Các biến chủng phụ của Omicron đang nhanh chóng lây lan và trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia. Hiện XBB.1.5 được giới khoa học chú ý bởi khả năng trốn tránh miễn dịch và bám dính tế bào. Các phiên bản trước đó của Omicron như BA.1, BA.2 cũng từng là mối đe dọa đối với nhiều nước. Dù vậy, sau một thời gian, biến chủng nCoV dường như dừng lại ở Omicron và không phát triển thêm, tạo nên nhiều cuộc thảo luận trong cộng đồng khoa học.
Xuất hiện lần đầu vào tháng 11/2021, Omicron khác biệt về mặt di truyền so với các biến chủng nCoV trước đó. Phiên bản đầu tiên là BA.1 đã tạo ra những làn sóng lây nhiễm, nhập viện, tử vong và hàng loạt hậu duệ mới. Biến chủng phụ tiếp theo là BA.2, với hàng chục đột biến gene mới, khác biệt về mặt di truyền với BA.1. Nhiều nhà khoa học cho rằng BA.1 xứng đáng được xem xét như một biến chủng độc lập, thay vì biến chủng phụ của Omicron.
Tuy nhiên, điều đó không xảy ra. WHO lặng lẽ ngừng đặt tên cho các biến chủng đáng quan tâm mới. Thay vào đó, tổ chức đã tạo ra danh mục Biến chủng phụ của Omicron đang được theo dõi.
WHO cho biết tổ chức vẫn sẽ chỉ định tên mới nếu phát hiện một biến chủng đủ khác biệt. Tuy nhiên, cơ quan y tế Liên Hợp Quốc cũng nhận định việc phân biệt rạch ròi không còn quá cần thiết.
"Thực tế là các biến chủng phụ (không có tên riêng) cũng không làm giảm đi tầm quan trọng của chúng. Chúng tôi sẽ đặt tên mới nếu nó tạo ra tác động đủ sâu rộng đối với sức khỏe cộng đồng. Biến chủng được đặt tên mới cũng sẽ đòi hỏi các nước điều chỉnh phản ứng phòng dịch", Christian Lindmeier, người phát ngôn của WHO, cho biết.
Một số nhà khoa học đồng ý với chiến lược này. Michael Worobey, chuyên gia sinh vật học, nhà nghiên cứu về đại dịch thông qua bộ gene virus, chỉ ra rằng nCoV phát triển theo hai cách.
Cách đầu tiên là tiếp tục lây lan cho nhiều người. Loại tiến hóa này xảy ra dần dần và không gây quá nhiều thay đổi cùng lúc. Cách thứ hai là lây nhiễm cho người bị suy giảm chức năng miễn dịch. Worobey chỉ ra trường hợp một bệnh nhân ở Houston đã nhiễm phiên bản Delta có 17 đột biến.
nCoV (màu vàng) phát triển từ những tế bào nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Science
Những loại virus này có khả năng tạo ra sự khác biệt ở cấp độ Omicron. Tuy nhiên, ông cho rằng không cần thiết đặt tên mới đến khi chúng xuất hiện ngoài cộng đồng và bắt đầu lây lan mạnh.
Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng chiến lược đặt tên của WHO có thể gây ra những nhầm lẫn trong cộng đồng.
"Các biến chủng phụ của Omicron rất rõ ràng và khác biệt. Chúng không giống với Omicron, chúng đã phát triển rất nhiều", Bette Korber, chuyên gia về biến thể tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos, cho biết.
Korber chỉ ra rằng ngay khi xuất hiện, Omicron đã có hai phiên bản là BA.1 và BA.2. Từ đó đến nay, các nhà khoa học ghi nhận hơn 650 biến chủng phụ khác.
"Nhưng WHO đã ngừng đặt tên cho chúng vào thời điểm này. Vì vậy, mọi người lầm tưởng là chúng ta đang an toàn. Việc sử dụng tên Omicron khiến cộng đồng nghĩ rằng virus không còn thay đổi nữa, song trên thực tế, nó đang thay đổi rất nhiều", Korber nói.
Theo Ryan Gregory, nhà sinh vật học tiến hóa tại Đại học Guelph, Canada, nếu không có tên chính thức mới theo bảng chữ cái Hy Lạp, giới khoa học sẽ mất khả năng giao tiếp về virus. Ông nhận định tên khoa học của các dòng phụ như BQ.1.1 rất chính xác, nhưng chúng dần trở nên khó sử dụng.
Một số nhà khoa học thậm chí phải gọi biến chủng XBB.1.5 với cái tên Kraken - một con quái vật biển trong thần thoại. Cái tên dần phổ biến trên truyền thông ở một số nước. Tuy nhiên, đây không phải giải pháp hoàn hảo, bởi tên gọi không được chuẩn hóa.
Gregory cho biết việc đặt tên chính xác cho biến chủng rất quan trọng, chúng phục vụ một mục đích.
"Đó là cho phép giới chuyên gia thảo luận về virus, những thay đổi của chúng và cách virus ảnh hưởng đến cộng đồng", vị chuyên gia nói.