Đã vậy, khi đem thuốc nhập lậu đi tiêu hủy thì lợi bất cập hại vì Nhà nước phải chi 3.500 đồng để xử lý 1 bao thuốc. Hàng tiêu hủy càng nhiều thì khói thuốc gây ô nhiễm môi trường càng nghiêm trọng.
Buôn lậu càng chống, càng tăng
Có nhiều lý do khiến việc chống buôn lậu không hiệu quả và cuộc chiến chống buôn lậu vẫn diễn ra hết sức cam go, chưa có hồi kết. Loại trừ lý do do sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, nhân viên lực lượng chống buôn lậu thì có thể thấy do địa hình biên giới rộng lớn, sông suối nhiều, khó kiểm soát hoạt động buôn lậu vốn được thực hiện bằng các phương thức, thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh. Ban ngày các đối tượng buôn lậu “xé lẻ” hàng hóa để đai vác qua biên giới. Đêm xuống, chúng lợi dụng địa hình nhiều sông, rạch để vận chuyển hàng qua biên giới, đi sâu vào nội địa.
Sau đó, nếu êm xuôi, các “ma tốc độ” nhanh chóng dùng xe máy chở đi tiêu thụ. Còn nếu bị cơ quan chức năng phát hiện thì toàn bộ lô hàng đều là “vô chủ”, gây không ít khó khăn cho công tác chống buôn lậu trên tuyến biên giới. Trong khi đó, phần lớn phương tiện vận chuyển đều là xe gắn máy không giấy tờ, biển số giả..., nên khi gặp lực lượng tuần tra thì bọn chúng vứt cả hàng hóa và phương tiện tẩu thoát.
Các “nài xe” chở thuốc lá lậu thường là dân địa phương, thông thạo địa hình, sử dụng các phương tiện chạy tốc độ cao, vận chuyển nhỏ lẻ, không đủ định lượng để xử lý hình sự nhằm tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Để qua mặt cơ quan chức năng, chúng dùng xe máy cốp rộng có thể chứa được nhiều thuốc lá nhập lậu hoặc cho hàng vào ba lô du lịch, can nhựa... để ngụy trang giống như khách đi du lịch hay đang đi chở nước. Nếu bị bắt thì chống trả quyết liệt để tẩu thoát.
Thời đại kỹ thuật số phát triển, các trùm buôn lậu đều có các “chim lợn” cài cắm khắp nơi để thông báo “nhất cử, nhất động” của cán bộ, nhân viên cơ quan chống buôn lậu. Hiện vẫn chưa có chế tài xử lý đối tượng này nên nhiều khi biết đối tượng ngồi ở cổng đồn biên phòng, cổng trạm hải quan chính là “chim lợn” của trùm buôn lậu thì cơ quan chức năng cũng phải bó tay, tìm phương án khác để đánh án.
Dân buôn lậu ngang nhiên chạy xe máy hàng đoàn trên đường, vượt quá tốc độ nhưng cơ quan chức năng không dám chặn bắt vì sợ xảy ra tai nạn. Khi lực lượng chức năng bắt được một vụ buôn lậu thì các đối tượng buôn lậu lại hoạt động mạnh hơn để “bù lỗ” số hàng hóa bị bắt giữ.
Một nguyên nhân nữa là do mức chênh lệch giá giữa thị trường trong nước và Campuchia khá cao, trung bình mỗi gói thuốc lá, mỗi kilôgam đường từ Campuchia nhập lậu vào Việt Nam không mất thuế được lời vài nghìn đồng. Vì hám lợi nên nhiều người tham gia buôn lậu dẫn tới tình trạng buôn lậu càng chống, càng tăng.
Những chiêu thức né luật
Theo các cơ quan chức năng, việc thuốc lá lậu lộng hành tại nhiều địa phương là do buôn thuốc lá lậu dễ dàng kiếm được lợi nhuận “khủng”, trong khi chế tài xử phạt còn nhẹ. Khoản 22 Điều 1 Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định như sau: Đối với hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 500 bao trở lên thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự thì phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
Như vậy, trường hợp vận chuyển từ 50 cây thuốc lá ngoại nhập lậu trở lên không đương nhiên bị xử lý hình sự mà trường hợp này có hai chế tài: bị khởi tố hình sự hoặc nếu cơ quan tiến hành tố tụng không khởi tố vụ án thì đối tượng buôn lậu chỉ bị phạt tiền từ 70-100 triệu đồng.
Thực tế cho thấy chỉ có đối tượng nào không có tiền nộp phạt thì mới bị xử lý hình sự. Còn lại, khi bị bắt các đối tượng buôn lậu đều sẵn sàng nộp phạt để né ở tù. Do đó, trường hợp này ít bị xử lý hình sự.
Riêng mặt hàng đường cát, sau khi lực lượng Công an tổ chức triệt xóa các đường dây buôn lậu có quy mô lớn (đường dây Vi Thị Kim Mai, Vương Bích Thuận…) thì các đối tượng buôn lậu co cụm lại một thời gian.
Sau đó, lại tiếp tục gia tăng hoạt động với thủ đoạn tinh vi hơn, trong đó có một số thủ đoạn mới như: Lập các lò đường phèn gần khu vực biên giới để chế biến đường cát thành đường phèn hoặc vận chuyển đường pha với nước từ bên kia biên giới vào nội địa, gây khó khăn cho lực lượng trong việc truy xuất nguồn gốc.
Hoặc sau khi lực lượng Công an phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Mía đường xử lý các trường hợp sử dụng hóa đơn của các công ty mía đường trong nước để hợp thức hóa hàng lậu thì các đối tượng triệt để sử dụng hóa đơn bán hàng phát mãi để xuất trình khi bị kiểm tra, bắt giữ.
Thuốc lá lậu khi bị bắt sẽ được đưa đi tiêu hủy. Ngày 26/4/2016, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức tiêu hủy 33.243 gói thuốc lá ngoại nhập lậu. Nhưng đó chỉ là con số nhỏ so với số lượng thuốc lá lậu bị hủy ở một số tỉnh như An Giang, Tây Ninh, Long An… Ông Nguyễn Minh Toại - Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ cho biết, trong 6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng ở Cần Thơ đã thu giữ và tiêu hủy 64.795 bao thuốc lá các loại. Chi phí Nhà nước hỗ trợ chỉ riêng công tác tiêu hủy là 3.500 đồng/bao, tương đương gần 227 triệu đồng.
Như vậy, cùng với chi phí tổ chức các đội liên ngành để bắt giữ, tiêu hủy thuốc lá lậu thì khi tiêu hủy thuốc lá nhập lậu, một số tiền khổng lồ cũng đã bị đốt theo. Càng bắt giữ được nhiều thuốc lá ngoại nhập lậu thì số tiền chi cho việc tiêu hủy càng cao. Do việc tiêu hủy thuốc lá đã gây lãng phí, thiệt hại tiền của Nhà nước và gây ô nhiễm môi trường nên ông Nguyễn Minh Toại mới đây đã đề nghị Đoàn công tác liên ngành, Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) trình Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia Trương Hòa Bình xem xét chủ trương trong thời gian tới thực hiện tái xuất thuốc lá ngoại còn chất lượng bị tịch thu nhằm tránh thiệt hại trên. Chi phí thu được sẽ là nguồn kinh phí giúp hỗ trợ phục vụ công tác chống buôn lậu của các lực lượng chức năng.