Vì sao cuối năm pháo nổ ồ ạt nhập lậu?

(PLO) -Càng gần tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, tình trạng vận chuyển pháo nổ qua biên giới gia tăng đột biến. Một lý do mà số lượng pháo “đổ bộ” vào nội địa tăng cao là do các đối tượng buôn lậu, vận chuyển hàng có giá trị dưới 100 triệu đồng thì không bị khởi tố hình sự. 
Đối tượng vận chuyển pháo lậu và tang vật bị thu giữ
Đối tượng vận chuyển pháo lậu và tang vật bị thu giữ

Nếu như trước đây, các đối tượng mua bán, vận chuyển pháo nổ qua biên giới thường vận chuyển hàng nhỏ lẻ với số lượng ít thì những ngày qua, các Đồn Biên phòng (BP) trong cả nước liên tục bắt giữ các vụ vận chuyển pháo lậu qua biên giới với số lượng lớn. Cụ thể, 2h ngày 25/12/2017, tại khu vực biên giới thuộc thôn Na Lốc, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, lực lượng liên ngành Biên phòng, Hải Quan, Công an trong lúc tuần tra, kiểm soát đã phát hiện 2 đối tượng đi 2 xe máy chở số lượng lớn hàng hóa. Tổ công tác đã yêu cầu 2 đối tượng dừng xe để kiểm tra nhưng cả hai đã bỏ chạy. Tổ công tác tiến hành truy đuổi và bắt giữ 1 đối tượng và toàn bộ tang vật gồm 137kg pháo các loại. Đối tượng còn lại đã bỏ chạy sang bên kia biên giới. 

17h ngày 31/12, tại khu vực mốc 724, thuộc địa bàn xã Cô Mười, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng, Đội tuần tra, kiểm soát Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) Trà Lĩnh, BĐBP Cao Bằng đã phát hiện đối tượng Nông Văn Khiêm (trú tại xóm Bó Hoạt, xã Cô Mười, huyện Trà Lĩnh) vận chuyển các bao tải bên trong đựng nhiều hộp pháo nổ có tổng trọng lượng 57kg. Trong tháng 12/2017, Đồn BPCK Trà Lĩnh đã bắt 3 vụ, thu giữ tang vật 170,8kg pháo nổ các loại có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc.

3h45 ngày 3/1, tại khu vực cửa khẩu quốc tế (CKQT) Cha Lo, cách cột mốc biên giới 528 khoảng 100m về phía Việt Nam, lực lượng tuần tra, kiểm soát của Đồn BP CKQT Cha Lo, BĐBP Quảng Bình đã phát hiện và bắt quả tang 3 đối tượng người Lào vận chuyển 64 kg pháo nổ. Các đối tượng bị bắt quả tang gồm: Phoong Xỉ Xôm Xay (SN 1996), Kẹo Ta Phết Sắc Đa (SN 1993), Xu Ni Bút Sá Nhở (SN 1989, đều trú tại bản Pạc Pha Năng, huyện Bua La Pha, tỉnh Khăm Muộn (Lào).

Các đối tượng đều khai nhận số pháo trên được một người Việt Nam (chưa rõ tên) thuê vận chuyển từ Lào vào Việt Nam, với số tiền công 1 triệu Kíp Lào.

Nếu như trước đây, khi Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) còn hiệu lực thì theo Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25/12/2008 hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo thì cứ vận chuyển pháo nổ qua biên giới là bị khởi tố hình sự. 

Phụ lục IV Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, “kinh doanh các loại pháo” được xác định là ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện. Nghĩa là kể từ thời điểm Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực, các loại pháo không còn bị xem là hàng cấm và hành vi kinh doanh các loại pháo, pháo nổ (sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán) không còn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự nên sai phạm không bị xử lý hình sự. 

Luật sửa đổi, bổ sung Luật đầu tư năm 2014 đã bổ sung quy định “kinh doanh pháo nổ” vào ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh (Điều 6). Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2017 và pháo nổ lại bị xem là hàng cấm như quy định trước đó. 

Tuy nhiên, theo Bộ luật Hình sự năm 2015, để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ qua biên giới thì phải có định giá về giá trị hàng hoá từ 100 triệu đồng trở lên, nên các đối tượng vận chuyển, buôn lậu pháo qua biên giới cũng ít bị khởi tố hình sự. 

Đọc thêm