Rời vị trí của Phó viện trưởng Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương, ông lại tiếp tục trong vai trò của một vị hội thẩm, đem hết tài năng và sự hiểu biết của mình cho công việc với một mong ước giản đơn: Làm được gì tốt thì cứ làm. Ông là Lê Đình Can, trưởng đoàn hội thẩm nhân dân quận Cầu Giấy, Hà Nội.
|
1. Xuất thân trong một gia đình hiếu học ở quê lúa Thái Bình, từ nhỏ cậu bé Can ước mơ thành người thầy giáo. Nhưng khi đang học cấp 3 trường huyện, trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh nên anh thanh niên Lê Đình Can đã gác bút nghiên tình nguyện theo con đường binh nghiệp. Ông Can từng kinh qua thời gian công tác ở Quân khu tả ngạn, Văn phòng Tổng Cục chính trị, rồi về Văn phòng Liên hiệp quân sự 4 bên thi hành Hiệp định Paris.
Năm 1974, ông theo chiến dịch quân quản của Bộ Quốc phòng vào giải phóng miền Nam. Khi đất nước giải phóng, ông được điều chuyển về công tác tại Viện kiểm sát Quân sự Trung ương. Trải qua quá trình phấn đấu học hỏi miệt mài với tinh thần nỗ lực và cầu thị cao, ông Can đã trở thành một Kiểm sát viên, rồi Kiểm sát viên cao cấp, một lãnh đạo uy tín và mẫu mực trong ngành Kiểm sát quân sự.
Năm 2009, ông Can nghỉ hưu với hàm Đại tá (hưởng lương Thiếu tướng). Sau 42 năm cống hiến trong quân đội, nay hoàn thành nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó, những tưởng sẽ là khoảng thời gian ông được hưởng thú vui an nhàn bên gia đình, con cháu. Ai ngờ, nghỉ hưu rồi ông Can lại hoạt động “hăng” hơn trước. Ông tham gia công tác tại đoàn Hội thẩm nhân dân quận Cầu Giấy, được bầu làm Trưởng Đoàn Hội thẩm nhân dân. Ông cũng tích cực tham gia công tác ở đoàn thể địa phương, mà lĩnh vực nào cũng nắm giữ vị trí “chóp bu”.
“Tiếng là nghỉ hưu nhưng tôi thậm chí còn bận rộn, vất vả hơn cả thời gian đương chức. Đi xử án, họp hành, tiếp xúc cử tri liên miên, chưa kể có khi tối đêm hoặc giờ nghỉ vẫn có bà con gõ cửa đến xin được tư vấn pháp luật…
Bà nhà tôi và con cháu đôi khi cũng cằn nhằn vì tôi tham công tiếc việc quá, giờ Nhà nước cho nghỉ chế độ rồi thì làm được đến đâu thì làm, hăng hái quá làm gì! Nhưng tôi và những người thuộc thế hệ chúng tôi luôn tâm niệm rằng, chúng tôi có được như ngày hôm nay là nhờ ơn Đảng, ơn Nhà nước nên tôi phải có trách nhiệm đền đáp công ơn đó. Việc nào có ích cho dân thì tôi nguyện hết mình!” - ông Can chia sẻ.
2. Trong những lần đi tiếp xúc cử tri, ông Can đều công khai số điện thoại, địa chỉ nhà mình và tình nguyện xin tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho các cử tri trên địa bàn phường Mai Dịch và các đại biểu Cựu chiến binh quận Cầu Giấy. “Tôi không dám chắc mình am tường pháp luật trên tất cả mọi lĩnh vực. Nhưng tôi luôn chịu khó trau dồi kiến thức, cập nhật văn bản pháp luật mới để “làm giàu” kiến thức pháp luật cho mình, cũng là để giúp đỡ các cử tri”- vị đại tá quân đội cho hay.
Khi được hỏi chuyển từ vị trí của một công tố viên trong Viện kiểm sát quân sự sang làm “quan Tòa” có gặp phải nhiều khó khăn không, ông thành thật giãi bày: “Đương nhiên là có, nhưng không lớn. Vì nắm quyền công tố hay Hội đồng xét xử thì cũng vẫn là “phụng công thủ pháp, chí công vô tư”.
Nếu như trước đây khi công tác trong ngành Kiểm sát quân sự, ông chỉ phải nghiên cứu án hình sự, thì nay trong vai trò của Hội thẩm nhân dân, ngoài án hình sự, ông Can còn tham gia xét xử cả án dân sự, hành chính, kinh tế, lao động, hôn nhân - gia đình… Ông băn khoăn trăn trở rất nhiều để làm sao áp dụng đúng pháp luật nhưng vẫn phải thấu lý đạt tình.
“Pháp luật quy định rõ, trong hoạt động xét xử Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán, độc lập xét xử và chỉ tuân theo pháp luật nên mình phải thực hiện đúng theo nguyên tắc đó. Mà muốn độc lập xét xử được thì Hội thẩm phải vững về chuyên môn, phải có kiến thức pháp luật sâu mới đưa ra quan điểm, đường lối giải quyết vụ án xác đáng và bảo vệ quan điểm đó của mình. Đấy mới là người Hội thẩm thời kỳ cải cách tư pháp, chứ không phải anh “nghị gật” theo lối tư duy tiêu cực của một số người” - ông thẳng thắn phát biểu.
Trong suốt chặng đường 42 năm phấn đấu trong Quân đội nói chung và cho ngành Kiểm sát quân sự nói riêng, ông Can đã vinh dự được nhận rất nhiều Huân chương, Huy chương, Bằng khen. Tháng 7/2012 vừa qua, ông là một trong hai đại biểu của ngành Kiểm sát quân sự vinh dự được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất.
Lưu Ly