏi Thành Tuy Hạ. Tính ra, mỗi người đặt hết 25 kíp theo quy định.

Gần 3 giờ ngày 14/12/1972, tổ đặc công ra đến Bàu Sen thì kho bom phát nổ. Tiếng nổ dây chuyền như sấm sét liên hồi của hàng ngàn quả bom làm rung chuyển mặt đất. Cả khu kho rộng lớn chìm trong biển lửa khổng lồ, nổ và cháy suốt cả 3 ngày 3 đêm liền.

Rừng Sác - nơi hoạt động của 1.000 chiến sĩ đặc công Đoàn 10.

Rừng Sác - nơi hoạt động của 1.000 chiến sĩ đặc công Đoàn 10.

3. Lịch sử chiến công của Đoàn 10 còn ghi dấu với trận đánh vào Tổng kho xăng dầu Nhà Bè. Nơi đây cung ứng 60% nhu cầu xăng dầu cho dân sự và quân sự của miền Nam. Xác định đây là mục tiêu số 1 để cắt đứt nguồn cung xăng dầu phục vụ cho khí tài của kẻ thù, Đoàn 10 giao cho nhiệm vụ cho Đội 5 thực hiện. Đội 5 tuyển chọn được 8 chiến sĩ vừa dũng cảm, mưu trí, nhanh nhẹn do Đội trưởng Cao Hùng Ngọt chỉ huy.

Người kể chuyện thao thao, Kho xăng dầu ngày ấy có 3 hãng nổi tiếng là Caltex, Shell và Essco. Trong đó, kho của hãng Shell là lớn nhất, nằm ở giữa rộng chừng 14ha và có 72 bồn chứa. Bồn chứa nhỏ nhất cao 15m, đường kính 25m, lớn nhất là 25m x 40m. Tổng kho được bảo vệ nghiêm ngặt với 12 hàng rào thép gai, có nghiệp vụ, tháp canh; trên trời máy bay thường xuyên tuần tra, thả pháo sáng “đêm cũng như ngày”; dưới sông Nhà Bè ca nô quần thảo liên tục.

Sau 14 tháng điều tra (từ tháng 10/1972 đến tháng 12/1973) với hàng chục lần trinh sát, điều nghiên, vẽ sa bàn, đưa ra 11 phương án tác chiến, đêm ngày 2/12/1973, 8 chiến sĩ Đội 5 ăn bữa cơm cuối cùng, chia tay đồng đội, thề rằng chưa đốt được kho Shell chưa trở về và gửi lời “đồng chí nào trở về gởi lời thăm anh em ở nhà và bà con Rừng Sác”.

0h35 rạng sáng ngày 3/12/1973, Tổng kho xăng dầu Nhà Bè nổ tung trời. Các chiến sĩ thoát ra ngoài an toàn nhưng có 2 chiến sĩ bị địch vây bắt trên sông phải cho nổ lựu đạn hy sinh để không rơi vào tay giặc.

Kho Shell bốc cháy 12 ngày đêm, hoàn toàn bị thiêu hủy, cháy 250 triệu lít xăng dầu, 12 bồn butaga, 1 tàu dầu Hà Lan 12 nghìn tấn, một cơ sở lọc dầu, một cơ sở trộn nhớt và một kho chứa lương thực, tổng thiệt hại khoảng 20 triệu USD. Việc đốt cháy kho xăng, dầu Nhà Bè đã làm kinh động đến chính quyền Mỹ và gây chấn động thế giới.

4. Với những chiến công vang dội, sự hy sinh to lớn ấy, năm 1973, Đoàn 10 đặc công Rừng Sác được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Đội 5 hai lần được tuyên dương Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân (năm 1972 và năm 1975). 6 đồng chí được tuyên dương và truy tặng Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Đội 5, Đội 2 được tặng danh hiệu “Đơn vị Thành đồng quyết thắng”. Toàn đoàn có 38 Huân chương Quân công, 154 Huân chương Chiến công, 1.841 Bằng khen, 1.740 Giấy khen, 16 Chiến sĩ thi đua cấp Phân khu, 268 Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 155 dũng sĩ các cấp.

Rừng Sác bây giờ xanh màu xanh của rừng, của trời và đồng phục của những người giữ rừng, hướng dẫn du khách. Rừng Sác bây giờ không còn tiếng bom, tiếng đạn nhưng bài ca hào hùng của người chí sĩ yêu nước, vì độc lập, tự do của Nhân dân suốt 50 năm vẫn âm vang.

Rừng Sác bây giờ đón khách thập phương, say sưa với những chuyện kể về chiến công, sự hi sinh của những người lính đặc công.

Đọc thêm