Vì sao EVFTA được doanh nghiệp Việt trông đợi?

(PLVN) - Thông tin Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) sẽ được ký kết vào ngày 30/6/2019 thực sự là tin vui với cộng đồng doanh nghiệp Việt…
Việt Nam và EU sẽ ký FTA vào ngày 30/6/2019
Việt Nam và EU sẽ ký FTA vào ngày 30/6/2019

“Ngóng” EVFTA từng ngày…

Ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, Liên minh châu Âu (EU) sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu  đối với 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. 

Đó là những điều khoản đã được Việt Nam và EU thương thảo trong suốt 5 năm đàm phán và được đánh giá là những điều kiện rất thuận lợi đối với các doanh nghiệp đang xuất khẩu vào EU. Đây cũng chính là lý do giải thích vì sao đại bộ phận doanh nghiệp xuất khẩu đều rất trông ngóng Hiệp định này được ký kết và đi vào thực thi. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chắc không thể quên những câu hỏi liên tục về EVFTA mà ông đã nhận được từ doanh nghiệp trong nhiều hội thảo, đặc biệt câu hỏi: “Bao giờ EVFTA mới được ký kết?”. 

Còn nhớ, vào thời điểm đầu năm 2018, khi đó, EVFTA vừa được quyết định sẽ chia làm 2 hiệp định, gồm hiệp định về thương mại (EVFTA) và hiệp định về bảo hộ đầu tư (IPA), Thứ trưởng Trần Quốc Khánh dè dặt cho rằng, có thể EVFTA sẽ được ký kết trước, IPA sẽ được ký sau do có những vấn đề buộc phải có ý kiến đồng ý của Nghị viện Châu Âu (EP).

Đầu năm 2019, khi trao đổi với Báo PLVN về các hiệp định thương mại được trông đợi trong năm 2019, hầu hết các doanh nghiệp đều gọi tên EVFTA và hầu hết đều cho biết đã chuẩn bị cho hiệp định này từ trước đó khoảng 1-2 năm. Trong một cuộc hội thảo xuất khẩu vào EU, đại diện EU cũng cho biết, EU đang cố gắng để EVFTA được ký kết trước khi diễn ra các cuộc bầu cử ở các nước châu Âu... 

Và ngày 30/6 tới, 2 hiệp định giữa Việt Nam với các nước châu Âu sẽ chính thức được ký kết. 

Cơ hội lớn cho tăng trưởng xuất khẩu

Đón nhận thông tin EVFTA sẽ chính thức ký kết trong tháng 6 này, ông Thân Đức Việt, Phó Tổng Giám đốc May 10 chia sẻ: “Đây thực sự là tín hiệu rất mừng, đặc biệt với các doanh nghiệp dệt may nói chung và May 10 nói riêng vì Hiệp định này đã đàm phán từ rất lâu, các doanh nghiệp cũng đã mong đợi được ký kết và thông qua từ rất lâu rồi, nhất là các doanh nghiệp tính đến câu chuyện tăng trưởng xuất khẩu. Nếu EVFTA đi vào thực thi, May 10 dự kiến tăng trưởng mỗi năm khoảng 10%. Hiện sản lượng xuất sang châu Âu của May 10 chiếm khoảng 35% sản lượng hàng xuất đi”. 

Bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam cũng khẳng định, EVFTA là cơ hội rất tốt cho doanh nghiệp Việt cạnh tranh với các nước cùng xuất khẩu vào EU khi thuế xuất về bằng 0, giá thành giảm đi thì chắc chắn doanh nghiệp nhập khẩu sẽ tăng lượng nhập khẩu từ Việt Nam. Theo bà Huyền, dự kiến sản lượng quế hồi xuất sang EU sẽ tăng khoảng 20% so với trước khi có Hiệp định. 

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả), đồ gỗ... là rất đáng kể. Mức cam kết trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết cho tới nay. 

Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp đều lo ngại sẽ phải mất thêm thời gian để EP thông qua dù 2 Hiệp định này sắp được ký kết. Đại diện Bộ Công Thương khẳng định, Hiệp định Thương mại tự do mà 2 bên đã bàn thảo chính là toàn bộ nội dung EVFTA hiện nay, EU có quyền phê chuẩn và đưa vào thực thi tạm thời, do đó các doanh nghiệp sẽ không phải chờ đợi lâu để EVFTA đi vào thực thi. 

Hiệp định về đầu tư sẽ chỉ bao gồm tự do hóa đầu tư trực tiếp nước ngoài, bao gồm nội dung bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư. Riêng Hiệp định này buộc phải được sự phê chuẩn của cả EP và của Nghị viện các nước thành viên thì mới có thể thực thi. Hiệp định này sẽ phải chờ thêm một khoảng thời gian nhất định mới chính thức được thực thi. 

Đọc thêm