Vì sao DN cần đăng ký bảo hộ nhãn hiệu càng sớm càng tốt?

(PLO) - Vấn đề này một lần nữa được đặt ra tại hội thảo “Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại các nước ASEAN trong quá trình hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN –AEC” diễn ra hôm qua (13/7) tại TP HCM.
Võng xếp Duy Lợi từng vướng tranh chấp về đăng ký nhãn hiệu với một thương nhân tại Nhật Bản
Võng xếp Duy Lợi từng vướng tranh chấp về đăng ký nhãn hiệu với một thương nhân tại Nhật Bản

Đăng kí bảo hộ nhãn hiệu là một trong những biện pháp quan trọng, hàng đầu và thiết yếu đối với các doanh nghiệp để bảo vệ thương hiệu của chính mình trong quá trình hội nhập. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, việc này lại chưa được một số doanh nghiệp thực sự quan tâm khiến cho một số thương hiệu mạnh của Việt Nam bị nước ngoài giả mạo thương hiệu.

Năm 2002, thương hiệu Vinataba - thương hiệu thuốc lá hàng đầu của Việt Nam đã bị P.T. Putra Stabat Industri (một công ty của Indonesia) chiếm đoạt đăng ký tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và 9 nước ASEAN.

Vào năm 2003, Công ty võng xếp Duy Lợi đã có tranh chấp với doanh nhân Nhật Bản Johnson Miki về việc đăng ký thương hiệu võng xếp Duy Lợi tại Nhật Bản. May mắn phần thắng vẫn thuộc về Duy Lợi.

Nhưng cho tới tận khi nhãn hiệu cà phê “Buon Ma Thuot Coffee” bị Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co., Ltd (Quảng Châu - Trung Quốc) đăng ký độc quyền tại Trung Quốc, hàng loạt doanh nghiệp mới thực sự nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc bảo hộ nhãn hiệu.

Tại Hàn Quốc, ông Lee Mi Hyang, Giám đốc một doanh nghiệp vừa và nhỏ đã đăng ký nhãn hiệu trong đó có từ “Buon” cho nhóm 30 sản phẩm cà phê vào ngày 6/1/2005. Nguyên nhân là do Đắk Lắk mới chỉ đăng ký chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuật tại Việt Nam, mà không đăng ký ra phạm vi toàn cầu theo Hệ thống Madrid.

Xảy ra tình trạng trên là do doanh nghiệp Việt Nam chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của thương hiệu hàng hoá, sự đóng góp của thương hiệu trong giá trị sản phẩm và sự cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, từ đó xem nhẹ việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với thương hiệu của mình không chỉ tại thị trường nước ngoài mà ngay cả ở thị trường trong nước.

Các doanh nghiệp Việt Nam chưa xác định được chiến lược kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh trong điều kiện hội nhập quốc tế và tập trung phát triển kinh doanh dài hạn tại các thị trường trọng điểm. Hiểu biết của các doanh nghiệp Việt Nam về luật pháp quốc tế trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, nhất là Luật Quyền sở hữu trí tuệ tại các quốc gia mà doanh nghiệp muốn thâm nhập cũng còn nhiều hạn chế.

Trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không tránh khỏi tình trạng bị xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và cạnh tranh không lành mạnh, không chỉ trong nước mà cả trên thế giới. Do đó, các tổ chức, cá nhân cần chủ động đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp với các tài sản trí tuệ một cách nhanh chóng.

Hiện có hai con đường để đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài, đó là đăng ký trực tiếp tại từng quốc gia, và đăng ký thông qua Hệ thống Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu (bao gồm Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Madrid). Việt Nam đã gia nhập cả Thỏa ước và Nghị định thư Madrid.

Theo bà Phạm Thị Thoa (công ty luật Apolat Legal): “Hiệp ước Madrid là một văn kiện được ban hành để đơn giản hóa các thủ tục xin cấp phép, đăng ký, và hài hòa thủ tục đăng ký  nhãn hiệu giữa các quốc gia khác nhau. Việc quy định những nguyên tắc này giúp cho những chủ sở hữu nhãn hiệu tiết kiệm được thời gian, chi phí cho việc đăng ký nhãn hiệu. Các điều ước quốc tế này cũng sẽ hỗ trợ người nước ngoài khi nộp đơn vào Việt Nam được nhanh chóng và thuận tiện hơn”.

Từ phía cơ quan nhà nước, Chính phủ cũng đã phê duyệt chương trình Thương hiệu quốc gia nhằm xây dựng, quảng bá tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước. Ông Trần Giang Khuê, phó văn phòng đại diện phía Nam Cục Sở hữu trí tuệ cho biết: “Chúng tôi sẽ tuyên truyền phổ biến rộng rãi tới doanh nghiệp ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam cũng như tại nước ngoài. Chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp thủ tục đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp có thể tiếp cận và tìm hiểu dễ dàng những điều luật quốc tế”.

Các cơ quan, doanh nghiệp cần thêm thông tin chi tiết liên quan đến việc bảo hộ nhãn hiệu, có thể liên hệ:

Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam 

Địa chỉ: 384-386, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội

Điện thoại: (04) 3858 3069, 

(04) 3858 3425.

Fax: (04) 3858 8449, (04) 3858 4002

E-mail: congnghethongtin@noip.gov.vn,

vietnamipo@noip.gov.vn

Văn phòng đại diện phía Nam:

Địa chỉ: Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, số 17 - 19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP HCM.

Điện thoại: Tel:  (08) 3920 8483 - 3920 8485     Fax: (08) 3920 8486

Bộ phận Nhận đơn:      (08) 3920 8483

Bộ phận Tư vấn hỗ trợ: (08) 3920 8485

E-mail:  vanphong2@.noip.gov.vn

Hoặc liên hệ Công ty luật  Apolat Legal

Địa chỉ: Tầng 5, Tòa nhà GIC, số 36A, Đường D2, Phường 25, quận Bình Thạnh, TP HCM.

Điện thoại: (08) 62894909, 

(84) 903006672.

Email: info@apolatlegal.com

Đọc thêm