Vi phạm về phòng cháy, chữa cháy còn phổ biến

(PLVN) - Hôm qua (8/7), tại Nhà Quốc hội (QH), Đoàn giám sát của QH về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014-2018” đã làm việc với Chính phủ. Tại buổi làm việc, lãnh đạo Chính phủ cho biết dù đã được quan tâm chỉ đạo nhưng tình trạng vi phạm quy định về điều kiện an toàn PCCC còn diễn ra khá phổ biến, nhưng việc phát hiện, xử lý còn hạn chế, thiếu kiên quyết…
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại cuộc làm việc.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại cuộc làm việc.

Hỏa hoạn gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng

Theo Báo cáo của Chính phủ do Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương trình bày, từ 7/2014-5/2018, cả nước đã xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người, thiệt hại về tài sản ước tính trên 6.500 tỷ đồng và 6.400 ha rừng.

Trong số 13.149 vụ cháy nêu trên thì cháy nhà dân chiếm 40% tổng số vụ cháy, nguyên nhân chủ yếu là do không bảo đảm an toàn hệ thống điện (chiếm 57%) và do sơ suất trong quá trình sử dụng lửa, xăng dầu, khí đốt (chiếm trên 29%). Đặc biệt, những ngày qua đã xảy ra các vụ cháy rừng nghiêm trọng, trên diện rộng, đe dọa an toàn khu dân cư, công trình công cộng và đường dây truyền tải điện quốc gia.

Chỉ rõ nguyên nhân tình trạng trên, Chính phủ cho rằng, hiện tượng “khoán trắng” cho lực lượng công an còn xảy ra ở nhiều nơi, việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ PCCC và cứu nạn cứu hộ chưa được quan tâm đúng mức.

Đáng chú ý, tình trạng vi phạm quy định về điều kiện an toàn PCCC còn diễn ra khá phổ biến, nhưng việc phát hiện, xử lý còn hạn chế, thiếu kiên quyết. Trách nhiệm của người đứng đầu ở một số cơ quan, tổ chức, cơ sở trong việc bảo đảm điều kiện an toàn PCCC chưa cao…

Khẳng định Báo cáo của Chính phủ đã cơ bản bám sát Đề cương gợi ý của Đoàn giám sát. Các nội dung báo cáo rõ ràng, số liệu minh chứng cụ thể, Song, Đoàn giám sát của QH cũng chỉ rõ, báo cáo chưa đánh giá hết vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan có liên quan trong chỉ đạo, điều hành thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC theo chức năng, nhiệm vụ đối với một số nội dung cũng như những tồn tại, hạn chế được nêu trong báo cáo.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga, Phó trưởng Đoàn giám sát, báo cáo chỉ ra nguyên nhân cháy do chập điện là 57%, một số nơi đoàn đi kiểm tra thì nguyên nhân chập điện lên đến 70%. Do vậy, bà Nga đề nghị phải xác định trách nhiệm của ngành điện liên quan đến cháy nổ trong các khu chung cư cũ, trung tâm thương mại, nhà ở hỗn hợp…

Trong 126 vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng được đề cập, báo cáo cần có phụ lục phân tích rõ về nguyên nhân, trách nhiệm của 5 vụ cháy nổ nghiêm trọng nhất trong 126 vụ cháy lớn đặc biệt nghiêm trọng này để Đoàn giám sát có căn cứ kiến nghị và đề xuất QH ban hành nghị quyết về vấn đề này để thực sự chuyển biến trong thời gian tới. 

Trong khi đó, Cục trưởng Cục Kiểm tra giám sát kỹ thuật an toàn và môi trường (Bộ Công Thương) cho rằng, ngành điện chỉ có trách nhiệm mua bán điện, việc cấp phép xây dựng là do ngành xây dựng thực hiện, quản lý Nhà nước về PCCC do lực lượng PCCC của Bộ Công an đảm nhiệm. 

Trước những ý kiến này, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ, Trưởng đoàn giám sát đề nghị, rà soát lại xem có “lỗ hổng” nào không, hoặc ngành điện không có khuyết điểm mà lỗi là do người sử dụng điện gây nên?

Điều tra, xử lý nghiêm các vụ cháy 

Làm rõ thêm một số nội dung mà Đoàn giám sát quan tâm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định, thời gian qua, công tác PCCC đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

Tuy nhiên, công tác PCCC còn một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, đã xảy ra nhiều vụ cháy lớn, nhất là tại các đô thị, địa bàn tập trung dân cư, khu công nghiệp, cơ sở dịch vụ giải trí. Mới đây nhất, từ ngày 26/6-1/7/2019, trên địa bàn các tỉnh miền Trung đã xảy ra vụ  cháy rừng nghiêm trọng. 

Để nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác PCCC, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nêu rõ một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách mà các bộ, ngành, địa phương phải tập trung thực hiện. Trong đó cần rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác PCCC trong tình hình mới, đề cao trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền địa phương, tập trung xây dựng lực lượng dân phòng để phát huy vai trò nòng cốt tại cơ sở, duy trì thực hiện công tác thường trực, sẵn sàng chiến đấu, kịp thời dập tắt các vụ cháy, không để xảy ra cháy lớn, góp phần kiềm chế thiệt hại về người và tài sản.

Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, rà soát các cơ sở, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với cơ sở không bảo đảm an toàn PCCC. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng cần xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định. Cần điều tra, xử lý nghiêm các vụ cháy đã xảy ra thời gian qua.

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ đề nghị Chính phủ cần triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế các vụ cháy, nổ lớn, nhất là ở những nơi có nguy cơ cháy, nổ cao. Coi việc chấp hành các quy định về PCCC là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động, điều hành quản lý của các cơ quan, đơn vị.

Làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong phạm vi quản lý để xảy ra cháy, nổ, gây thiệt hại về người và tài sản. Về công tác phòng, chống cháy rừng - nội dung đang được đặc biệt quan tâm - Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và có giải pháp PCCC rừng trong thời gian tới. 

Đọc thêm