Chuyện này là bình thường, sai phạm thì bị xử lý, trước sau gì thì khi phát hiện ra sự sai trái thì không thể bỏ qua. Tuy nhiên, sự bình thường này trở nên đặc biệt khi rất ít những trường hợp mắc sai phạm khi đảm trách một chức vụ nào đó rồi được thăng tiến lên một vị trí cao hơn, sai phạm bị xóa sạch không tỳ vết. Kế “kim thiền thoát xác” này tỏ ra ứng nghiệm và được sử dụng triệt để. Việc 3 đời Chủ tịch huyện ở Đắk Lắk thay nhau ký tiếp nhận giáo viên hợp đồng, gây nên sự dư thừa là một ví dụ.
Tương tự, nhiều khi trong quản lý hành chính, vận hành bộ máy, đề bạt cán bộ, người ta cứ nhắm mắt làm liều, đặt sự việc vào tình thế “đã rồi” và buộc phải chấp nhận vì sự ổn định này khác, ảnh hưởng quyền lợi nọ kia, rất ra vẻ đạo lý, nhân văn nhưng thực chất là bao biện dung túng cho những việc làm sai trái. Mới đây, tỉnh Quảng Trị buộc phải xem xét lại một trường hợp bổ nhiệm từ Hiệu trưởng THCS lên Phó phòng Nội vụ khi chưa là công chức, bị báo chí phát hiện.
Tương tự, UBND TP Hà Nội vừa có chỉ đạo xem xét vụ cô giáo Hiệu trưởng Tiểu học được bổ nhiệm lại khi trước đó lạm thu hơn 1 tỷ đồng, dù đã trả lại số tiền này nhưng sai phạm thì vẫn cần xử lý. Hoặc, dư luận không để yên cho “cô giáo quyền lực” im lặng trên bục giảng 3 tháng, cô thừa nhận mình sai nhưng không phải thấy lỗi và xin lỗi thì cho qua sai phạm đạo đức nghề nghiệp. Xử lý triệt để thì sẽ hạn chế được tình trạng sai phạm tái diễn, hẳn ai cũng hiểu điều đó, chỉ có làm hay không mà thôi!
Gần đây nhất, 3 xe tải chở cây quá khổ, quá trọng đi qua hàng trăm km trên quốc lộ mà cảnh sát giao thông “không thấy” đã khiến dư xôn xao và hết sức bất bình. Phải xử lý đến nơi đến chốn, bất kể cây đó là của ai thì mới đúng tinh thần tôn trọng pháp luật. Hoặc, khách sạn 5 sao ở Phú Quốc xây quá phép nhưng chính quyền sở tại cùng cơ quan chức năng loay hoay mãi mà không “cắt ngọn” được gây tiếng xấu trong dư luận. Âu đây cũng là hệ quả tất yếu của biện pháp tránh né “phạt cho tồn tại” đã quá thịnh hành.
Đã sai phạm, dù nhỏ hay lớn, xảy ra từ trước đó nhưng vẫn cần phải xử lý, không có chuyện “đời cha ăn mặn” và đến “đời con mới khát nước”.