Venezuela đã đóng cửa biên giới vào tháng 2/2019 khi phe đối lập Venezuela cố gắng đưa viện trợ nhân đạo vào quốc gia có biên giới trên bộ với Colombia trái với mong muốn của Tổng thống Nicolas Maduro. Họ nói rằng chuyến hàng viện trợ là một phần của âm mưu nhằm lật đổ Tổng thống Maduro.
Các nhà chức trách Venezuela vào thời điểm đó đã phong tỏa cây cầu Simon Bolivar, một trong những điểm giao cắt chính giữa hai nước, với các container vận chuyển có dòng chữ "Chúng tôi muốn hòa bình".
Phe đối lập và các đồng minh cáo buộc ông Maduro gian lận cuộc bầu cử lại năm 2018. Tổng thống Maduro khẳng định rằng cuộc bầu cử diễn ra trong sạch và đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế của Venezuela. Venezuela đang trải qua một cuộc suy thoái kinh tế siêu lạm phát kéo dài nhiều năm.
Một công-te-nơ đã chặn lối đi trên cầu Simon Bolivar giữa Cucuta, Colombia và San Antonio del Tachira, Venezuela được dỡ bỏ trước khi cầu vượt được mở lại ngày 4/10/2021. Ảnh: Reuters |
"Nghĩ đến người dân của chúng tôi, trong tình anh em và sự hợp tác giữa người dân Colombia và Venezuela, Tổng thống Maduro đã đưa ra quyết định mở cửa giao thông thương mại", Phó Tổng thống Rodriguez nói.
Theo Freddy Bernal, đại diện của chính phủ ông Maduro ở bang biên giới phía tây Tachira, thương mại giữa hai nước, có chung đường biên giới dài 2.219 km (1.379 dặm), từng lên tới khoảng 7 tỷ USD mỗi năm.
Chính phủ Colombia, vốn không công nhận ông Maduro là Tổng thống hợp pháp của Venezuela, đã đóng cửa biên giới giữa hai quốc gia Nam Mỹ láng giềng vào tháng 3/2020 do đại dịch COVID-19 và hủy bỏ biện pháp đó vào tháng 6/2021.
Trong một tuyên bố, Tổng thống Colombia Ivan Duque cho biết việc mở cửa trở lại với Venezuela sẽ là một "quy trình có trật tự."