Vì sao ĐBQH không đi tiếp xúc cử tri một mình?

(PLO) - Theo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (TƯMTTQ) Việt Nam, hiện nay, việc thực hiện lời hứa của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đại biểu HĐND chưa được thực hiện nghiêm túc, bởi chưa có quy định ràng buộc trách nhiệm phải báo cáo trước cử tri kết quả thực hiện lời hứa tại các cuộc tiếp xúc…
Cử tri phát biểu ý kiến tại cuộc tiếp xúc.
Cử tri phát biểu ý kiến tại cuộc tiếp xúc.

Để khắc phục các hạn chế trong việc tổ chức tiếp xúc cử tri, góp phần đảm bảo tính thống nhất về nguyên tắc thực hiện cũng như hình thức tiếp xúc, mới đây, Đoàn Chủ tịch Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ QH, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của ĐBQH, đại biểu HĐND.

Còn hình thức, chưa hiệu quả

Hiện nay, việc tổ chức hoạt động tiếp xúc cử tri của ĐBQH được thực hiện theo Nghị quyết liên tịch số 525/2012, còn hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND cũng chưa có văn bản quy định chi tiết. Chính vì hoạt động tiếp xúc cử tri chưa có văn bản quy định thống nhất về cách thức thực hiện, cơ chế phối hợp nên thời gian vừa qua, hoạt động này đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc. 

Điển hình là việc quy định để bảo đảm thành phần, số lượng cử tri tham dự các cuộc tiếp xúc cử tri chưa rõ, chưa có cơ chế để tạo điều kiện nhiều cử tri có tâm huyết đến dự và phát biểu; còn tồn tại tình trạng “đại cử tri”, dẫn đến việc tổ chức các cuộc tiếp xúc của đại biểu ở nhiều cấp, nhiều nơi còn mang tính hình thức, chưa thực sự hiệu quả. 

Bên cạnh đó, ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam cũng cho rằng, việc trả lời, phúc đáp về những kiến nghị của cử tri tại các cuộc tiếp xúc trước đó trên thực tế nhìn chung chưa được giải trình một cách thấu đáo, chưa thể hiện đúng mức vai trò giám sát của ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp; chính quyền các cấp giải quyết các kiến nghị của cử tri cũng chưa thực sự đáp ứng được mong đợi của cử tri. Có địa phương tổ chức riêng việc tiếp xúc cử tri của ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp, nhưng có nơi lại tổ chức chung, trong khi không có văn bản nào quy định về việc tiếp xúc chung…

Giải quyết bất cập này, dự thảo Nghị quyết đã quy định về số lượng cử tri tham dự đối với cuộc tiếp xúc cử tri nơi cư trú. Cụ thể theo Điều 6 Dự thảo thì: “Cuộc tiếp xúc cử tri nơi cư trú, nơi làm việc của đại biểu phải bảo đảm yêu cầu về số cử tri tham dự như sau: nơi có dưới một trăm cử tri thì phải bảo đảm có trên 50% số cử tri tham dự; nơi có từ một trăm cử tri trở lên thì phải bảo đảm ít nhất là trên năm mươi cử tri tham dự”. 

Tuy nhiên, bà Phạm Thị Trân Châu, Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam vẫn băn khoăn về tính khả thi của quy định này: “Quy  định nơi tiếp xúc cử tri nếu có trên 100 người thì phải có ít nhất 50 người tham dự thì khu của tôi chẳng có chỗ nào chứa hết…Vậy mình quy định thế nào?”. 

Cũng theo bà Châu, để tránh tình trạng “đại cử tri”, các cử tri phải được dự tiếp xúc luân phiên, làm sao đảm bảo ít nhất sau 5 năm, hầu hết các cử tri nơi cư trú, nơi làm việc phải được tham dự các cuộc tiếp xúc với ĐBQH, đại biểu HĐND.

Tán thành với nhiều hình thức tiếp xúc cử tri đang được thực hiện nhưng bà Châu cho rằng, có nhiều cử tri khi thấy vấn đề nào bức xúc muốn phản ánh thì họ trực tiếp gặp ĐBQH chứ không hẹn trước, nhưng theo quy định tại Dự thảo thì việc tiếp xúc cử tri phải được “tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri” (Điều 3). Như vậy, “có nghĩa là khi muốn gặp ĐBQH hoặc cử tri nào đó thì mình có phải báo trước với MTTQ hay không?”, vị Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam đặt vấn đề.

Việc tiếp xúc cử tri phải năng động, linh hoạt và đa dạng hóa hình thức

Quan tâm đến năng lực, trình độ của các đại biểu dân cử, ông Bùi Nguyên Súy, Phó Trưởng ban Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ QH đề nghị dự thảo Nghị quyết vừa đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch nhưng cũng phải linh hoạt, lắng nghe được nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri nhất.

“Vấn đề đặt ra là có những ĐBQH không đi tiếp xúc cử tri một mình mà đi theo nhóm, như vậy năng lực, trình độ của các ĐBQH cũng còn hạn chế. Nếu như vậy thì làm sao đi được nhiều địa điểm, sao có thể xuống nhiều địa bàn lắng nghe được nhiều ý kiến của cử tri và nhân dân cả nước? Làm sao Nghị quyết đảm bảo được việc tiếp xúc cử tri phải năng động, linh hoạt và đa dạng hóa hình thức?”, ông Súy băn khoăn.

Liên quan đến nội dung dự thảo, cũng có ý kiến đề nghị chỉ nên tiếp xúc cử tri trước kỳ họp và nên bỏ tiếp xúc cử tri sau kỳ họp của ĐBQH, vì cho rằng các phiên họp chính của kỳ họp QH đã được truyền hình trực tiếp, các nội dung lớn thảo luận, trình bày tại các kỳ họp đã được thông tin kịp thời, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vì vậy, việc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp QH là mang tính hình thức, không hiệu quả mà lại mất thời gian, kinh phí tổ chức…

Về ý kiến này, Đoàn Chủ tịch Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam cho rằng vẫn cần tiếp tục giữ hình thức tiếp xúc cử tri sau kỳ họp của ĐBQH, bởi ngoài việc thông tin về nội dung trình bày, thảo luận tại kỳ họp QH… đại biểu QH còn có trách nhiệm báo cáo, giải trình về kết quả giải quyết và trả lời đối với những ý  kiến, kiến nghị của cử tri đã phản ánh tại kỳ họp trước. 

Ngoài ra, Đoàn Chủ tịch cũng nhất trí với quan điểm cần chú trọng đến việc đại biểu tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng để đại biểu có nhiều cơ hội tiếp xúc với các chuyên gia, nhà nghiên cứu có nhiều kinh nghiệm thực tiễn nhằm tổng hợp nắm bắt các nội dung có liên quan mà đại biểu quan tâm.

Đọc thêm