Vì sao cơ quan Tình báo Đức bị “trói tay”?

(PLO) -Việc thông qua dự luật cải cách Cơ quan Tình báo Đức (BND) của Quốc hội hôm 21/10 đồng nghĩa với việc từ nay BND sẽ bị “trói tay” và điều này đang khiến giới chuyên môn quan ngại. Việc siết chặt kiểm soát hoạt động của BND diễn ra sau khi tân Giám đốc mới điều hành công việc chưa được 3 tháng. 
Cơ quan Tình báo liên bang Đức (BND)
Cơ quan Tình báo liên bang Đức (BND)

Theo quyết định của Thủ tướng, từ ngày 1/7, ông Bruno Kahl, 53 tuổi, Vụ trưởng Tài chính, Bộ Tài chính Đức, chính thức thay thế ông Gerhard Schindler làm Giám đốc BND. Và ông Gerhard Schindler bị miễn nhiệm khi vẫn còn 2 năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu, nhưng người ta không nêu nguyên nhân của việc ra quyết định kể trên. 

Luật mới khe khắt

Giới truyền thông cho biết, luật mới quy định, hoạt động do thám ở nước ngoài cũng như nền tảng pháp lý trong hợp tác của BND với các cơ quan tình báo nước ngoài, phải phục vụ chính sách đối ngoại và an ninh của Đức.

Ngoài ra, luật mới cũng quy định rõ việc theo dõi và do thám mang tính chiến lược đối với "người nước ngoài ở nước ngoài", trong đó các hoạt động do thám điện thoại hay kết nối Internet để thu thập thông tin về các mối đe dọa, phục vụ công tác xử lý về chính sách đối ngoại của Đức và có thể lưu giữ tài liệu tối đa 6 tháng.

Luật mới cấm việc do thám vì mục đích kinh tế hay do thám Tổng thống hoặc Thủ tướng các nước đồng minh. Và việc do thám kể trên phải nhận được sự đồng ý của Phủ Thủ tướng, cũng như một ủy ban độc lập, gồm 2 thẩm phán và 1 công tố viên thuộc Tòa án Tư pháp liên bang. Luật mới cũng đặt những rào cản về pháp lý khi do thám công dân Liên minh châu Âu (EU) cũng như các thể chế EU. Tuy nhiên vẫn có những ngoại lệ trong vấn đề này. 

Trước khi Quốc hội thông qua dự luật cải cách BND, Chính phủ đã thông qua dự luật thành lập một ủy ban kiểm soát bên ngoài (28/6) để có thể giám sát hoạt động của Cơ quan Tình báo (cơ quan tình báo nước ngoài của Đức).

Khi đó, Chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel đã thông qua dự thảo luật mới của BND nhằm siết chặt kiểm soát các hoạt động của cơ quan tình báo này. Và trọng tâm của dự luật là thành lập một cơ quan kiểm soát mới bên ngoài, với sự tham gia của các thẩm phán cao cấp. Ủy ban này có thể tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên vào mọi thời điểm và các đối tượng của BND. 

“Trói tay”

Theo dự luật, chi phí hoạt động hàng năm của BND sẽ tăng thêm ít nhất 6,5 triệu euro. Gần 5 tháng trước (3/6), Liên minh cầm quyền ở Đức đã nhất trí tăng cường kiểm soát đối với BND, đồng thời thông qua những chế tài mới nhằm quản lý các hoạt động tình báo của cơ quan này.

Theo đó, BND chỉ được phép tiến hành hoạt động do thám mang tính chiến lược ở nước ngoài dựa trên các từ khóa sau khi nhận được sự chấp thuận của Giám đốc BND, Văn phòng Phủ Thủ tướng và một ủy ban thẩm phán độc lập.

Giới chuyên môn cho rằng, việc “trói tay” BND xuất phát từ hàng loạt bê bối của cơ quan này liên quan tới hoạt động tình báo, trong đó có việc tiếp tay cho Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) do thám các quốc gia đồng minh châu Âu, cũng như có các hoạt động do thám mờ ám theo các từ khóa vì mục đích riêng.

Giới truyền thông Đức cho biết, Ủy ban Điều tra NSA thuộc Quốc hội có thêm nhiệm vụ là điều tra hoạt động do thám của BND đối với "các quốc gia thân hữu" bên cạnh nhiệm vụ hiện nay. Tờ Spiegel từng tiết lộ, vì lo ngại nguy cơ xảy ra thêm bê bối trong hợp tác tình báo, nên Đức đã từ chối một dự án hợp tác với Mỹ ở Jordan - theo dõi các chiến binh Syria. 

Hơn 5 tháng trước (18/5), nhân chuyến thăm Mỹ, Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maiziere và người đồng cấp nước chủ nhà Loretta Lynch đã ký thỏa thuận về tăng cường hợp tác chống khủng bố và trao đổi thông tin về các đối tượng tình nghi.

Theo đó, 2 bên đẩy mạnh trao đổi thông tin về các phần tử Hồi giáo cực đoan nguy hiểm, cũng như tăng cường chia sẻ về tuyến di chuyển của những đối tượng này. Giới chuyên môn cho rằng, việc Bộ Nội vụ Đức-Mỹ công bố nội dung thỏa thuận nhằm xoa dịu sự chỉ trích của dư luận sau vụ bê bối nghe lén của NSA nhằm vào nhiều mục tiêu ở Đức và châu Âu thông qua BND.

Đọc thêm