Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, Việt Nam hiện đang xuất siêu hơn 1 tỷ USD với 10 quốc gia trong CPTPP, nhưng tỷ lệ tận dụng ưu đãi của Hiệp định này lại đạt rất thấp - ở mức 1,17%.
Doanh nghiệp tận dụng ưu đãi còn thấp
Các nền kinh tế CPTPP chiếm 6/27 thị trường xuất khẩu với giá trị xuất khẩu vượt quá 1 tỷ USD, một đóng góp khá lớn so với các thỏa thuận thương mại khác mà Việt Nam đã ký kết. Tổng trị giá xuất khẩu trong 7 tháng năm 2019 tăng 7,8%. Trong đó máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 2,36 tỷ USD; hàng dệt may tăng 1,8 tỷ USD.
Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, Việt Nam công bố thặng dư thương mại tích cực hơn 1 tỷ USD với 10 quốc gia trong khối CPTPP 7 tháng năm 2019, sau khi thỏa thuận thương mại có hiệu lực. Doanh thu xuất khẩu của Việt Nam với các nước CPTPP chiếm 15,4% trong tổng doanh thu của Việt Nam.
Mặc dù nhiều doanh nghiệp (DN) đã biết tận dụng CPTPP để tăng trưởng xuất khẩu nhưng theo ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên (Bộ Công Thương), tỷ lệ tận dụng ưu đãi vẫn còn rất thấp.
Đơn cử như hàng xuất theo mẫu CPTPP chỉ đạt 190 triệu USD trong tổng số 16,4 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu, tương ứng với việc chỉ tận dụng được 1,17%. Trong đó, mặt hàng giày dép tận dụng được cao nhất với 10,26%; thấp nhất là gạo, chỉ đạt 0,01%, đứng thứ 2 tỉ lệ tận dụng thấp là dệt may với chỉ 0,03% (trong khi giá trị xuất khẩu của dệt may đạt cao nhất với hơn 2,3 tỉ USD).
Vẫn theo số liệu của Tổng cục Hải quan, đến hết tháng 7/2019, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với trị giá đạt 8,49 tỷ USD. Tiếp theo là thị trường Nhật Bản đã tiêu thụ 2,15 tỷ USD; thị trường EU (28 nước) tiêu thụ 2,47 tỷ USD; thị trường Hàn Quốc tiêu thụ 1,73 tỷ USD.
Trong thống kê nêu trên, chỉ duy nhất Nhật Bản là nước thành viên CPTPP lọt vào danh sách xuất khẩu dệt may lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, điều khiến DN và cơ quan quản lý nhà nước lo lắng là việc gia tăng giá trị xuất khẩu dệt may vào Nhật Bản lại không đến từ CPTPP mà đến từ Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) đã có hiệu lực từ năm 2008.
Các điều khoản ưu đãi thuế “khó nhằn”
Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc May 10 cho biết, Nhật Bản là thị trường truyền thống, cũng là thị trường điểm của May 10. Tuy nhiên, nếu đặt Nhật Bản trong khối CPTPP, May 10 không được hưởng nhiều lợi ích do May 10 đã đáp ứng được các điều kiện xuất khẩu cũng như hưởng ưu đãi từ thị trường này sau khi VJEPA có hiệu lực.
Bên cạnh đó, các điều khoản ưu đãi thuế quan của CPTPP không “dễ thở” như các điều khoản trong VJEPA. Không chỉ riêng May 10 mà hầu hết DN dệt may đều e dè với CPTPP vì các điều khoản… rất “khó nhằn” của nó. Ví như, quy tắc xuất xứ của VJEPA chỉ bắt đầu từ vải trong khi với CPTPP, yêu cầu bắt buộc phải đáp ứng xuất xứ từ sợi trở đi.
Trong năm 2018, dệt may là ngành hàng đứng thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu với hơn 30 tỷ USD (chỉ sau mặt hàng điện thoại di động). Năm 2019, dệt may đặt mục tiêu tăng thêm hơn 10 tỉ USD xuất khẩu nhưng nếu DN trong nước chỉ để ý gia tăng số lượng mà không để ý tận dụng các ưu đãi thuế quan ở các hiệp định đã ký kết sẽ là sự lãng phí rất lớn.
Một chuyên gia trong ngành cho rằng, CPTPP đã có hiệu lực, nếu các DN dệt may trong nước không nhanh tận dụng, rất có thể các ưu đãi này sẽ rơi vào DN có vốn đầu tư nước ngoài, chưa kể nguy cơ gian lận xuất xứ đang được “cảnh báo đỏ” (tất nhiên không chỉ trong ngành dệt may). Tuy nhiên, để tận dụng được ưu đãi không dễ bởi quy tắc xuất xứ từ sợi ở CPTPP đang làm khó DN trong nước.
Thực tế, nhiều DN đã tiến hành xuất khẩu sang một số nước trong khối CPTPP, tuy nhiên chỉ một phần rất nhỏ hàng hóa trong số đó được ưu đãi thuế quan, còn lại phần lớn vẫn phải chịu thuế 10% do không đáp ứng được nguyên tắc xuất xứ (nguyên liệu đầu vào được nhập khẩu từ khối CPTPP). Cũng chính vì lý do này mà nhiều DN dệt may trong nước không… tha thiết với CPTPP.
Tuy nhiên, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã đưa ra một điều khoản, có thể giúp DN dệt may tận dụng được ưu đãi thuế quan vào các thị trường này. Theo vị này, CPTPP có quy định ngoại lệ gồm 187 mặt hàng được phép nhập khẩu nguyên phụ liệu ngoài khối mà vẫn công nhận xuất xứ, trong đó 8 mặt hàng được phép nhập khẩu trong vòng 5 năm; các mặt hàng còn lại được công nhận vĩnh viễn. Do vậy, DN trong nước nên tận dụng quy định này để sớm gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang CPTPP.