Vì sao Bắc Kinh khuyến cáo cư dân ở trong nhà

0:00 / 0:00
0:00
Nhiệt độ giữa tháng 6 tại Trung Quốc và Ấn Độ đang ở mức cao kỷ lục. Riêng ở Ấn Độ, gần 100 người thiệt mạng vì nắng nóng chỉ trong vài ngày tại 2 bang đông dân nhất nước này.
Nhiệt độ giữa tháng 6 ở một số nơi tại Trung Quốc và Ấn Độ đã lên tới mức kỷ lục, khiến giới chức trách cảnh báo cư dân ở trong nhà. Ảnh: AP.

Nhiệt độ giữa tháng 6 ở một số nơi tại Trung Quốc và Ấn Độ đã lên tới mức kỷ lục, khiến giới chức trách cảnh báo cư dân ở trong nhà. Ảnh: AP.

Kể từ tháng 3, Trung Quốc đã ghi nhận mức nhiệt độ cao hơn thường lệ, theo Reuters.

Hôm 15/6, thành phố Thạch Gia Trang ở tỉnh Hà Bắc đã trở thành nơi đầu tiên ghi nhận mức nhiệt độ 40 độ C trong năm nay, truyền thông Trung Quốc đưa tin.

Trung Quốc thiếu điện

Cơ quan Khí tượng Trung Quốc (CMA) ngày 16/6 cho biết nhiệt độ tại thủ đô Bắc Kinh đạt kỷ lục giữa tháng 6 ở mức 39,4 độ C, đồng thời cảnh báo cư dân ở trong nhà.

"Vào lúc 14h30 ngày 16/6, nhiệt độ đo được tại trạm Nanjiao ở thủ đô Bắc Kinh đã đạt mức 39,4 độ C, phá kỷ lục cho khoảng thời gian giữa tháng 6 ở Trung Quốc", AFP dẫn thông báo của CMA trên mạng xã hội.

Đài Khí tượng Thiên Tân cũng đưa ra cảnh báo nhiệt độ cao màu đỏ, với nhiệt độ dự kiến lên đến 40 độ C.

Tình trạng nắng nóng kéo dài đang đặt mạng lưới điện của Trung Quốc vào trạng thái báo động cao. Nhiều thành phố ở phía nam phải ra tuyên bố kêu gọi người dân và doanh nghiệp giảm tiêu thụ điện.

Lưới điện miền Đông Trung Quốc, phục vụ các trung tâm kinh tế như Thượng Hải và Hàng Châu, ước tính mức tiêu thụ điện đỉnh điểm của khu vực này trong mùa hè sẽ vượt mốc 397 GW - cao hơn công suất điện của cả Nhật Bản.

Người dân Bắc Kinh, Trung Quốc mệt mỏi dưới nắng nóng ở mức cảnh báo màu cam (mức cao thứ 2) ngày 16/6. Ảnh: The Sun Daily.

Người dân Bắc Kinh, Trung Quốc mệt mỏi dưới nắng nóng ở mức cảnh báo màu cam (mức cao thứ 2) ngày 16/6. Ảnh: The Sun Daily.

Cục Năng lượng Quốc gia Trung Quốc đã tổ chức một cuộc diễn tập ứng phó khẩn cấp về việc mất điện quy mô lớn xuyên tỉnh và khu vực ở Hoa Đông nước này vào ngày 15/6, với sự tham gia của gần 30 cơ quan đơn vị thuộc cơ quan quản lý điện năng và các doanh nghiệp phát điện ở Thượng Hải, Giang Tô, Chiết Giang, An Huy và Phúc Kiến.

Đây là lần đầu tiên Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc tổ chức diễn tập ứng phó khẩn cấp về việc mất điện quy mô lớn xuyên tỉnh và khu vực.

Các nhà khoa học nhận định tình trạng nóng lên toàn cầu đang khiến các hình thái thời tiết trở nên cực đoan hơn. Hậu quả là nhiều quốc gia tại châu Á phải đối mặt với các đợt nắng nóng và nhiệt độ cao kỷ lục trong những tuần gần đây.

MA cho biết nhiệt độ tại thủ đô Bắc Kinh trong những ngày tới sẽ duy trì ở mức trên 37 độ C, cảnh báo người dân "nên giảm thời gian hoạt động ở ngoài trời và chú ý tình trạng sốc nhiệt".

Thủ đô Bắc Kinh đang được đặt dưới cảnh báo nắng nóng màu cam - mức cảnh báo cao thứ 2 của Trung Quốc. Theo Tân Hoa Xã, 8 thủ phủ của các tỉnh tại Trung Quốc đã ghi nhận mức nhiệt độ cao nhất kể từ đầu năm nay vào hôm 15/6.

Tại thủ đô, nhiệt độ đo được tại mặt đường đã vượt qua mốc 50 độ C, "có thể dễ dàng khiến cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, gây thủng lốp của phương tiện giao thông và tạo ra các vụ cháy đột ngột", Lei Lei, nhà khí tượng học ở Bắc Kinh, trả lời Tân Hoa Xã.

