VFA là Hiệp hội của những "nhà buôn"?

Không chỉ bây giờ, hoạt động của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) trước đây cũng đã nhiều lần gây bức xúc dư luận. Nhiều chuyên gia cho rằng, hiệp hội này đã “nhầm vai” khi tự trao cho mình quyền điều hành như một đơn vị … quản lý!

Không chỉ bây giờ, hoạt động của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) trước đây cũng đã nhiều lần gây bức xúc dư luận. Nhiều chuyên gia cho rằng, hiệp hội này đã “nhầm vai” khi tự trao cho mình quyền điều hành như một đơn vị … quản lý!

Theo tiến sĩ Lê Đức Thịnh, Trưởng bộ môn Thể chế nông thôn (Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thực tế chúng ta đang có hai cái yếu, gồm tổ chức nông dân và tổ chức các ngành hàng cũng như các chính sách về ngành hàng. “Vấn đề là những tổ chức mang tiếng nói của người nông dân đang phát triển một cách trì trệ, nói đúng hơn là không có tổ chức thực sự của nông dân và thiếu đi những chính sách điều phối cụ thể các tổ chức này hoạt động hiệu quả”, tiến sĩ Thịnh nói.

Tiến sĩ Lê Đức Thịnh
Tiến sĩ Lê Đức Thịnh

“Ngay như như Hiệp hội Lương thực mà báo chí đã phản ánh, "nó" có quyền quá lớn. Trong khi đó, nhiều hiệp hội xuất khẩu không phải là hiệp hội ngành hàng, chỉ là "đại diện" cho "một vài ông". Ví như Hiệp hội Lương thực Việt Nam thì xem đi xem lại là của mấy công ty xuất khẩu, vậy nông dân ở đâu? Cũng như Hiệp hội Cà phê, xét đi xét lại thì hầu như của mấy công ty cà phê. Hiệp hội Điều, Hiệp hội Chè... cũng thế cả. Nói ngắn hơn, đó là hiệp hội của mấy nhà buôn”, tiến sĩ Thịnh, nói.

Còn nhớ, từ năm 2009, tại cuộc hội thảo “Điều hành xuất khẩu gạo - thực trạng và giải pháp” được tổ chức tại Hà Nội, nhiều đại biểu tham dự đã không ngần ngại nói rằng nhà nước đã giao cho VFA quá nhiều quyền lực nên dẫn đến việc tổ chức này lạm quyền trong việc điều hành xuất khẩu gạo.

Thực chất, gọi là hiệp hội, nhưng như phát biểu của ông Trần Đình Tụng, Chánh văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam lúc đó, thực quyền của VFA  lại nằm trong tay lãnh đạo của hai tổng công ty lương thực. Hai tổng công ty này đã cố duy trì cơ chế xin - cho trong xuất khẩu gạo, làm cho quy luật kinh tế thị trường bị bóp méo, lưu thông lúa gạo thường xảy ra bất ổn, gây bất bình trong nông dân.

Với góc nhìn của mình, tiến sĩ Thịnh nói rằng đã là nhà kinh doanh thì luôn muốn có lợi cho mình, nói cách khác là “tối đa hóa lợi nhuận”. Chuyện chia đều lợi ích với nông dân, không riêng gì mỗi mình gặp, mà ở những nước phát triển cũng là chuyện hiếm. Cho nên, để giảm những tác động như vậy thì người nông dân phải liên kết trong các tổ chức của mình, đồng thời khung pháp lý cho nó cũng phải rõ ràng, tránh việc lợi dụng danh nghĩa nông dân để phục vụ một nhóm lợi ích nào đó. Lúc yêu cầu Nhà nước hỗ trợ thì lấy danh nghĩa của người nông dân, khi được lợi thì chỉ mình biết mà thôi.

Cảm nhận về sự thua thiệt của người nông dân trong mối quan hệ này, tiến sĩ Thịnh chia sẻ rằng, bất cứ một nước nào thì năng suất lao động ở khu vực nông nghiệp cũng đều thấp. Tuy nhiên, các hiệp hội khi nào cũng khẳng định luôn đứng về phía nông dân, nhưng quay đi quay lại thì lại cho rằng "cái gì cũng khó": giá đầu vào thì cao, sản xuất thì thiên tai vẫn thường xuyên rình rập, làm được ra sản phẩm thì không biết bán cho ai... Riêng về các phong trào cũng vậy, nhiều khi không xuất phát chính từ nguyện vọng và lợi ích của người nông dân.

Thừa nhận VFA có vai trò quan trọng trong việc đưa xuất khẩu gạo của Việt Nam đứng thứ hai trên thế giới, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho  rằng cơ cấu tổ chức, quy trình hoạt động trong xuất khẩu gạo của tổ chức này còn có vấn đề. Dù là một hiệp hội nhưng VFA lại điều hành xuất khẩu gạo "theo kiểu quản lý nhà nước".

Kêu hỗ trợ thì lấy danh nghĩa nông dân!

"Để giảm những tác động bất lợi, người nông dân phải liên kết trong các tổ chức của mình, đồng thời khung pháp lý cho nó cũng phải rõ ràng, tránh việc lợi dụng danh nghĩa nông dân để phục vụ một nhóm lợi ích nào đó. Lúc yêu cầu Nhà nước hỗ trợ thì lấy danh nghĩa của người nông dân, khi được lợi thì chỉ mình biết mà thôi" - Tiến sĩ Lê Đức Thịnh

Việt Hưng

Đọc thêm