Theo trang Guardian, một đợt nắng nóng đang trải khắp châu Á, khiến không chỉ Trung Quốc mà nhiều nơi khác cũng có những mức nhiệt độ kỷ lục, như Việt Nam, Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản…

Nhiều người Ấn Độ chết do nắng nóng

Tại Ấn Độ, ngày 18/6, các quan chức cho biết chỉ trong vài ngày, ít nhất 96 người đã chết do nắng nóng ở 2 bang đông dân nhất nước - Uttar Pradesh và Bihar.

Chính quyền cảnh báo người trên 60 tuổi và mắc bệnh nền nên ở trong nhà vào ban ngày, kỳ nghỉ của học sinh cũng được kéo dài do nắng nóng, theo AP.

Tất cả 54 trường hợp tử vong ở bang Uttar Pradesh đều là cư dân quận Ballia. Hầu hết người qua đời đều trên 60 tuổi và sẵn có tình trạng sức khỏe không tốt, có thể trở nên trầm trọng hơn do nắng nóng gay gắt.

Người thân chăm sóc bệnh nhân trong khuôn viên của một bệnh viện ở quận Ballia, phía bắc bang Uttar Pradesh, Ấn Độ, ngày 18/6. Ảnh: AP.

Người thân chăm sóc bệnh nhân trong khuôn viên của một bệnh viện ở quận Ballia, phía bắc bang Uttar Pradesh, Ấn Độ, ngày 18/6. Ảnh: AP.

Ông S. K. Yadav, một quan chức y tế ở Ballia, cho biết trong 3 ngày qua, khoảng 300 bệnh nhân đã được đưa vào bệnh viện quận vì nhiều triệu chứng khác nhau do nắng nóng.

Do tình hình nghiêm trọng, chính quyền đã hủy đơn xin nghỉ phép của nhân viên y tế và cung cấp thêm giường bệnh trong khu cấp cứu để đáp ứng lượng bệnh nhân ngày càng tăng.

Các quan chức cho biết hầu hết bệnh nhân nhập viện đều từ 60 tuổi trở lên, có các triệu chứng sốt cao, nôn mửa, tiêu chảy, khó thở và các vấn đề liên quan đến tim.

Anh R.S. Pathak, một cư dân tại Ballia, cho biết anh chứng kiến lượng bệnh nhân ngày càng tăng tại khu cấp cứu của bệnh viện khi đang chăm sóc cha mình. Cha anh đã qua đời vào ngày 17/6.

“Điều này chưa bao giờ xảy ra ở Ballia. Tôi chưa bao giờ thấy người chết vì nắng nóng với số lượng lớn như vậy”, anh nói. “Mọi người sợ phải ra ngoài. Những con phố và khu chợ không người qua lại”.

Ngày 18/6, nhiệt độ tại Balia lên tới 43 độ C, cao hơn mức bình thường 5 độ. Độ ẩm được ghi nhận ở mức 25%, làm tăng tác động của nhiệt.

Ông Atul Kumar Singh, nhà khoa học thuộc Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD), cho biết “nhiệt độ sẽ không giảm trong 24 giờ tới”.

IMD đã đưa ra cảnh báo cho biết tình trạng sóng nhiệt sẽ kéo dài đến ngày 19/6 tại các vùng của Uttar Pradesh.

Bộ trưởng y tế của bang, ông Brijesh Pathak, cho biết chính quyền đang mở cuộc điều tra về nguyên nhân số người chết kỷ lục ở Ballia.

Người trên 60 tuổi và có các bệnh nền là đối tượng dễ phải nhập viện do nắng nóng. Ảnh: AP.

Người trên 60 tuổi và có các bệnh nền là đối tượng dễ phải nhập viện do nắng nóng. Ảnh: AP.

Còn ở phía đông Bihar, nắng nóng thiêu đốt đã bao trùm hầu hết bang này, khiến 42 người thiệt mạng chỉ trong 2 ngày. Trong đó 35 người qua đời tại 2 bệnh viện ở Patna, thủ phủ của bang. Tại đây, hơn 200 bệnh nhân bị tiêu chảy và nôn mửa đang được điều trị.

Ngày 17/6, Patna ghi nhận nhiệt độ cao nhất ở mức 44,7 độ C.

Các tháng chính của mùa hè - tháng 4, 5 và 6 - là những tháng nóng nhất ở hầu hết Ấn Độ, trước khi mưa gió mùa mang lại nhiệt độ mát mẻ hơn.

Nhiệt độ ở Ấn Độ đã trở nên gay gắt hơn trong thập kỷ qua. Trong các đợt nắng nóng, nước này thường bị thiếu nước trầm trọng, hàng chục triệu người phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt.

Nghiên cứu của World Weather Attribution, một tổ chức học thuật nghiên cứu nguồn gốc của sóng nhiệt, phát hiện ra rằng đợt nắng nóng gay gắt hồi tháng 4 ở Nam Á có khả năng xảy ra ít nhất gấp 30 lần do biến đổi khí hậu.

Hồi tháng 4, nắng nóng đã khiến 13 người thiệt mạng tại một sự kiện của chính phủ ở thủ đô Mumbai và khiến một số bang phải đóng cửa toàn bộ trường học trong một tuần.

Đọc thêm